Dự lễ 30/4

 

Nếu không làm phóng viên, có lẽ tôi sẽ không khi nào đến tham dự những buổi lễ tưởng niệm 30/4 cùng cộng đồng.

Vì làm phóng viên, tôi nhiều lần đến tham dự lễ tưởng niệm 30/4. Và lần nào ra về, trong tôi cũng có nhiều nỗi ưu hoài.

Lần tham dự này, nước mắt tôi lăn dài khi, một cách rất tình cờ, tôi nhìn thấy một người đàn ông đứng lẫn trong đám đông, ông mặc áo trắng, tay cầm cờ vàng, tay cầm áo khoác đen, mắt hướng về khán đài, tôi bước đến hỏi, “Chú nghĩ gì ngay trong lúc này?”

“Tôi ra đây tham dự với rất nhiều cảm xúc. Vì lúc Việt Nam bị mất, tôi cũng mất hai người thân, bố tôi và em tôi.” Ông cắn môi, im lặng, cố ngăn không cho những giọt nước mắt chảy xuống trước 1 người không quen biết. Tôi thấy cay mắt. Tôi không cố gắng được như ông. Nước mắt tôi chảy.

 “Em tôi ở Biệt Ðội 8 Nhảy Dù, KBC 3119. Khi chiến trận cuối cùng ở Long Khánh diễn ra thì em tôi nằm xuống trên rừng cao su, không tìm thấy xác. Mẹ tôi khóc rất nhiều trong ngày 30 Tháng Tư.” Ông kể cho nốt câu chuyện. Tôi quẹt nước mắt.

Trong số những người có mặt tham dự buổi tưởng niệm 30/4, có bao người cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng như người đàn ông đó? Tôi nghĩ là nhiều.

Họ đến rất lặng lẽ. Lẫn trong đám đông. Ngồi quanh lễ đài. Im lặng nhìn những gì đang diễn ra.

Tôi cũng đứng quanh đám đông. Và im lặng nhìn họ. Tôi tưởng tượng họ đang nghĩ gì.

Trong đầu tôi hiện lên những câu chuyện tôi từng nghe. Trong cái lạnh giá buốc, đêm dần bao bọc, tôi như thấy hình ảnh hốt hoảng của má tôi, sự hoang mang của ba tôi, phải làm gì đây, phải làm sao đây. Nhà ngay biển, ba là hải quân, nhưng những cảnh cướp bóc, chết chóc của những người chạy loạn từ Đà Nẵng vào trước đó khiến ba má tôi chùng chân trong việc nghĩ đến chuyện mang theo 7 đứa con nheo nhóc xuống tàu, trong đó, đứa nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi.

Tôi như thấy hình ảnh một đồng nghiệp tôi chạy loạn từ Buôn Mê Thuộc về Sài Gòn, ròng rã một tháng trời, đối diện với bom, với đạn, với những xác người. Về đến Sài Gòn cũng không hiểu tại sao mình còn sống.

Tôi lại đưa tay quẹt nước mắt khi vừa co rút người trong cái áo khoác mỏng vừa lắng tai nghe, như chưa bao giờ được nghe bài hát “Người Chiến Sĩ Vô Danh”

Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan.

Và tôi giá như những cảm xúc đó của tôi, cũng như của bao người đến tham dự kia cứ tiếp tục được bồi thêm, trong một không khí thật sự của sự tưởng niệm, của sự ngồi cùng nhau để nhớ về một ngày, một thời khắc, mà cả đời không quên…

Thế nhưng, tôi muốn văng ra một câu chửi thề, bởi, dường như nhiều người đã không đến trong cùng một nỗi niềm đó.

Họ đến để được nêu tên. Họ đến để được phô diễn. Họ đến như đến bao nơi trình diễn khác. Và họ đến để tranh thủ quảng bá tên mình, như ở  bao nơi khác.

Tôi bắt đầu cảm thấy giận. Tiếng những người quanh tôi bắt đầu biểu lộ sự bực mình, khi chúng tôi phải đứng, ngồi  mấy mươi phút nghe liệt kê những người đến tham dự. Phải kể đủ tên, đủ họ, đủ chức sắc của ông dân biểu, bà dân biểu, đến thị trưởng, nghị viên, cũng đành. Ngay cả tên người sắp ra tranh cử cũng tranh thủ chen vào. Và thật quá sức chịu đựng của người tham dự khi cả thủ quỹ, kế toán, thư ký của ban tổ chức cũng được chèo kéo mời lên, tên của một hội viên thuộc một nhóm đồng hương thân hữu nào đó cũng buộc phải xướng lên!

Rồi lại đến màn diễn hành dâng vòng hoa. Tranh thủ chụp hình. Bao nhiêu là máy quay phim, bao nhiêu là chiếc máy ảnh. Mình phải xuất hiện chứ!

OMG. Trên sân khấu tranh thủ biểu diễn, thì quanh bên dưới, nhóm này tụm nhau tranh thủ chụp pô hình, nhóm kia xúm xít khoe chiếc áo mới may. Nhóm nọ tám chuyện vừa đi du lịch về. Tôi không muốn nhìn quang cảnh như một vở bi hài kịch.

Tôi phải đưa mắt nhìn tìm về phía những người ngồi im lặng, kiên nhẫn, hay thả tâm trí mình về với thời điểm này, 39 năm trước, để lấy lại sự bình tâm. Tôi nhìn họ, để lòng tôi được cùng chìm trong hai chữ tưởng niệm. Và để không phải vọng động.

Tôi lái xe ra về, khi bãi xe chỉ còn lác đác vài chiếc, và trên những hàng ghế dành cho “thường dân” cũng còn một số người ngồi lại, dù đêm lạnh lắm.

Tôi ước, ngày này, sang năm, ai đó đến để tưởng niệm ngày của một đất nước bị xóa tên, hãy đến trong im lặng của sự mất mát, ông này bà nọ, tất cả như nhau, đều là thân phận của những người mất nước, sống lưu vong, chức danh tước hiệu chẳng để làm gì mà khoe khoang trong ngày này, hãy dành nó ở nơi khác.

Hãy trả lại hai chữ tưởng niệm 30/4 đúng với ý  nghĩa của một nỗi đau, của một thời điểm mở ra một trang sử không lấy gì làm vẻ vang cho dân tộc mình.