Khi học thêm đã trở thành thói quen, nếp nghĩ

Cha mẹ giàu nghèo đều cho con học thêm ‘để cho giỏi’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) – Lâu nay, người ta hay kêu gào về chuyện dạy thêm-học thêm ở Việt Nam. Ðó bị xem như một vấn nạn giáo dục mà xã hội và báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy bút để đào sâu mổ xẻ. Tuy nhiên, cho dù có nói đến như thế nào, chuyện dạy thêm-học thêm vẫn cứ được tiếp tục duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một lớp luyện thi SAT tại trung tâm dạy kèm Premier Academy ở West Covina. (Hình: Tiffany Lê/Người Việt)

Trong khi đó, có lẽ ít người để ý rằng, tại Hoa Kỳ, kỹ nghệ dạy kèm cũng phát triển rất mạnh, như tờ New York Times nhận định, “Dạy kèm là một trong số ít những kỹ nghệ ở Hoa Kỳ có vẻ như không bị ảnh hưởng gì bởi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay. Càng ngày, càng có nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền cho người dạy kèm con em mình.”

Ðiều đó không là ngoại lệ đối với những người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là ở quanh Little Saigon. Ở đây, cũng nở rộ phong trào học thêm-dạy thêm. Chỉ riêng trong cuốn niên giám thương mại Người Việt Yearbook, mục “School – Tutoring” có liệt kê tới 63 cơ sở dạy kèm.

Lý do học thêm

Chị Quỳnh Trang có hai con, một học lớp 12 ở Fountain Valley High School, một đứa lên 11 ở trường trung học La Quinta.

Cả hai con của chị Trang đều được cho đi học thêm từ khi mới vào lớp 1 với lý do “muốn cho con giỏi hơn.”

Ngoài ra, “Sau khi đi học thêm, về nhà thì bài vở đã xong hết rồi, nên cha mẹ cảm thấy yên tâm. Thêm vào đó, đi học thêm có cái lợi là khi tụi nhỏ không hiểu gì thì tụi nó gọi điện hỏi cô giáo, ngay cả buổi tối gọi hỏi cũng được, rồi cô giảng bài cho tụi nói nghe.” Chị Trang cho biết thêm.

Với chị Xuân, nhà ở Santa Ana , ngoài lý do muốn con học giỏi, điểm cao, chị còn mong ước con mình phải có đủ tự tin để tranh đua với những đứa trẻ Mỹ cùng trường. Mà muốn con tranh đua, thì phải cho con đi học thêm cho thật giỏi tiếng Mỹ, để có thể viết luận văn “essay” sao cho hay bằng, hay hơn học sinh Mỹ.

Ðeo đuổi suy nghĩ đó, chị Xuân cho hai đứa con mình đi học thêm từ lúc chúng đang học lớp 4, lớp 5. Hiện giờ, con trai chị Xuân đang học lớp 12 trường Công Giáo Mater Dei High School ở Santa Ana, còn đứa con gái học lớp 11 trường Edison ở Huntington Beach.

Trong khi đó, hai đứa con chị Phương, một học lớp 7, một lên lớp 5 ở trường Ethan Allen, thuộc thành phố Garden Grove, thì được mẹ cho đi học thêm từ hai năm về trước.

Một lớp học thêm của trường Elite ở Fountain Valley. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Lý do tiên quyết để chị Phương dành dụm tích cóp tiền cho con đi học thêm vẫn là “muốn cho con học giỏi hơn.” Thêm vào đó, “Tôi không có đủ thời gian dành cho việc kèm con học. Nếu không cho con đi học thêm, thì sau giờ học, tôi vẫn phải gửi chúng ở những nơi giữ trẻ. Mà vào đó thì tụi nhỏ chỉ xem tivi, xem phim, chơi là chủ yếu, chứ họ đâu kèm homework,” chị Phương giải thích.

