Áp lực cuộc sống

1

Tôi trở lại với đám tang của K vào sáng hôm nay, khi các ni cô đang tụng kinh chuẩn bị cho lễ di quan và hỏa táng.

Tôi chọn hàng ghế sau cùng. Không ngờ lại ngồi cạnh một người đã cùng với bà ngoại K chăm sóc cho em trong nhiều năm. Từ sự tình cờ này, mà tôi biết thêm nhiều điều…

Khi người cô ruột của K lên đọc bức thư em để lại,  bạn bè em bật khóc. Nhiều người bật khóc.

“Mình tự tử vì không muốn tiếp tục cuộc sống này nữa. Mình cảm thấy đơn độc, lẻ loi… Bài vở ở trường, chương trình thi SAT, những project nối tiếp project khiến mình cảm thấy căng thẳng quá. Bên ngoài kia thì xã hội đầy dẫy những tệ nạn…”

“Mình tự tử vì mình không thể chia sẻ những nỗi niềm của mình. Nhưng mình không mong các bạn sẽ làm như thế. Hãy nói cho bố mẹ, cho bạn bè biết những vấn đề của bạn, họ sẽ giúp bạn. Đừng làm như mình. Nhưng mình hy vọng cái chết của mình sẽ có ý nghĩ của nó… Tận đáy lòng, mình yêu thương tất cả mọi người. Vĩnh biệt.”

Nhiều người lớn, là phụ huynh, là thầy cô, đã lên nói trong nước mắt, tựu chung một điều: Không ai mong muốn mình ngồi nơi đây để nhìn K nằm bên trong quan tài đó. Mỗi người chúng ta, ai cũng có những “vấn đề to tát”, nhưng hãy làm ơn thổ lộ điều đó ra, với bạn bè, với cha mẹ, với gia đình, với thầy cô, với bất kỳ ai mình yêu mến, mọi người sẽ có cách giúp mình. Đừng ôm ấp điều đó trong lòng, để rồi chọn cách giải quyết đau đớn như vậy.

Bạn bè em cũng lên nhắc lại những kỷ niệm về K. Có em nói, và khóc. Các bạn khóc theo. Có em nhắc để cười. Các bạn cười theo.

Tôi ngồi sau cùng, nhìn những bàn tay của bạn bè K vỗ về nhau, an ủi nhau. Mắt tôi nhòe nhoẹt.

Kinh nghiệm này không dễ quên cho tất cả, nhất là với tuổi 15, 16.

2.

Tôi trở lại tòa soạn. Nghe tiếp câu chuyện về những cái chết trẻ khác.

Chuyện ngày người bố đi nhận một giải thưởng về những đóng góp lớn lao của mình cho lãnh vực y tế thì ở nhà, người con đã tự cắt đứt mạch máu nơi tay mình, kết thúc cuộc sống.

Chuyện một người con trai đã treo cổ tự tử vì cảm thấy đời sống quá chán nản

Chuyện cả một gia đình phải đi gặp chuyên viên tâm lý để học cách cư xử với 1 đứa con, đứa em trong nhà, để tránh đưa nó tới những hành động điên cuồng

Một bạn đồng nghiệp trẻ hỏi tôi, “Có bao giờ chị có ý định tự tử chưa?” Nghe tôi trả lời “Chưa”, bạn nói, “Sao lại chưa? Em nghĩ bất kỳ ai cũng từng có lúc nghĩ đến chuyện tự tử. Em cũng vậy, vài lần rồi.”

Tôi nghe mà thoáng rùng mình.

3.

Tôi ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Kể: hôm qua hỏi Ti về kế hoạch học lên của nó. Ti nói, “Cho con nghỉ thêm một thời gian. Con nghe học nữa con stress quá!” – OK con. Tôi gật đầu không cần nói gì nhiều hơn.

“Tôi nghĩ cuộc đời là của nó. Mình không thể sống thay nó. Mình không thể chịu thay những áp lực của chính nó. Cho nên, hãy để nó được tự quyết định tương lai nó, cuộc đời nó. Mình chỉ có thể làm người hướng dẫn nó khi cần, và cho nó biết mình ở bên nó trong mọi tình huống, là được,” tôi nói với đồng nghiệp mình.

Anh đồng ý. Nhưng lại nêu lên một điều, “Mình không tạo áp lực cho con mình. Nhưng xã hội tạo áp lực lên nó và nó tự tạo áp lực cho chính nó. Cứ nghĩ đi, mình không đòi hỏi con mình học điểm A, mình muốn nó cứ học hành vừa sức. Nhưng sự tranh đua trong trường lớp, sự đòi hỏi của thầy cô… là một áp lực để tự nó phải cố gắng. Khi ra đi làm cũng vậy. Bao nhiêu áp lực đặt ra, về trình độ, về bằng cấp, về khả năng…”

OMG, cuộc sống là một áp lực, có vô hình, có cố ý.

Đôi khi chính mình cũng đang là người tạo nên áp lực nặng nề lên những người thân yêu mà không hề hay biết, bởi, nó được ngụy trang dưới chiếc dù mang tên “yêu thương.”

Cuộc sống là chồng chất của những áp lực.

Tôi lại chợt nhớ lời của một người đang làm việc ở học khu Garden Grove, “Mình khuyến khích con em mình phải nói ra những vấn đề của nó, đừng có giấu giếm. Nhưng mà rồi liệu sự giãi bày của những nỗi niềm, những bế tắc đó đã được người khác lắng nghe như thế nào? Nó có tìm được sự thấu hiểu, cảm thông không? Nó có nhận được sự giúp đỡ như nó mong muốn không?”

Sau cùng, theo tôi, người ta vẫn có thể vui sống, vẫn có thể tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi người ta có được sự thấu hiểu và cảm thông.  Chỉ cần có vậy, áp lực cuộc đời  có thể trở nên nhẹ như không.