7 năm trước, tui có loạt bài về bệnh tự kỷ ở trẻ em trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.
7 năm sau, tui mày mò với một căn bệnh mới: trầm cảm.
Tui nghĩ có lẽ nhiều người cũng từng nghĩ như tui, hay như mẹ của một cô bé mắc bệnh trầm cảm khi đang học lớp 11, rằng, “trầm cảm chỉ là buồn buồn.”
Nó không đơn giản như vậy. Trầm cảm có thể đưa người ta đến cái chết.
3 em tui biết đã tự tử ở lứa tuổi 16 đôi mươi đều từ trầm cảm mà ra. Nghiệt ngã một điều, không ông bố bà mẹ nào nghĩ rằng con mình bị trầm cảm đến mức chọn cái chết, cho đến khi đọc những dòng thư chúng để lại.
Trầm cảm không phải là bệnh nan y đến nỗi y học có thể bó tay, nhưng vấn đề của trầm cảm là làm sao nhận diện ra nó và chịu là mình có bệnh để mà đi chữa, đôi khi chẳng cần đến 1 viên thuốc cũng khỏi.
Mà nữa, những đứa trầm cảm ít khi là đứa học dở nha. Trái lại, chúng từng là những đứa có đầy nhiệt huyết, đam mê, sống sôi nổi, nhiệt tình. Vậy mà. Đùng một cái – burned-out – kiệt sức, buông xuôi hết, không muốn gì hết, kể cả thở.
Hôm rồi gặp lại mấy người bạn từ thời trung học, bạn nói một câu khá chí lý: Những đứa trẻ sợ nhất là ai? – “Con người ta”!
“Con người ta” mập ốm cao thấp béo tròn ra sao nó chẳng biết, chỉ biết rằng bố mẹ chúng luôn nói “Con người ta thì như thế này thế này, còn mày thì chỉ như vầy như vầy…”
Cứ thế mà cái đứa “con người ta” cứ bị mang ra để mà so sánh, để mà chì chiết con mình.
Tui cũng tâm đắc điều mà một anh có con từng bị trầm cảm chia sẻ: Cha mẹ cứ hay nói với con cái kiểu như “Tại sao người ta làm được mà con không làm được?” hay “Tại sao con học được mà con không chịu học?” “Tại sao? Tại sao?…” Hãy nên nhớ, nó không làm được vì nó có những vấn đề của cá nhân nó. Nó không học vì nó có nguyên nhân của nó. Hãy đi tìm hiểu câu trả lời bằng trái tim của một người mẹ, người cha, chứ không phải bằng cách đặt câu hỏi và ép nó phải trả lời.
Khi tui đã mày mò ngâm cứu về đề tài gì thì tui có thể nói hoài không dứt những gì tui thu lượm đươc.
Nhưng với trầm cảm, thôi thì, các bậc cha mẹ làm ơn nhớ: hãy để ý đến những thay đổi khác thường của đứa nhóc
-Khi thấy nó cứ nhốt mình suốt ngày trong phòng, ngủ li bì, không muốn chuyện trò, chẳng thiết đi chơi, chát chít cùng chúng bạn
-Khi thấy nó trở nên cẩu thả, lôi thôi hơn trong cách ăn mặc (vì nó chán đời, chẳng còn hứng thứ gì để chưng diện dress up)
-Khi thấy mắt nó trở nên ngờ nghệch vô hồn, thiếu sự linh hoạt tinh anh
-Khi thấy nó trở nên dễ cáu gắt, có thể sửng cồ với cha mẹ- điều mà trước đây nó chưa từng dám
-Rồi nó lên cân
-Rồi nó bỏ bê chuyện học
….
Hãy nghĩ nó đang có dấu hiệu trầm cảm rồi. Đừng lơ là, đánh đồng nó với những điều bình thường theo cách mình nghĩ. Mà có hỏi nó, nó có thể sẽ nói “con ok, con bình thường.”
Đừng bao giờ nghĩ “Nó có gì đâu mà lo mà buồn, chỉ mỗi việc ăn rồi đi học, việc nhà cũng không đụng đến móng tay, muốn gì được đó, mắc gì buồn, mắc gì trầm cảm”. Nghĩ vậy là sai be sai bét.
