Sài Gòn những năm đầu 90 có một hiện tượng thu hút giới thanh niên, đó là sự ra đời của hàng loạt quán cà phê … sang, thường là các sân vườn trong những căn biệt thự, được sửa sang lại, trồng thêm cây cối, hoa lá, bày biện bàn ghế sang trọng, và … có nhạc hay.
Thời gian này, hằng hà sa số những đĩa nhạc, tape nhạc hay, từ các trung tâm ở nước ngoài tuồn về. Tuổi thanh niên của tôi, nhất là mấy năm đại học, vừa mài đũng quần trong ghế nhà trường, nhưng có lẽ mài nhiều hơn nữa ở các quán cà phê. Trong số các quán này, còn nhớ như in Phượng Các, Điện Ảnh, Văn Cao, Press… Mỗi quán một vẻ, với một “gu” nhạc khác nhau. Nhưng tất cả đều là từ nước ngoài gởi về.
Nhớ có lần đi cùng đứa bạn thân đến một quán trên đường Nguyễn Thị Diệu, Quận 3. Cô chủ quán biết chúng tôi là dân ghiền nhạc, lật đật mở ngay một đĩa mới. Cả hai thằng sững sốt khi giọng nữ vang lên. Chăm chú nghe, như nuốt từng chữ, từng lời, từng note nhạc. Xong quay sang cô chủ, hỏi đĩa này giọng ai. Cô chủ nhíu mắt nhìn hai thằng chúng tôi, nửa đùa nửa thật: “Bộ không biết thiệt hả? Số một ở Mỹ hiện nay đó. Diễm Liên!” Đó là lần đầu tôi nghe đến tên Diễm Liên.
Một ngày khác, vô lớp học, đứa bạn nói nhỏ: “Chiều nay đi Phượng Các nhen. Có một giọng hát mới, không thua gì Duy Trác, Anh Ngọc.” Thế là cả buổi chiều học không yên. Cứ mong đến giờ ra về để được đi cà phê, được nghe cả giọng ca “không thua gì Duy Trác.” Mà thật, bước vào quán, khi giọng ca trầm ấm vang lên, tất cả như bị thôi miên: Tuấn Ngọc. Nhớ cái thời “đói nhạc” giữa một xã hội không còn âm nhạc, những Diễm Liên, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Ngọc Lan… như những cơn mưa rào đổ xuống ruộng khô.
Tôi có hai sở thích trái ngược hoàn toàn ở cùng một thứ cà phê. Một là ngồi những quán rất sang, vì nơi đây có nhạc, loại nhạc mà tôi ưa chuộng. Hai là, quan trọng hơn, ngồi ở những quán cóc, “càng cóc càng tốt,” và có thể … ghi sổ.
Sài Gòn thì không thiếu quán cóc; mà quán nào ngồi lâu thì đều có thể ghi sổ cả.
Nhớ nhất cái quán trong một con hẻm ngoằn nghều trên đường Điện Biên Phủ, gần Ngã Bảy. Nói là “quán” cho sang, chứ thật ra chỉ là vài cái bàn, cái ghế, đặt sát bức tường con hẻm hẹp chỉ một chiếc xe đạp lọt qua. Ngồi đâu khoảng nửa giờ đồng hồ, phải đứng lên nhường đường cho người khác đi qua, chắc cũng đến chục lần. Nhưng vui! Chẳng ai than phiền ai, mà còn giúp nhau né tránh. Trong cái nghèo, con người thường thông cảm nhau hơn thì phải.
Hết cái quán Điện Biên Phủ lại chuyển qua chỗ ngồi gần chợ Nancy, góc ngã tư Cộng Hòa – Trần Hưng Đạo, giáp giữa Quận 1 với Quận 5. Quán này nằm ngay chợ Nancy, nhưng lại hoàn toàn không có không khí chợ. Vì nó lọt thỏm vào bên trong, lại rất nhỏ, nên có vẻ nên thơ hẳn ra. Ngồi sâu bên trong, nhìn sinh hoạt chợ, và cả “chợ búa” của dân anh chị, thấy hết cảnh đời của một thành phố lam lũ.
Thời đó, ngoài đi học ban ngày ở trường, buổi tối tôi còn đi học thêm tiếng Pháp ở Viện Văn Hóa Pháp trên đường Thi Sách, Quận 1. Tôi học rất siêng, không bao giờ thiếu buổi nào. Không phải vì lớp có nhiều cô bé “tóc đờ mi gạc xon” đâu, mà vì có thằng bạn cũng rất siêng như tôi: Học xong là đi cà phê. Nhớ lớp buổi tối tan học lúc 9 giờ, hai thằng tất tả lấy xe đạp, đạp thiệt nhanh từ Quận 1 về đường Nguyễn Biểu, Quận 5. Đạp nhanh để còn kịp ngồi cử cà phê trước khi quán đóng cửa. Quán nằm ngay ngã ba Nguyễn Biểu – Nguyễn Trãi, trước cổng trường Cao Đẳng Sư Phạm. Quán chẳng có gì đặc biệt, ngoài việc nó dơ, nó rẻ, nó chật chội, nó rất “lao động,” và nó nằm sát đường phố, với tay có thể chạm người đi xe bên ngoài.
Hết tuổi đi học thì đến thời đi làm. Khi biết nhiệm sở rồi, việc đầu tiên là tôi chọn quán cà phê để uống, mỗi sáng và mỗi trưa. Chỗ làm đầu tiên của tôi nằm gần Ngã Sáu Phù Đổng. Nhớ các chú, các bác nói ở ngã tư “xéo xéo Thư Viện Gia Long” có mấy quán cóc hay lắm. Tôi đến liền! Và y như rằng, ngã tư này là nơi tôi “đóng đô” trong hai năm liền. Đó là nói quán buổi sáng. Còn buổi trưa, tôi là thằng ăn ít, nên hay bỏ buổi ăn trưa, lại đi cà phê. Đó là quán mà tôi và các bạn đặt tên là quán “Ve Kêu,” nằm ở đoạn cuối Trương Minh Giảng, Quận 3. Có những buổi trưa Hè, hàng cây cổ thụ dọc hai bên đường chắc phải có đến hàng triệu con ve, kêu vang không ngừng nghỉ. Đây có lẽ là quán duy nhất có nhạc nhưng tôi không để ý, vì chỉ thích tiếng… ve kêu.
Ở Sài Gòn đến gần 30 tuổi thì tôi sang Mỹ. Bây giờ điểm lại bạn bè, hình như những đứa tôi nhớ nhất chính là những đứa chia sẻ niềm đam mê cà phê cùng Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Duy Quang… trong suốt thời đại học của tôi. Cái học trong trường đủ để ra trường, kiếm một chỗ làm. Còn tình bạn từ trong trường ra đến quán xá thì còn theo trong tâm trí suốt những năm sau. Bây giờ thỉnh thoảng về thăm nhà, gặp lại mấy đứa bạn ấy, câu trước câu sau xong lại thấy cùng ngồi bên nhau trong những quán cóc ven đường. Vâng, cho dù Sài Gòn bây giờ đã có Starbucks, nhưng vẫn quán cóc Sài Gòn mới nghe ra hương vị “vua cà phê.”
Thiện Giao
You must be logged in to post a comment.