Nghề hay nghiệp

1.

Sáng vừa chạy xe ra khỏi nhà chưa đầy 3 phút thì thấy sếp gọi: “Em đang trên đường đi làm phải không? Ngay ngã tư Bolsa-Brookhurst có 1 bà ni cô bị xe đụng nghe nói chết rồi. Em đến đó coi để làm tin nghe.” – Ok.

Đó là 1 trong những hình thức giao và nhận việc cho cái nghề này. Sẽ không có sự chuẩn bị trước. Sẽ không biết mình sẽ thấy gì. Và dĩ nhiên, sẽ không có kiểu “ôi, em sợ coi xe đụng lắm. ôi, em sợ nhìn người chết lắm. ôi, em bla bla bla bla…” Chỉ có nhận việc và thi hành. Còn làm như thế nào, khả năng ứng phó ra sao trong mọi tình huống… nằm hết ở kinh nghiệm và sự phán đoán của chính mình.

Lời sếp ngắn gọn như thế. Cúp phone xong thì đã nhìn thấy cái ngã tư Bolsa-Brookhurst gần gần trước mặt rồi. Nếu cứ chúi đầu chạy xe đến đó thì chắc chắn sẽ kẹt, bởi từ xa đã thấy có ánh đèn xan-vàng-đỏ chớp lia lịa rồi. Chỉ còn cách, ngó gần gần đó thấy có khu Lily’s Bakery thế là lủi xe vô tìm chỗ đậu và… lội bộ đến ngã tư kia.

Vừa đi như chạy, vừa lôi thẻ báo chí ra đeo vô. Tuy nhiên, thẻ đó không phải lúc nào cũng có hiệu lực với cảnh sát, nhất là trong khi có tai nạn chết người như thế này. Vừa định bước đến gần là họ đã chỉ tay ra hiệu không được đến gần. Họ sẽ gửi thông cáo báo chí sau.

Nhìn nơi mấy chiếc xe cảnh sát, thấy có một vật gì được bọc lại bằng ni-long vàng, một đầu thấy có vẻ như màu đỏ chảy trong đó. Định thần nhìn kỹ, ôi, đúng là 1 xác người bên trong.

Sẽ không có chuyện đứng đó bần thần, thảng thốt, ôm mặt, mất bình tĩnh. Mà chỉ có quan sát, chụp hình, và nhìn chung quanh xem ngoài cảnh sát ra thì ai có thể cho mình biết chuyện gì đã xảy ra.

Sẽ không có chuyện ngại ngần, mắc cỡ khi đến hỏi chuyện những người không quen biết. Sẽ không có chuyện mắc công lội bộ, chờ đèn đỏ băng qua băng lại giữa các ngã tư để kiếm xem ai có thể cho mình biết 1 điều gì đó. Mà chỉ cảm thấy mừng khi nghe có người bảo, “có cô kia nhìn thấy hết và gọi cho cảnh sát. cổ đang trong tiệm hớt tóc đó, vô hỏi cổ đi.”

Cứ thế, loay hoay nơi hiện trường đó đến lúc thấy đủ thông tin mà mình có thể lấy thì lại lội bộ về nơi để xe. Tìm đường nào nhanh nhất chạy về tòa soạn. Và bắt đầu viết tin, lựa hình.

Khi tất cả xong rồi. Mới bắt đầu đọc lại những lời thăm, hỏi của bạn bè gửi tới khi họ nhìn thấy những gì mình post nhanh lên FB. Và khi đó, cảm xúc về cuộc đời, về con người mới có chỗ trỗi lên, để thấy hình như mình cay mắt.

Nghe bạn hỏi “Chị có sợ không?” hay “Gặp mình là mình tránh những cảnh đó” hoặc “NL ok không?” hay “công việc gì mà khồ”… mới thấy quả là công việc mình nó… quái!

2.

Nhìn lại không biết nên hiểu mình chọn nghề hay nghề chọn mình; và mình coi đây là nghề hay là nghiệp. Chả biết.

Chỉ biết rằng không biết từ lúc nào cái chất làm báo nó đi vào máu thịt rồi. Nơi người ta phải né, phải tránh thì mình – nếu có mặt – thì lại cứ phải bươn vào, không vào thì làm sao biết nó là cái gì, mà không biết thì lấy đâu ra cái gì mà viết cho người khác coi. Đi đến đâu, nhìn cái gì cũng muốn hỏi, muốn tìm hiểu cho cặn kẽ, nhiều khi cũng chả biết có phải để viết bài không, mà chỉ là để thỏa mãn cái máu của một nhà báo là quan sát và ghi nhận.

Mà cũng từ cái nghề này mà mình lại có cách nhìn cuộc đời khác hơn. Không hoàn toàn hồn nhiên, đẹp đẽ, và tin tuyệt đối như ngày xưa. Cũng không hoàn toàn hoài nghi, định kiến, dè dặt. Tui nhìn cuộc đời như 1 vở kịch, mà trong đó mỗi người có nhiều vai diễn. Có những người diễn toàn vai hiền, thật thà. Có người diễn toàn vai làng nhàng, lu xu bu. Có người diễn vai người tốt. Có người diễn vai người xấu. Nhưng cái khiến mình oải nhất là nhìn ra được người vừa diễn vai đểu giả, vừa diễn vai đạo đức…

Mà cũng từ nghề này, mà tui lại luyện được cho mình sức chịu đựng trước những nhố nhăng của cuộc đời. Và cũng yêu hơn cuộc đời với những điều thật mà khó giải thích

Giở lại quyển Nhật ký viết cách đây 30 năm, đã thấy ghi ước mơ lớn lên được làm nhà báo. Thế mà thoạt đầu lại đi dạy học, cũng 11 năm chứ ít gì, để đến giờ mới lại dung rủi đi làm báo. Như vậy chắc nó không phải là nghề. Mà là nghiệp rồi.

Nghiệp nghèo.

Cỡ như vầy nè 🙂