Chính vì điều này, mà con trai chị Phương, mỗi ngày sau khi tan trường là được mẹ chở thẳng đến trung tâm dạy kèm A+ Tutoring Center để học thêm 1 tiếng 30 phút trước khi trở về nhà. Còn cô con gái học lớp 7 đã biết ý thức việc học hành, làm bài nên chị Phương chỉ cho con gái học chuyên về Toán và tiếng Anh vào mỗi Thứ Sáu và Thứ Bảy.

Chi phí cho chuyện học thêm

Theo tờ New York Times, giá trung bình cho một giờ dạy kèm hiện nay vào khoảng $45 đến $65. Trong cộng đồng Việt Nam, các cơ sở dạy kèm cũng tính giá tương tự như vậy.

Chị Phương cho biết, $600 là số tiền mỗi tháng chị dành ra cho việc học thêm của con, chưa tính tiền học các môn “chơi chơi” như học võ, học đàn, hay bơi lội.

Chị Xuân cũng tốn một khoản tiền tương tự khi cho con học thêm tại một trung tâm dạy kèm ở Irvine. Ngoài ra, để con trai luyện thi SAT, chị Xuân phải đóng cho trung tâm UNI $1,200 cho một “section” độ chừng 8 tuần. Trong khi đó, con gái chị Xuân lại đòi học luyện thi SAT ở trung tâm Huỳnh Ngọc Tiếu với giá $800 cho khóa học 7 tuần, mỗi tuần 1 buổi, mỗi buổi 3 tiếng.

Dẫu biết là “tiền học thêm cho con tốn khá nhiều,” nhưng như chị Quỳnh Trang tâm sự, “Tâm lý cha mẹ Việt Nam mà, có tốn tiền vẫn phải bỏ ra cho con thôi.” Nên mỗi tháng, chị Trang phải dành ra hơn $800 cho hai đứa con học thêm.

Theo lời ông Steve Pins, giám đốc điều hành Hiệp Hội Kỹ Nghệ Giáo Dục (Education Industry Association) phát biểu trên New York Times thì mức chi tiêu về dạy kèm tăng hơn 5% mỗi năm. Doanh thu của kỹ nghệ dạy kèm mỗi năm tại Mỹ vào khoảng 5 đến 7 tỉ đô la, theo ước tính của công ty chuyên nghiên cứu về giáo dục EduVentures.

Trước kia, những người dạy kèm thường được mời chỉ để giúp các học sinh không theo kịp bạn bè trong lớp về một môn học nào đó, hay do các em có vấn đề về khả năng học tập. Tuy nhiên, khuynh hướng học thêm hiện nay đã thay đổi ít nhiều. Mục đích các bậc phụ huynh kiếm người dạy kèm là nhằm bảo đảm điểm số của con em mình ngang bằng, hay cao hơn so với bạn bè, và cuối cùng là để đơn xin vào đại học của đứa trẻ có cơ hội được lựa chọn nhiều hơn.

Từ lớp 1 đến lớp 9, chị Trang cho con đi học thêm tại các trung tâm. Nhưng khi con gái chị bắt đầu vào trung học, “nó không còn thời gian nữa do phải tham gia nhiều ‘project’, nhiều hoạt động sau giờ học ngay tại trường,” do đó chị Trang chuyển qua mướn thầy về nhà dạy kèm con mình.

“Học phí khi thuê thầy về nhà dạy không cao hơn khi đi học ở trung tâm là bao nhiêu, bởi nhóm học có 3 đứa, và thầy dạy tính $40/giờ cho môn Toán. Khi cần luyện thi SAT thì lại có mức giá khác. Trong khi học ở trung tâm, số lượng học sinh đông hơn, việc quan tâm đến từng em sẽ ít đi, mình lại mất thời gian đưa đón.” Chị Quỳnh Trang cân nhắc sự lựa chọn.

Riêng đứa con trai của chị Trang có vấn đề về sức khỏe do sanh thiếu tháng nên mỗi ngày sau giờ học, chị Trang thuê một sinh viên đến kèm homework tất cả các môn học trong ngày, với mức lương $13/giờ, trung bình 2 tiếng mỗi ngày. “Nhờ có người kèm như vậy nên cháu có tiến bộ và theo kịp các bạn trong chương trình học bình thường ở lớp.” Chị Trang chia sẻ.