Hãy cho đứa nhỏ được bay trong khung trời của nó, với ánh mắt dõi theo một cách kín đáo không rời của cha mẹ, chứ không phải cột dây để tin chắc rằng nó không bay mất và mình yên tâm ngồi luyện chưởng, luyện phim Hàn.
Tui nhớ năm thằng Bi học lớp 7, một lần đón nó về, nó kể những đứa bạn nó than thở về chuyện nếu chúng mang về nhà một con điểm B thì không yên với bố mẹ. Tui nói, “Mẹ không quan trọng điểm đó, chỉ cần con cố gắng, rồi thì A hay F cũng không sao hết.” Tui nhớ anh chàng nghe nói vậy thì cười và kêu “Chời!”
Nhưng mà không ngờ nó mang điều đó ra để “khoe” với bạn bè, rằng thì là mẹ tao nói vậy.
Nó tự giác học, chưa bao giờ tui phải gọi “Bi đi học bài.” Mà nó cũng chơi. Vừa homework, vừa nghe bạn bè chát chít trên computer, vừa mở iPad coi show! Tui ok hết.
Rồi nó có một quyết định khiến tui bất ngờ, khi anh chàng tự giác dọn bàn học từ phòng ngủ ra ngoài, ngồi kế bàn mẹ. Vì, “ra ngoài này đỡ lonely, có mẹ cho vui” Hahaha, trong khi ở tuổi nó mà tui có được 1 không gian riêng không ai dòm ngó là tui sướng muốn chết, đằng này ảnh tự nguyện bước ra, ngồi kế mẹ ù, thấy ba, thấy chị đi tới đi lui 🙂
Hôm nghe một anh có con bị trầm cảm kể, “Lúc biết nó học trượt dốc, từ 1 đứa ai cũng khen giỏi, giờ toàn điểm F, bác sĩ nói nó bị trầm cảm, tôi đã nói với nó rằng, bố không quan tâm gì đến những điểm F đó, không sao hết con. Từ từ mình làm lại theo sức mình. Quan trọng là con khỏe, con vui. Nghe vậy nó ôm tôi khóc, nói “con cám ơn bố” Giờ thì nó ok rồi.”
Ra là, câu nói “bất chợt” mấy năm trước của tui với thằng nhóc Bi, không phải là “vô duyên.”
Phải để mắt đến con mình, thật sát sao nhưng cũng thật thoáng. Nói thật lòng, cứ gặp ông bố bà mẹ nào mà suốt ngày lấy chuyện học hành của đứa con ra làm lẽ sống, làm mối bận tâm lớn nhất đời mình, là tui sợ. Sợ thiệt.
Thôi, đi ngủ, không thôi đến phiên tui trùm củm thì toi 🙂
Ù là triệu chứng của trầm cảm ?
Watch out.
LikeLike
Xin chia sẻ một cái nhìn khác về bệnh trầm cảm
LikeLike
Testing
LikeLike
Cách đây khoảng 5 năm, tại trường high school mà các con tui đang học, trong vòng chỉ vài tháng mà có 3 vụ học sinh tự tử. Hai cháu tự treo cổ và một nhảy ra trước đầu xe lửa. Những vụ tự tử này làm rúng động phụ huynh, thầy cô và học sinh ở trường. Khi tui kể chuyện này với một đồng nghiệp có con học một trường khác trong cùng học khu, anh ta cho biết trường con anh học cũng vừa xảy ra một vụ tự tử. Và vào tháng 5 vừa qua, một đứa bạn thân học cùng lớp với con trai tui cũng đã treo cổ tự tử chết. Thằng Mưa con tui kể, hôm trước khi chết, vào giờ lunch, cháu ấy nói một cách buồn bã rằng có lẽ cháu sẽ không được nhận thẳng vào đại học như các bạn khác, mà sẽ đi qua trường đại học cộng đồng. Sau đám tang, gia đình cháu có gởi một email đến trường cám ơn sự ủng hộ tinh thần và cho hay, trong lá thư để lại cho gia đình, cháu cho biết lý do tự tử là vì không chịu nổi những áp lực của một học sinh năm lớp 11.
