Tân tổng thống Mỹ

 

Hôm nay đọc được 2 bài viết nói về tâm trạng sau ngày bầu cử. Một bài thì nói về “nỗi buồn sâu sắc” của bậc cha mẹ “không biết phải giải thích thế nào cho con cái hiểu điều gì đang xảy ra cho nước Mỹ”. Một bài thì kêu gọi phải biết chấp nhận sự thật – hay đúng hơn là kêu gọi sự thực thi tính dân chủ ở quốc gia này bằng cách hãy đối diện với những thách thức mới, chứ không phải là bày tỏ sự bất bình về kết quả bầu cử bằng cách tuyên bố bỏ nước ra đi, đóng blog (nhột nhột nha, heheh), đóng facebook… và hãy luôn nhớ, đất nước này là của mỗi chúng ta, của cả Trump, cả Hillary, chứ không của riêng ai hết…

Dĩ nhiên, tui không cùng tâm trạng với bài đầu, cảm xúc của tui nghiêng vềý: nước Mỹ này là của mỗi chúng ta.

Tui đã trải qua một ngày khá bận rộn, hào hứng cùng tất cả đồng nghiệp của tờ báo trong ngày bầu cử. Tui cũng có một lá phiếu để bầu như người ta, và cũng chỉ được quyền chọn 1. Chọn ai thì mình cũng mong người đó thắng. Nhưng không vì vậy mà tui nghĩ mình có thành kiến gay gắt với người kia.

Tui nhớ sự hồi hộp của mọi người trong những giờ phút cuối xem tình thế có thể đảo ngược không, cơ hội cho bà Hilllary có khả quan không.

Tui nhớ những dòng tin nhắn liên tục của bạn bè từ VN hỏi về kết quả. Thoạt đầu tui hơi ngạc nhiên, tưởng chỉ là tò mò, nhưng khi nghe một cô bạn nói bạn đang lo, bởi nếu Trump thắng thì con bạn sẽ từ chối chuyện sang Mỹ du học, dù nó được nhận. “Trời.” Tui nhớ tui đã sửng sốt như thế. Gây cấn đến vậy sao.

Tui bầu cho Hillary. Tui thấy niềm hy vọng của mình cứ mỏng dần, mỏng dần khi kết quả từng tiểu bang được nêu lên. Tui thấy chút gì như hụt hẫng khi nghe sếp Đỗ Dzũng đứng bật dậy nói, “Xong rồi, xong rồi, chuẩn bị làm breaking news liền, bà Hillary đã gọi điện chúc mừng ông Trump, và chấp nhận thua rồi, không cần chờ đến 270 nữa.”

Thế nhưng, khi dán mắt vào máy tính, tui thấy trong mình cũng có một nỗi xúc động, nhận ra miệng mình đang mỉm cười, vui với  niềm vui của người chiến thắng khi thấy ông cùng gia đình từ trong đi ra nói những lời cám ơn đầu tiên ở giây phút lịch sử. Nhìn ông khác, rất khác với một “tên loi choi” ở những ngày tranh luận.

Và tui cũng thấy mắt mình cay khi đọc bài phát biểu của bà Hillary sáng nay. Tự tui hiểu, đó không phải là nước mắt của người thua cuộc, mà là tui biết mình đang đọc để học   vềcách nghĩ, cách hành xử, cách biết chấp nhận và cách nhìn về phía trước…

Ngày bầu cử, tui về nhà khi ngày mới đã gõ những tiếng đầu tiên. Con gái tui vẫn còn thức, bởi “Con chờ mẹ”, rồi nó cười cười, rằng, “Để hỏi cô Trang coi nhà cô có dư phòng nào không?” – Chi vậy?  – “Dạ, để dọn sang Canada ở, ông Trump thắng rồi.” – Trời, chó con. Chỉ một câu, tui hiểu, nó chọn ai. Hỏi thằng em đâu, nó bảo, “Bi mới vô phòng, nó ngồi đây nói chuyện với con nãy giờ mà cũng nhìn vô phone liên tục để coi ai thắng. Có kết quả rồi nó mới đi ngủ.”

Sáng nay thằng nhóc nói, nó ngạc nhiên khi ông Trump thắng, nhưng mà với nó trái đất vẫn quay. Nó nói về những bài học lịch sử Mỹ mà thầy cô dạy, về vấn đề chọn phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri… Nói trong sự bình tĩnh, không hằn học, không hơn thua. Tổng thống không là tối thượng, mà còn thượng viện và hạ viện.

Mỗi người có nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Mình đã mang họ vào chiếc ghế nào, hãy để họ thực thi trách nhiệm và quyền hạn của họ nơi chiếc ghế đó. Còn mình, hãy làm cho tròn những chuyện của mình.

Mà chuyện của tui, là, còn nợ 2 bài báo Xuân, chưa viết 🙂

15036241_10155557210048521_7413279599162924133_n
Ban biên tập NV: Thiện Giao, Lan Ù, Đỗ Dzũng, Khôi Nguyên, Nhất Anh, Quốc Dũng, Đằng Giao, Khoa Lại.