Bận rộn

1.
Khi tuần lễ lạt vừa sắp kết thúc thì tui đã nhận được lệnh từ sếp: sẽ làm việc liên tục không có ngày nghỉ trong vòng… 1 tuần.
Thế nhưng, đó chỉ là lời… dụ dỗ
Vì thực tế tui và một đồng nghiệp nữa sẽ phải làm liên tục đến… 2 tuần lận 🙂
Hôm nay mới có nửa tuần mà tui hơi oải rồi, hehehe.
Nhớ cách đây khoảng đâu… chục năm, tui từng ao ước một ngày có 30 tiếng để có 6 tiếng ngủ và 24 tiếng làm việc. Nhưng giờ thì tui lại muốn một ngày có 36 tiếng, tui sẽ làm việc 6 tiếng, còn lại 30 tiếng tui sẽ ngủ, hahaha
Nói chứ hiện giờ có một việc tui rất thích làm và làm không biết chán, đó là quanh quẩn ở ngoài sân nhà, sân trước, sân sau, chăm cây, ngắm hoa, quét tưới, dọn dẹp. Hehehe, nhiều người nói đó là thú vui của người già, người về hưu. Chắc tui ở vào tuổi đó thiệt rồi.
19983484_10156283436348521_8069355519405522806_o
Chậu lan kỷ niệm đúng 12 năm đến Mỹ
2.
Tuần lễ lạt, nhà tui cũng lễ cũng khách.
Tháng 7, từ 5 năm qua, là tháng họp mặt của “còm sĩ” blog này, nhưng ở lần thứ 6 này, tui không muốn gọi chữ “họp còm” nữa, đơn giản vì có còn còm đâu mà họp, chỉ là cuộc họp mặt của bạn bè quen biết khắp nơi thôi.
Nhưng mà cái hay vẫn giữ được đó là những tiếng cười. Cười đến nỗi bà chị tui, dù có mặt khi cuộc vui sắp tàn,đã có lúc định mở miệng “năn nỉ”: “Làm ơn ngưng một chút rồi hãy nói cười tiếp vì chỉ cười đến mỏi miệng muốn cứng hàm luôn rồi!”
Tui hứa là hôm đó tui không có tham gia ý kiến ý cò gì hết, chỉ góp tiếng cười thôi, mà cũng không thoát khỏi tầm ngắm khi ông M&M – người mà rất rất nhiều còm sĩ xa xưa ngỡ là hiền còn hơn ông Bụt – kết luận tỉnh bơ rằng tui là “người không biết phải trái” sau khi nghe “bồ cũ” kể chuyện tui bị “rối loạn” trong việc xác định bên phải bên trái.
Thầy lý Tâm cũng phụ họa vô kể tội tui không biết đâu là trên là dưới khi nói “từ San Diego xuống Little Saigon”. Ông kẹo đủ màu khẳng định ngay “Vây là người không biết trên dưới”
Nghe chuyện hồi đó tui nằm ngang trong bụng má tui, tưởng đâu là trực thăng phải đưa má tui từ đảo Phú Quốc vô Sài Gòn để lôi tui ra rồi đó chứ, nhưng đến ngày đến tháng tui biết thân biết phận quay đầu lại (cho lành, heheh), vậy là bị gán thêm cho tội “người ngang ngược.”
Chưa hết, tui viết bài người ngoại tỉnh “nói xấu” Litte Saigon, trong đó người ở DC “già hơn” thì được gọi bằng anh. Còn người trẻ từng ở New Jersey thì được lên chức ông. hahaha, nghe vậy là biết câu kết luận rồi: người không biết lớn nhỏ!
Nghĩa là, chỉ sau một kỳ nghỉ lễ, tui được “quánh giá xếp hạng” là người ngang ngược, không biết lớn nhỏ, không biết trên dưới, cũng chẳng biết phải trái chi mô. Nghe có quá đã không 🙂
3.
Mà tui buồn ngủ rồi, trước khi mai kể tiếp, thì tui nói thêm một điều là tui lại vừa nhận thêm lá “thư tù”
Kể từ khi nhận được “thư tù”, tức thư từ trong nhà tù gửi ra, lần đầu tiên cách đây 6-7 năm, tui đã biết “nhận diện” ra những lá thư đó ngay khi vừa cầm lên.
“Thư tù” bao giờ cũng gây cho tui nhiều xúc động. Đơn giản là vì tui chẳng biết họ là ai. Họ viết thư gửi đến cho tui, vì ở trong đó họ tình cờ đọc được báo NV.
Mà những lá thư tù, đều chung nhau một điểm: viết bằng viết chì. Đó là hình thức.
Còn nội dung, thư nào cũng mang đến cho tui suy nghĩ: họ là người thật sự thiếu vắng bạn bè, người thân. Họ có nhu cầu được tâm sự, được nói chuyện, ngay cả với một người xa lạ, là tui.
20017488_10156283434203521_6280712625367358172_o
Mà nói đến người tù, tự dưng lại nhớ đến bài báo trên OCR mà tui mới đọc kỹ lại hôm qua, mà cứ thấy xao xác buồn, cho một cuộc đời.

