Buồn quá!

Đó là tâm trạng từ lúc tui bắt tay vào việc tìm kiếm các thông tin và viết bài liên quan đến chuyện cặp vợ chồng trẻ gốc Việt ở Anaheim bị bắt chiều qua về tội nhốt con vào cái ‘chuồng chó’ (dog kennel) cho đến giờ.

Sáng nay trong lúc ngồi ăn sáng, bé Ti đã sửng sốt chỉ tui coi tin này. Đọc thoáng qua tựa bài, tui đã kêu “trời ơi”. Lu bu với nhiều chuyện, quên bẵng. Lúc vào đến tòa soạn, có nói sơ với Thiên A n tin này, rồi mạnh ai việc nấy.

Mãi cho đến chiều, nhận được link của một độc giả có con bị tự kỷ gửi. Vừa lick vào xem thì thấy tên của cặp vợ chồng này là Việt Nam. Nhưng nội dung bài trong OC Register thì không mở ra được. Thế là Google. Sau khi đọc hết một mạch để câu chuyện, tui đề nghị “hỏi tìm ra họ đang bị giam ở đâu, đi vào đó gặp họ.”

Một mặt nhờ Thiên An gọi qua sở cảnh sát Anaheim hỏi thêm tin tức và coi  hiện giờ họ bị giam ở đâu, một mặt tui gọi cho những người trong các tổ chức hỗ trợ người tự kỷ xem có biết cặp vợ chồng này không.

“Hình như họ không nhờ một tổ chức nào giúp đỡ thì phải. Chúng tôi không có ai biết gì về vợ chồng này.” Một người làm việc rất nhiều với phụ huynh có con tự kỷ gốc Việt cho tui biết.

Tin trả lời cho biết họ đã đóng tiền tại ngoại hầu tra nên được thả ra.

“Đi đến nhà họ” Tui đề nghị. “Địa chỉ đâu?” Thiên An hỏi. “Block đường nè. Đến đó hỏi tiếp.”

“ok, thì đi.” Cô nàng “bị kích động lây”

Báo với sếp vắn tắt câu chuyện và 2 đứa lên đường.

Vừa quẹo vào khu nhà đó, đã thấy  ngợp bởi xe của các đài KCAL, abcNews, xe của đài Mễ,.. đậu đầy quanh đó. Mà mỗi hãng có phải đi 1 xe đâu, như abcNews nó quánh tới 3 xe, xe nào xe nấy chần dần, ăn-ten cao vút, máy quay phim đặt sẵn sàng trước nhà… Nó chung là nó làm mình hớp!

Trong khi đó tui và Thiên An, 2 đứa Việt lò dò đi đến, vác theo máy hình nhưng cũng không lôi ra chụp. Sự dụng cellphone vừa chụp vừa quay cho gọn, lẹ.

Dĩ nhiên ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Hàng xóm cũng im ỉm. Chỉ có một nhóm thanh niên cách đó vài căn đang tụ tập bàn tán.

Nhìn quanh biết ngay đây không phải là xóm Việt Nam, hay ít ra là rất hiếm người Việt Nam. Trong khi tui cố gắng làm sao phải nói chuyện được với những nhà hàng xóm ngay bên cạnh hay đối diện thì Thiên An cố thuyết phục “chị có thấy nhà nào cũng im re không? Thì có nhóm kia thì đến đó hỏi, có còn hơn không.” Tui đồng ý, cưng muốn thì cứ hỏi đi.

Tui đứng lại. Quả không uổng công. Một ông Mỹ già chạy xe đậu ngay nhà bên cạnh, bước đến bắt chuyện. Hỏi ra thì biết ông ở ngay sau lưng nhà này, còn nhà bên cạnh là nhà con ông. Ông Mỹ nói gì, tui ghi trong bài rồi.

Chỉ muốn nói thêm là cảm thấy lòng mình ấm áp hơn khi nghe được những lời đầy cảm thông và thấu hiểu như thế.

Trong khi đó, những người Thiên An hỏi chuyện thì rất trẻ, dĩ nhiên, cái nhìn của họ cũng khác. Và dĩ nhiên, vì cái nhìn đây là chuyện không thể chấp nhận được nên nó mới trở thành breaking news và khiến cho các đài truyền hình phải mai phục tại chỗ như vậy.

Họ không trở về nhà trong thời điểm này. Chắc chắn. Tui nghĩ có thể chỉ cần ai đó chở họ về, vừa quẹo vào hẻm, nhìn thấy cảnh tượng này thì đúng là chỉ có đi luôn, dại gì đâm đầu vô nhà!

Nhưng nói vậy không có nghĩa là tui sẽ không quay lại!

Nghe câu chuyện, thấy thương và giận. Buồn. Trong suy nghĩ chủ quan của mình, tui tin rằng đó là cách họ nghĩ rằng tốt nhất để bảo vệ thằng bé và những đứa em nó, chứ không phải là ngược đãi nó.

Nhưng

Đây là Mỹ.

Văn hóa Mỹ không giống văn hóa Việt.

Nỗi đau khổ của cha mẹ có con bị bệnh tự kỷ quá lớn. Bồi thêm cú này, còn gì đau hơn.

Tui chờ để được nghe họ nói nỗi lòng của mình.