Trung Thu của mình, Trung Thu của con

 

Thấy tôi xếp vài chiếc bánh nướng nhân đậu xanh vào thùng để gửi làm quà Trung Thu cho đứa con người bạn nơi tiểu bang xa, thằng nhóc 15 tuổi con tôi hỏi, “Bánh gì vậy mẹ?” – “Bánh Trung Thu. Con muốn ăn thử không?” – “Bánh Trung Thu là bánh gì?” Thằng nhóc tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi. “Là moon cake đó. Con ăn không?” – “Dạ không,” nó nhe răng cười sau khi nghe câu trả lời.

Thật khổ. Đây không phải lần đầu chàng nhóc hỏi bánh này là bánh gì, mà là cứ mỗi năm Trung Thu về, nhìn thấy bánh là nó lại hỏi. Hỏi rồi lại quên. Mà quên cũng không có gì lạ. Bởi, mỗi năm chỉ một lần Trung Thu, mua một lần bánh, nó lại chẳng bao giờ muốn thử.

Mà tự tôi cũng ngạc nhiên, tại sao cả hai đứa nhóc ở nhà đều không chút mảy may động lòng trước bánh Trung Thu nhỉ? Dù con bé lớn đã biết đến món bánh có tên “trung thu” từ khi còn ở Sài Gòn, mà Trung Thu ở quê nhà thì rõ ràng là tưng bừng hơn ở đây, vậy mà nó cũng không buồn ăn.

Trong khi bánh Trung Thu, với tôi, luôn là kỷ niệm, từ những ngày còn thơ.

Tôi biết đến bánh Trung Thu từ hồi còn nhỏ, dưới 10 tuổi. Bánh Trung Thu ngày ấy thuộc loại “xa xí phẩm” so với cuộc sống khó khăn phải chạy ăn từng bữa ở những năm của thập niên 80.

Tôi nhớ má tôi đi chợ về, đem ra từng cái bánh Trung Thu. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy “một hộp bánh Trung Thu” mà chỉ là từng cái riêng lẻ. Rồi má cắt làm đôi, rồi làm tư, rồi làm tám. Mỗi đứa con một phần tám như vậy. Nhân bánh khi là thập cẩm, khi là đậu xanh, có lúc lại là đậu đen.

Rồi má lại kiếm đâu ra tiền, mua cho mấy đứa chị em tôi mỗi đứa một cái lồng đèn bằng giấy bóng kính, màu đỏ. Tôi nhớ tôi có cái lồng đèn con gà. Nhỏ em kế tôi có cái lồng đèn con bướm. Đứa út thì lồng đèn con thỏ.

Tối Trung Thu, trong xóm lao động nghèo, những đứa con nít tụi tôi lôi lồng đèn ra. Đốt đèn cầy lên và xách đi lòng vòng. Đi chán rồi thì về ngồi trước nhà, để cái lồng đèn xuống đất, hay treo treo, móc móc nó lên trên hàng rào ngoài sân, ngó. Vậy là xong Trung Thu. Mang cái lồng đèn lên gác cất. Chờ Trung Thu năm sau lôi ra chơi tiếp. Mà lồng đèn bằng giấy kiếng, để trên gác, mái tôn nóng hầm hầm, nó căng ra, rách toạc. Thế là lấy giấy, lấy hồ vá víu nó lại. Cũng sáng đèn cầy, đi đón trăng.

Những mùa Trung Thu dịu dàng như thế cứ qua đi trong cuộc sống lao đao, khốn khó.

Mà hình như nhờ những miếng bánh nhỏ xíu đó, nhờ cái lồng đèn đó, mà trong tôi có hình ảnh của Trung Thu. Để rồi theo năm tháng lớn lên, không còn chơi lồng đèn nữa, nhưng bánh Trung Thu luôn có trong nhà vào dịp này. Cũng vẫn là những chiếc bánh được cắt tư, cắt tám.

Ước mơ ngày ấy của tôi chỉ là một lần được cầm nguyên cái bánh Trung Thu mà ăn, coi nó đã ra làm sao!

Ước mơ đó thành sự thật khi tôi vào đại học năm thứ hai. Còn nhớ buổi trưa ở lại giảng đường chờ những môn học chiều, chàng người yêu tôi chạy ù vào, đưa tôi một túi giấy. Mở ra. Trời. Bánh Trung Thu. Không phải một cái, mà là đến hai. Ra là, nhà anh là nơi có bàn thờ ba má anh, nên những người chị lớn mua bánh đến cúng, và anh “rước” vài cái mang cho tôi, để tôi có dịp thực hiện ước mơ của mình.

Dĩ nhiên, là tôi cầm nguyên cái bánh đưa vào miệng mà… cắn. Một miếng. Một miếng. Rồi một miếng nữa. Đã đời một cảm giác, đủ đầy một ước mơ. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi cầm nguyên cái bánh Trung Thu ăn.

Bởi, nó thỏa mãn cái cảm giác một mình mình được hưởng trọn cái bánh, nhưng chiếc bánh cắt ra làm tư làm tám khi ăn lại gợi nhớ nhiều hơn, vì vậy ăn nó ngon hơn, mà cũng là tao nhã hơn.

Đến lúc lập gia đình, ở riêng, tôi vẫn mua bánh Trung Thu mỗi dịp Rằm Tháng Tám, vẫn mua lồng đèn cho con để biết Trung Thu là gì. Nhưng hình như khi cuộc sống dễ thở hơn, sung túc hơn, con tôi lại không có được những khao khát, những trò chơi như tôi ngày thơ bé.

Từ lúc còn ở Sài Gòn đã thế, sang đến nơi này, Trung Thu lại là một điều gì hoàn toàn xa lạ với các con tôi.

Có lúc tôi tự hỏi, bao lâu nữa thì Trung Thu hoàn toàn biến mất trong ý niệm của những đứa nhỏ, như con tôi? Và liệu điều đó là hay hay dở?

Tôi không biết.

Chỉ biết rằng, Trung Thu về, là tôi nhớ lại mình của ngày còn bé, mà cũng không lấy làm buồn khi thấy con mình thờ ơ với ánh trăng tròn. Cuộc sống là của nó. Nó có những ký ức riêng của nó, đến một lúc nào, nó sẽ tự kể ra, như tôi đang kể về tuổi thơ mình, hôm nay.