Tui tóm tắt lại đây phần lượt dịch:

Trong khi đó, cô Ngọc Trần, người từng đến Mỹ hợp pháp theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 2003, lúc cô 14 tuổi, nhưng nay, cô rơi vào tình trạng có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ vì hai lần liên quan đến tội hình sự, theo nhật báo OC Register.

Cha mẹ ly dị, Ngọc sang Mỹ cùng cha, cô nuôi ước mơ sẽ đi học để trở thành y tá. Thế nhưng, đặt chân đến Mỹ chưa bao lâu, vừa có thẻ xanh, thì cha cô quay trở lại Việt Nam, bỏ đứa con gái 14 tuổi ở lại Orange County sống với người chú.

Người chú bị bắt bỏ tù, Ngọc được đưa sang sống với người cô. Ngọc bắt đầu đến trường khi chưa biết một chữ tiếng Anh, không bạn bè, không người trò chuyện, không có cả tương lai, Ngọc cảm thấy mình giống như “kẻ bơ vơ, lạc lõng” trên mảnh đất này. Cô không qua nổi bất cứ lớp học nào.

Không chỉ vậy, sau giờ học, người bà con kêu cô đi làm không công cho một tiệm nail, không khác gì một “nô lệ.”

Ngọc quyết định kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 15, bằng 80 viên thuốc Tylenol.

Nhưng, Ngọc không chết. Cô tỉnh dậy trong bệnh viện, và trải qua một tháng điều trị.

Sau đó, cô bắt đầu đi làm cho tiệm cà phê bikini ở Garden Grove với tiền lương $18/giờ cộng thêm tips.

Và đồng tiền đã cuốn cô gái trẻ vào vòng xoáy của những tiệc tùng, thuốc lắc, ma túy, heroin – những thứ giúp cô quên đi nỗi cô độc tận cùng của mình.

Chuyện gì đến rồi cũng đến.

Năm 2009, Ngọc lãnh án 3 năm rưỡi tù giam khi cô nhận tội hành hung bằng vũ khí gây chết người (mặc dù cô nói chưa bao giờ đụng tới vũ khí trong vụ này). Theo luật, Ngọc bị mất quyền sở hữu thẻ xanh và đối diện với nguy cơ bị trục xuất trở về Việt Nam sau khi mãn hạn tù. Khi đó, cô đã có đứa con đầu tiên.

Tuy nhiên, Cơ Quan Di Trú và Quan Thuế (ICE) đã “treo” trường hợp của cô.

Ra tù, Ngọc cố gắng sống cuộc sống trong sạch hơn, dù vẫn tiếp tục công việc tại quán cà phê bikini.

Nhưng năm 2013, cần tiền để thế chân mướn một căn chung cư, Ngọc đã chấp nhận làm công việc giao “hàng trắng” cho một người đàn ông. Người đàn ông này nhờ Ngọc giao hàng 3 lần, với số tiền công là $400, $500 và lần cuối cùng là $700. Tổng cộng là $1,600, nhiều hơn mức tiền cô đang cần.

Thế nhưng, cô không ngờ người đàn ông đó chính là một cảnh sát chìm. Ngọc bị bắt.

Cô phải nhận 25 tháng tù giam.

Ngày 1 Tháng Năm, 2017, cô quyết định ra đầu thú tại Ronald Reagan Federal Building tại Santa Ana để hoàn tất án tù của mình tại nhà tù liên bang ở Dublin, California.

Sau khi mãn hạn tù, Ngọc sẽ được đưa ra trước Tòa Di Trú và với bộ máy chính quyền của Tổng Thống Donald Trump, rất nhiều nguy cơ cô sẽ bị trục xuất.

Cô có thể sẽ không bao giờ gặp lại bốn người con và chồng mình.

Cô buồn bã, hôn chào tạm biệt các con và nói với chồng rằng cô không muốn đoàn tụ với các con tại Việt Nam.

Cô cho biết, các con cô là người mang quốc tịch Mỹ và cô muốn các con lớn lên trong đất nước đầy cơ hội này.

Hiện giờ, Ngọc chỉ mới 28 tuổi. Tui không hình dung được phần còn lại của cuộc đời em sẽ ra sao. Nhưng quan trọng hơn, 4 đứa con của Ngọc, đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 1 tuổi rưỡi, tương lai sẽ như thế nào?