Hôm nay tôi đã có gần 5 tiếng đồng hồ liền để trò chuyện phỏng vấn một người: cựu đội trưởng Biệt đội Thiên Nga, Nguyễn Thanh Thủy.
Cụm từ Biệt Đội Thiên Nga tôi đã từng nghe, qua phim, qua báo, qua truyện, như một huyền thoại. Không ngờ, lại có lúc nghe chính người chỉ huy của biệt đội ấy kể chuyện.
13 năm “đi học tập cải tạo,” hơn một năm bị biệt giam, trên 70 lần bị hỏi cung, răng rụng sạch sau vài năm ở tù, là một trong số những cái giá người phụ nữ ấy đã trả cho chức vụ “đội trưởng Biệt đội Thiên Nga.”
….
Cũng như nhiều lần khác, tôi lại nghe câu nói của người được phỏng vấn, “tôi chưa từng kể với ai nhiều như vậy, những tâm sự rất riêng, như kể với cô,” và “chưa ai hỏi tôi câu hỏi đó.”
Tôi không suy nghĩ nhiều về những câu đó, tôi chỉ biết là khoảng 1 tiếng đầu tôi được nghe những gì tôi đã đọc được trên internet về “Biệt đội Thiên Nga.” Thời gian còn lại, tôi nghe những tâm sự riêng của một người làm sĩ quan tình báo.
Người đội trưởng của biệt đội cảnh sát đặc biệt đó đã khuyên con trai mình nên chọn một cuộc sống bình thường, được nói ra, được tâm sự, được chia sẻ những điều mình nghĩ, chứ không nên theo bước con đường của một người làm “tình báo” như cô, người “không bao giờ nói được nói hết sự thật.”
Nếu được chọn lại, giữa vai trò của một sĩ qua cảnh sát bình thường và một sĩ quan cảnh sát đặc biệt, “tôi vẫn chọn khối đặc biệt, bởi công việc này không có sự lặp lại, nó luôn luôn mới. Nhưng tôi cũng không khuyến khích ai lựa chọn công việc này.”
….
Sau cuộc trò chuyện dài, tôi nói, “Cô là người được sinh ra để làm công việc đặc biệt này, và cô đã làm bằng tất cả niềm đam mê với trách nhiệm công việc của mình, chứ không chỉ đơn thuần là vì lý tưởng chính trị.”
Còn câu cuối cùng trước khi tôi ra về, cựu thiếu tá tình báo đó nói với tôi là, “Tôi nghĩ cô phải là một người rất yêu nghề báo của mình.”
Tui nhe răng cười 🙂
You must be logged in to post a comment.