Bảo vệ con bằng cách nào đây?

 

 

1.

Sáng thứ hai vào tòa soạn, đọc bản tin  về một cô bé học sinh lớp 12 ở Houston, Texas đã cầm súng bắn thẳng vào tim, chết ngay trước mặt những người thân yêu, bởi không chịu nổi sự ăn hiếp bắt nạt trên mạng (cyberbullying) trong nhiều tháng trời, tui ngồi bần thần.

Tui hình dung ra cảnh tượng đó khủng khiếp quá, đau đớn quá, cho những người ở lại.

Cha của cô bé nói với đài CBS News rằng “con gái ông phải nhận những bản tin nhắn quấy nhiễu và nhục mạ trong nhiều tháng trời khi người ăn hiếp dùng những ứng dụng không thể truy tìm nguồn gốc được trên smart phone để tấn công nạn nhân.”

Ông bố cũng cho biết “có người còn dựng nên một trang Facebook giả của con gái ông để từ đó ngụy tạo các thông tin động trời nhắm hãm hại cô.”

Hôm Thứ Ba, trước khi tự vẫn, cô bé gởi email tới cho mọi người trong gia đình cho biết việc cô sắp sửa tự kết liễu đời mình vì “không thể tiếp tục sống trước hành vi ăn hiếp trên trang mạng kéo dài vô tận này.”

Mọi người lật đật chạy về nhà. Khi đó cô vẫn chưa hành động gì.

“Theo lời người cha, cả nhà xúm lại khuyên can, nhưng cô bảo rằng cô đã quyết chí rồi. Chị gái của cô bé kể, mặc cho mọi người ra sức cản ngăn, nhưng cô đã bóp cò cho đạn xuyên thấu tim, chết ngay trước mắt những người thân yêu.”

Trên trang Facebook của cô gái xấu số, người ta đọc thấy câu: “Tôi yêu thương mọi người vô cùng, xin hãy nhớ giùm điều này. Và tôi hết sức tiếc rằng mọi sự đã xảy ra như thế.”

2.

Hôm nay, tui đến dự đám tang của K.,một cậu bé gốc Việt 16 tuổi không quen biết. Em cũng từ giã cuộc đời này bằng cách tự tử vào rạng sáng ngày thứ ba, 29 tháng 11. Đó là ngày, đúng ra, em sẽ trở lại trường sau tuần nghỉ lễ Tạ Ơn.

Tui đến đám tang, mang theo câu nói của thằng Bi – con tui, rằng “Con không biết bạn đó, nhưng các bạn con biết, ai cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao, vì đó là một bạn luôn rất vui, rất tếu.”

Tui ngồi nói chuyện với ba của K. khá lâu.

Người bố, chắc cũng trạc tuổi tui, không hề rơi nước mắt trong suốt cuộc nói chuyện, nhưng tui cảm nhận được tất cả nỗi bàng hoàng của một người cha qua từng nụ cười cay đắng lẫn những cái nhắm mắt, mím môi.

“Nếu con tôi có bất kỳ một dấu hiệu nào khác thường biểu lộ ra thì nó đã không nằm ở đó” Anh chỉ về nơi chiếc quan tài.

Những ngày qua, nó vẫn ăn lễ cùng gia đình, vẫn đi coi phim cùng bạn bè, cuối tuần, nhiều đứa bạn còn kéo đến nhà học bài chung với nó, ngay trước ngày nó ra đi, vẫn thấy nó ngồi chơi game, cười ha hả… Không có bất kỳ một dấu hiệu nào hết!

Cho đến khi cậu bé ra đi, và người ta tìm thấy 3 lá thư để lại. Thì, mới hiểu ra, rằng, em bị chứng bệnh chán nản, trầm cảm. Em biết bệnh mình, và em giấu!

Tui chưa đọc được lá thư em viết để lại cho tất cả nói về những nỗi bất mãn của em với nhà trường, với xã hội, nhưng tui đồng ý với người cha bất hạnh ở điểm: áp lực học đường là có thật, và một đứa học toàn điểm A không có nghĩa là nó yêu trường lớp, yêu việc học!

Tui sẽ nói kỹ hơn về những lý do đẩy K đến quyết định chọn cái chết, sau khi xem những gì mà ba em hứa cung cấp, sau đám tang em.

Nhưng điều tui đang tự hỏi, rằng, có gì đó giống nhau giữa K và thằng Bi, con tui, cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, khi trong mắt bố mẹ và mọi người xung quanh, chúng là những đứa vui vẻ, hoạt bát, chúng có bạn bè, chúng thích tham gia các hoạt động xã hội, và chúng học hành 1 cách tự giác, rồi bỗng dưng một ngày, nó không thức dậy nữa bằng cách tự kết thúc cuộc đời mình có chủ ý?

(Tui muốn nói chữ “học hành 1 cách tự giác” ở đây là chúng học toàn điểm A mà không hề có 1 áp lực nào từ cha mẹ. Tui tin lời ba K nói, vì tui cũng ở trong trường hợp đó, là, chưa bao giờ tui hỏi con mình 1 câu đại loại như ‘sao môn này con bị B mà không phải là A?’ hay như có lần tui nói với Bi, ‘con A hay F cũng được, miễn là con đã cố gắng hết mình, vậy là được.’)

Một điều gì đó khiến tui hơi rùng mình khi nghe ba K nói, “Chị biết điều con tui ghét nhất là gì không? Nó ghét trường, ghét đi học, mặc dù từ lớp 4 đến giờ nó chỉ có 1 con B duy nhất. Nó chỉ thích 3 điều thôi, đó là ngủ, chơi game và đi làm thiện nguyện.” Trời ạ, thằng Bi cũng từng nói như vậy, chỉ khác là K thích “đi làm thiện nguyện” thì thằng Bi thích “ở nhà và làm những gì con muốn.”

Một đứa trẻ ngổ ngáo, bất thường, lập dị… còn có cách để mình giải thích vì sao nó hành động như thế. Còn với những đứa trẻ trông ngoan ngoãn và yêu đời như vậy, thì mình giải thích như thế nào đây?

Đừng ai nói ngay với tui rằng, là vì gia đình đã không quan tâm đủ hay gia đình chỉ cung cấp vật chất mà không chú ý đến tâm lý tình cảm của nó… Đừng kết luận hay phán xét  cách chủ quan và độc ác như thế.

Đến giờ phút này, tui vẫn thấy mình là người may mắn, rất may mắn khi có 2 đứa con như Bi, như Ti. Nhưng, tui vẫn phải nói 1 điều rằng, nuôi con, giữ con ngày nay khó lắm!

3.

Sau cùng, những dòng này tui đã viết ngay khi mở đầu entry này, nhưng cuối cùng, tui quyết định mang nó ra sau:

Tui đang thật sự sửng sốt vì trước khi gõ những dòng này, tui đã không hề biết rằng 2 vụ tử tự mà tui viết ra đều trùng vào ngày Thứ Ba, 29/11.

Và, thằng bé K có cùng ngày sinh nhật với Bi.