Kỳ thị? hãnh tiến?

Bài viết mới đây nhất của tui là bài “Đến Florida, dạo đầm lầy Everglades, xem cá sấu”

Trong bài có đoạn vầy:

Người ta bảo con người có mặt ở vùng đầm lầy này từ… 15 ngàn năm nay, khởi đầu là hai bộ lạc da đỏ Calusa và Tequesta. Nhưng đến khi người Tây Ban Nha bắt đầu cai trị Florida, thì hai bộ lạc da đỏ này càng ngày càng ít người đi. Từ đầu thế kỷ 19 thì bộ lạc Seminole cũng kéo nhau về sinh sống trong vùng đầm lầy này.

Đó là sách vở nói vậy, chứ khi tôi đến nơi này vào những ngày đầu Tháng Tám của thế kỷ 21 thì không thấy một người da đỏ nào hết trơn, mà chỉ có nhóm tôi gồm 3 người da vàng nói tiếng Việt, còn lại toàn là trắng bóc, không đen không nâu gì ráo trọi.

Everglades cũng từng bị UNESCO đưa vào danh sách di sản bị đe dọa từ năm 1993 sau thiệt hại do cơn bão Andrew gây ra. Tuy nhiên, đến năm 2007, Vườn Quốc Gia Everglades được đưa ra khỏi danh sách này nhờ những nỗ lực để phục hồi hệ sinh thái ở đây.

Có lẽ cũng nhờ những nỗ lực đó mà giờ đây Everglades trở thành nơi cho nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu, giống như tôi vậy.

Sau hơn hai tiếng rưỡi lái xe từ thành phố Sarasota, chúng tôi có mặt tại nơi có tấm bảng với dòng chữ “Everglades Captain Jack’s”, tại đây có những tour “airboat” đưa du khách xuyên qua đầm lầy, xuyên qua những rừng đước dày đặc để thỏa mãn cảm giác vờn cùng sóng nước và nơm nớp lẫn háo hức chờ xem có con cá sấu nào nhào ra không.

Sau khi mua vé với giá đâu khoảng hơn $30 mỗi người, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới đến lượt. Thật ra là mình có thể gọi điện thoại hỏi giờ trước và “book” luôn giờ muốn đi, chúng tôi cũng làm như vậy, nhưng do trục trặc nên tới trễ, đành phải chờ là thế.

Chuyến thám hiểm này kéo dài một tiếng, người bán vé cho biết, kèm theo lời dặn, “Thuyền trưởng của các bạn có tên là Mo.”

Như đã nói, ngoài nhóm chúng tôi là người Châu Á, còn lại đều là người Châu Âu, Châu Mỹ.

Hy vọng có ngày sẽ trở lại đầm lầy này và muốn nhìn thấy nhiều cá sấu hơn khi đã học được chiêu của một người bạn chỉ: nếu bị cá sấu rượt, nhớ chạy theo đường ziczac!

Bài lên hôm trước, hôm sau tui nhận được email có nội dung như thế này:

Thưa cô Ngọc Lan,

Tôi viết cho cô một điện thư hôm nay sau khi tôi đọc bài ” Đến Florida dạo đầm lầy….” Bài tự thuật của cô về chuyến đi của cô làm ai cũng thích thú cả và tôi nghĩ ai cũng muốn đến nơi này một lần trong đời trong đó có tôi. Nhưng thưa cô, khi tôi đọc đến đoạn cô viết…”chỉ có nhóm chúng tôi gồm 3 người da vàng nói tiếng Việt, còn lại toàn là trắng bóc, không đen, không nâu gì ráo trọi.” và cũng ở câu…” “đoàn chúng tôi là người châu Á, còn lại đều là người châu Âu, châu Mỹ.” Tôi thấy cô có bóng dáng của người Việt da vàng, mũi tẹt trong đó có cô mà cô lại hãnh tiến cho bản thân mình đi cùng nhóm người da trắng bóc, chê cả người da đen, da nâu ư! Cô là một phóng viên hay là gì đó của báo Người Việt mà cô hé lộ cái màu kỳ thị kia tôi e rằng cũng không phải phép lắm. Thà cô nói với bạn bè về chuyến đi này thì không sao, đằng này cô bày cái kỳ thi da đen, da nâu của một người da  vàng như cô thì cô nghĩ gì về thứ tình cảm này? Ngoài ra cô là xướng ngôn viên hay phóng viên nhưng cô dùng … “đều là người châu Âu, châu Mỹ”

nhưng cô quên rằng châu Âu và châu Mỹ cũng có rất nhiều loại dân, trắng, đen, nâu, vàng…Tôi mong rằng cái niềm hãnh diện của một giống dân da vàng như cô được đi vớí người da trắng bóc nên xếp lại và để nó tại một nơi thật kín đáo trong tâm hồn của cô, và lần sau tôi mong cô đừng để một cho độc giả Việt Nam thấy một suy nghĩ kỳ thi nào của cô cả.

Rất mong và cám ơn cô,

TB: Cô thích người da trắng bóc nhưng cô đánh vần từ ziczac không có trong tiếng Anh!!!!!

Tui đọc đi, đọc lại email, xong. Thở dài.

Rồi viết email trả lời vầy:

Kính chào chú …,

Trước hết, NL xin cám ơn chú đã đọc bài của NL và dành thời gian để viết email này.

Về nội dung bài viết của mình, NL lấy làm tiếc khi đã để chú Cung có suy nghĩ như vậy, bởi vì đó là điều hoàn toàn không có trong suy nghĩ của người viết.

Mục đích chính của bài viết này chỉ là kể cho độc giả nghe về một trong những nơi mà NL có dịp đi qua, đặc biệt đây lại là nơi không có nhiều người Việt có trải nghiệm, nên xem như đó cũng là cách để giới thiệu cho người mình có dịp thì đến chơi.

NL chưa bao giờ cảm thấy tự ti hay mặc cảm với màu da, tiếng nói mẹ đẻ của mình, nên cũng chưa bao giờ có trong đầu ý nghĩ về sự kỳ thị.

Toàn bộ bài trên được viết bằng giọng điệu hóm hỉnh, hài hước, nên chữ ziczac cuối bài cũng viết trong ý tếu táo đó, tuy nhiên, nếu cẩn thận để trong dấu “ziczac” thì có lẽ không bị bắt bẻ.

Vài hàng cùng chú.

Trân trọng,

Không biết ở đây có ai nhận ra được điều như vị độc giả này nêu ra không?

Đúng là khi “tác phẩm” đã đến với công chúng thì hiểu sao là quyền của mỗi người. Và có những cách hiểu mà mình không biết nên nói như thế nào luôn 🙂