Thế mới biết, việc các học sinh bị tự tử xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, vì báo chí thường tránh không đăng tải những vụ tự tử của thiếu niên, nên ít khi chúng ta biết nếu không có con đang đi học tại các trường nơi các vụ tự tử xảy ra.
Sau 3 vụ tự tử 5 năm trước, trường các con tui học bỏ bớt đi những lớp có trình độ đại học (AP) phụ, để phụ huynh nếu muốn cũng không thể ép con mình phải học. Trường không còn xếp hạng học sinh. Trường cũng bỏ đi thông lệ đánh dấu tên những học sinh có điểm trung bình hơn 4 chấm trên cuốn chương trình buổi lễ ra trường. Và danh vị valedictorian (thủ khoa) cũng được bỏ đi. Đọc diễn văn ra trường là do một em được các bạn cùng khóa đề cử, em đó không nhất thiết là học sinh có điểm cao nhất. Đây là một sự thay đổi lớn ở một trường trung học với 40% (của khoảng 1200 học sinh mỗi khóa) học sinh có điểm trung bình trên 4 chấm. Tất cả chỉ vì mục tiêu giảm áp lực của phụ huynh trên con cái của mình.
Tui đồng ý với bạn của NL và NL về vấn nạn phụ huynh thường đem ‘con người ta’ ra để nhiếc móc con mình. Cứ thử tưởng tượng đến việc vợ hay chồng của mình đem chồng hay vợ ‘của người ta’ ra để so sánh, rồi đay nghiến mình, thì mình sẽ hiểu nỗi tổn thương của con cái mình như thế nào.
Trong việc dạy con, tui chủ tâm tập cho các con mình một tinh thần làm việc siêng năng và một ý chí bền bĩ để không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Tui quan niệm, nếu có được hai đức tính này, các con tui sẽ tiến thật xa trong bất cứ việc gì chúng làm, ngay khi chúng không thuộc loại người thông minh, học giỏi. Còn để có hạnh phúc ư, tui dạy con tui ít ham muốn và biết đủ. Một khi đã biết đủ, ở hoàn cảnh nào người ta cũng an vui. Người giàu có, nếu còn ham muốn và không biết đủ cũng chưa có hạnh phúc.
LikeLiked by 1 person
Sau khi viết bài về học sinh tham gia băng đảng bị tù tội, rồi thêm loại bài về tự kỷ, và giờ đang tìm hiểu về trầm cảm, tui càng lúc càng thấm thía câu của 1 ông bố nói, “Nuôi con nên người là sự may mắn và phước phần của cha mẹ. Bởi không thể đổ lỗi vì cha mẹ lơ là, bỏ bê mà con hư hỏng. Cha mẹ kèm cặp sát sao nhưng đến lúc nó vỡ nó cũng vỡ.”
Tui tâm đắc với câu của anh M&M: quan trọng ở đời mình biết thế nào là đủ.
Bản thân tui có nhiều khát khao và ham muốn, muốn nhiều thứ lắm. Nhưng tui may mắn hơn là bên cạnh những ham muốn thì tui biết bằng lòng với những điều mình có.
Tui ít “dạy”, ít nói chuyện với tụi nó về những nguyên tắc sống, hiếm khi nào tui nói tụi nó rằng thì là con phải làm vầy, phải làm kia. Tui chơi giỡn với tụi nó nhiều, trêu ghẹo giỡn hớt nhiều, và nghe tụi nó kể chuyện nhiều. Nhưng tui biết, cách mình nói, cách mình làm trong đời sống hằng ngày là điều mà tụi nó nhìn thấy, và ảnh hưởng đến nó mỗi ngày.
Mình muốn sống vui, thoải mái, mình tin mình là ai, và nghĩ những gì mình làm là đúng, thì mình cũng hãy nên để con mình, những người quanh mình được quyền giống như mình, theo cách của chính họ.
LikeLike