Học thêm ở độ tuổi nào

Chị Xuân, người mẹ của 2 con đang học “high school” cho rằng, qua nói chuyện với những người quen biết, chị cảm thấy số người cho con đi học thêm nhiều hơn số không cho đi học. Nhận xét này cũng trùng hợp với bản tham khảo ý kiến độc giả báo Người Việt về chuyện cho con em đi học thêm.

Trong số 377 độc giả tham gia góp ý, chỉ có 130 người, chiếm tỉ lệ 34.48% chọn ý kiến “giáo dục ở Mỹ tốt và đủ, không cần học thêm.”

Minh họa cho lựa chọn này, một độc giả đưa ý kiến, “Tùy theo khả năng của các em. Con tôi không đi học thêm mà vẫn thi SAT điểm cao và vào trường đại học tốt.”

Một độc giả khác lại cho rằng, “Nhà trường mở ra lớp học thêm để kiếm thêm tiền cho thầy giáo chứ không cần thiết. Học sinh chăm học sẽ không cần học thêm. Học sinh lười biếng cho dù có đi học thêm cũng chẳng hay gì hơn, bởi vì bản chất lười biếng, có học thêm chỉ tốn thời gian chứ không gặt hái kết quả gì hơn.”

Trong khi đó, hơn 65% độc giả Người Việt đồng tình với việc cho con đi học thêm, nhưng học thêm ở độ tuổi nào lại đưa ra kết quả khá thú vị.

29.6% người cho rằng tốt nhất là cho con đi học thêm ở bậc tiểu học.

27.5% người đợi khi con vào “middle school” thì mới cho học thêm.

16.2 % người nghĩ tốt hơn khi cho con đi học thêm lúc học high school.

Và 26.7% người chọn ý kiến chỉ nên cho con học luyện thi SAT thôi.

Rõ ràng, việc tranh đua ở trường là lý do chính khiến các bậc cha mẹ kiếm người, kiếm trường dạy kèm cho con mình, nhưng điều này không chỉ cho nhu cầu vào đại học.

Nếu có độc giả cho rằng cần học thêm từ lớp tiểu học bởi “đây là nền tảng cho các lớp tiếp theo,” thì độc giả khác quan niệm “chỉ học thêm khi cần thiết.”

Hoặc nếu có độc giả quyết định chỉ cho con học luyện thi SAT vì “nó giúp con tôi nhiều cơ hội vào USC,” hay “Chỉ cần học Toán và English cho em chuẩn bị vào high school,” thì độc giả khác cảm thấy “all – lúc nào cũng cần phải học thêm.”

Có phụ huynh chọn giải pháp cho con đi học thêm vào “khoảng thời gian lớp 7, 8, 9 là tốt nhất” vì “thời điểm này các cháu còn nhiều giờ rảnh, và bài vở có liên hệ đến các lớp ở bậc high school.” Ðặc biệt, cho đi học thêm cũng là nhằm “giảm bớt việc các cháu đi tụ họp rong chơi hoặc có nhiều thời gian tò mò trên mạng.”

Là cha mẹ, “lúc nào cũng phải theo dõi sự học của con cái,” như một độc giả góp ý. Khi trẻ càng nhỏ, phụ huynh càng muốn rèn con vào khuôn khổ nề nếp học hành. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng về thứ hạng của con so với các bạn học, hay con cái của người quen, đồng nghiệp mình. Ðồng thời, do “áy náy” vì bản thân không có thời gian đủ cho việc kèm cặp con cái học hành, nhiều phụ huynh chọn nơi dạy thêm để “phó thác” con mình.

Mỗi phụ huynh cho con học thêm đều có lý do, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là việc đứa trẻ có thật sự muốn học hay không dường như ít được các bậc cha mẹ quan tâm.