Mưa, đọc “không gian tiệm nước,” nhớ Sài Gòn

Anh bạn đưa cho quyển “Không gian tiệm nước-Sài Gòn tạp văn” bảo, “Người ta mới cho anh, nhường em đọc trước.”
Anh lầng khâng lật lật quyển sách trước khi trao tay, dặn thêm, “trong này có bài của thầy anh, thầy Huỳnh Như Phương, và có bài của anh TTD.”
“Ý là phải đọc bài của 2 người đó chứ gì?” tui nheo mắt hỏi.
Anh thảy cuốn sách lên bàn, vừa sượng sượng cười, vừa đưa tay gãi gãi đầu, kiểu như khi bị người ta bắt nõn được ý mình thì quê ngây ra, nói bừa, “Về đọc đi, mệt quá!”
Ừ thì đọc.
Truyện của thầy Huỳnh Như Phương anh thì tui chia đọc, nhưng tạp ghi của bạn anh thì, xin lỗi, dở ớn!

Có lẽ tui cũng thuộc loại gàn.
Tui cũng là người hay nhớ về quá khứ, nhớ về những điều đã xa.
Nhưng sao tui kỵ cái kiểu như thể “chỉ có thời tụi này sống thì Sài Gòn, hay bất kỳ nơi nào đó, mới là lộng lẫy hay ho nhất, còn thì như rơm như rác.”
What the hell?
Cụ thể là như kiểu này:
“lúc này, tìm đâu! Những nét văn hóa đa dạng của những cộng đồng lưu dân từng có thời đã hòa quyện với tánh cao thượng của cư dân bản xứ. Đâu rồi những buổi bình minh Sài Gòn khoáng đạt bắt đầu từ không gian tiệm nước!”
Ký ức, vẻ đẹp của một không gian, một miền đất nào đó là phải gắn với chính bản thân cuộc đời con người đó, không thể vay mượn.
Cái kiểu nói “SG bây giờ mất hết rồi, còn đâu…” khiến tui quạu. Anh không tìm ra nhưng tui tìm ra. Nét đẹp nằm ở trong tâm mình có muốn nhìn ra nó hay không
Tôi có thể đọc để hiểu, để biết về một Sài Gòn xưa, có những nét riêng của nó, nhưng Sài Gòn tôi yêu phải là Sài Gòn của thời tôi lớn lên và trưởng thành, nơi in dấu hình ảnh bàn chân tôi, bạn bè tôi, cuộc đời tôi.
Nhưng không thể vì thế mà tôi dè bỉu Sài Gòn của trước khi tôi ra đời hay sau khi tôi ra đi.
Chắc có lẽ tôi đọc và cáu vì tui ghét cái kiểu cứ phải thích chê như thế :))
Đúng là dở hơi – là tui dở hơi, chứ không phải tui nói người viết bài đó.

Chưa đọc hết “Không gian tiệm nước” nhưng cũng có những bài khiến mình nôn nao, nhớ nhung, bên cạnh những bài rất muốn chửi thề như bài “phụ nữ ở Sài Gòn”
Rồi bỗng dưng lại cứ đưa tay chùi nước mắt khi đọc “Tuổi thơ tôi có thằng Lợi sứt” của Nguyễn Nhật Ánh.
Chuyện chẳng có triết lý gì, chỉ là câu chuyện của một đám học trò quỷ với tuổi thơ lem luốc ngoài đồng và mê chơi đá dế.
Thằng Lợi sứt bắt được con dế lửa, đá ác chiến nên đám con trai cùng lớp đứa nào cũng mê muốn gạ đổi nhưng thằng đó nhất định không. Khi vào lớp, đám con trai chọc bạn bằng cách kháy cho con dế gáy lên.
Thế là thầy bắt mang lên để trên bàn giáo viên.
Thầy giảng bài mê mải, cuối giờ trả lại con dế cho đứa học trò thì mới phát hiện ra cặp táp thầy bị ngã lên đè con dế chết queo từ hồi nào.
Thằng sứt khóc, và cả đám con trai lòng chùng xuống. Đám tang con dế, buồn bã, trang nghiêm,…
Truyện chỉ có vậy, nhưng có lẽ do cách viết của tác giả mà đọc ra cái mộc mạc, đơn sơ, trong trẻo của những tuổi thơ chưa biết đến thời hightech. Tôi nhớ hình ảnh người thầy đưa tay xoa lên mái tóc bù xù của thằng học trò mà nói, “Đừng giận thầy nghe con.”

Tui đọc mà nghe ra cả tuổi thơ mình. Tuổi thơ của những trò chơi búp bê giấy, tức vẽ hình một cô gái thật đẹp, như búp bê Barbie vậy, trần trụi, rồi cắt ra, dán lên một miếng giấy cứng.
Từ con búp bê giấy cứng đó, đám con gái lại thi nhau vẽ mẫu quần áo để mặc vào cho nó. Đủ kiểu quần áo để có thể mặc mọi lúc mọi nơi. tất cả đều bằng giấy trắng và viết chì màu tô lên.
Đám con gái chị em tui, cùng đám con nhà bác Hai, bác Chín, bác Ba hàng xóm không đứa nào là không có một cái hộp búp bê như vậy.
Và cả đám chơi, như một vở kịch rối, tự biên tự diễn. Chúng tôi dàn dựng kịch bản và điều khiển những con búp bê của mình.
Tôi nhớ có lần tui sang tỉ tê với chị Oanh con bác Chính (giờ chị cũng sang Mỹ rồi, để hôm nào gặp tui sẽ nhắc chuyện chơi búp bê ngày xưa), chị cho tui tờ giấy pơ-luya màu xanh (như những tờ tissue bây giờ). Tui mê lắm, để dành sẽ vẽ áo cho búp bê tui.
Thế nhưng đến chừng đi tìm để vẽ thì tờ giấy mất tiêu. Hỏi lòng vòng, mới hay má tui lấy cho ba viết thư gửi cho chú bên Pháp.
Tui không dám càu nhàu, chỉ khóc. Má thấy, có vẻ cũng xót xa, đi kiếm đâu ra tờ giấy trắng, “Thôi con vẽ đỡ bằng giấy này.”
Chuyện chơi búp bê giấy, dễ chừng trôi qua đã gần 30 năm, vậy mà trong ngày mưa gió này lại nhớ, từ chuyện con dế của thằng Lợi sứt.

À, mà có ai đã từng biết qua trò chơi búp bê giấy như tụi con gái xóm tui chưa nhỉ?