Bidong – ra đi và trở lại

 

Mr. thầy Lý gửi tui bài này từ hổm rày, nhờ post lên blog tặng những còm sĩ, độc sĩ từng là thuyền nhân sống qua các trại tị nạn, đặc biệt là Pulau Bidong, mà tui quên mất, hehehe. Nhưng trễ còn hơn không.

Mời mọi người cùng đọc và nhớ về một thời, một nơi mình đã sống.

Mến tặng những người đã từng sống ở Bidong
Tôi có thời gian sống tạm ở đảo Pulau Bidong, Malaysia. Thời gian tôi ở Bidong không lâu, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc tới kỷ niệm ở Bidong là tôi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian tạm dung trên hòn đảo lẻ loi, cách biệt với thế giới bên ngoài của những ngày đầu đặt bước chân đầu tiên làm người tị nạn.

Tháng 12, 1984. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển chứng kiến hai cái chết trên tàu vì đói, khát, vì không chịu nổi những đợt sóng lớn nhồi liên tục như muốn nhận chìm chiếc tàu mỏng manh với 83 mạng người, tôi được đưa vô đảo lập thủ tục giấy tờ với số tàu tị nạn MB279.

Những ngày đầu ở đảo, biết là chuyến đi đã thành công, đã đến được bến bờ bình an, nhưng đó chỉ là bắt đầu của những chuỗi ngày da diết nhớ nhà. Ngày đó tâm trạng của người bước xuống tàu ra đi là coi như vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt bạn bè vì không biết có còn được gặp lại nhau lần nữa không.
Cầu jetty ở Pulau Bidong (Hình: vi.wikipedia.org)
Những ngày đầu đến đảo, buổi chiều lang thang bờ biển, ngồi nghe sóng biển vỗ bờ, hướng về phương trời mênh mông, thấy lạc lõng giữa dòng đời mà nhớ nhà. Những bữa ăn sáng trưa chiều tối với mì gói, lương thực được ban phát và dễ nấu để ăn liền, có lần cầm tô mì trên tay, mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không, nước mắt lăn tròng chảy dài thành dòng tự bao giờ vì nhớ nhà vô tận. Đêm về khi đặt mình nằm xuống trước khi ngủ, nhìn bóng của tàn lá dừa đong đưa theo gió như đang yên vỗ cho giấc ngủ, nhưng vẫn không thể chợp mắt. Nước mắt cứ giàn giụa tuôn thành hàng bởi nỗi nhớ nhà.

Cuộc sống ở Bidong giữa đồng bào tôi, những người cùng chung số phận tựa vào nhau mà sống đã dạy tôi nhiều bài học ở đời như tự lực cánh sinh phải biết lo cho bản thân, không ỷ lại. Cuộc sống chật vật thiếu thốn giúp tôi nhận thức phải thích nghi với môi trường. Sống chung đụng từ cái thùng múc nước giếng đến cái bếp chung đã dạy tôi sự hội nhập và cách sống hoà đồng. Bidong đã làm tôi trưởng thành, nơi đã nung đúc tôi thành con người cứng rắn gặp chuyện khó không nản, biết khắc phục khó khăn và bằng lòng với những gì mình có.

Ngày rời Bidong, gia tài tôi không có gì ngoài cái túi ni lông đựng ít giấy tờ hồ sơ sức khoẻ và những lá thư nhờ gởi giùm để liên lạc với thân nhân khi đến đất liền. Lòng tôi nhẹ nhõm, vui mừng vô hạn khi bước lên cầu jetty để lên tàu rời đảo, tiếp tục những hành trình mới.

Khi có thông báo đến giờ rời đảo, bài nhạc được phát ra trên loa tiễn đưa người đi là Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người”

Càng làm tăng thêm sự lưu luyến của kẻ ở người đi đến tột cùng. Người ra đi thì phấn khởi với niềm ước mơ xây dựng một tương lai sáng rạng nơi đệ tam quốc gia. Người ở lại thì tủi buồn cho số phận với câu hỏi “Bao giờ mới tới phiên mình được rời đảo?”

Khi con tàu tăng tốc độ nhanh rẻ sóng, hình ảnh Bidong mờ dần, mờ dần thì tôi lại bùi ngùi và thầm cám ơn mảnh đất hiền hoà đã cưu mang tôi những ngày đầu sống cuộc sống tỵ nạn.

Nếu có ai hỏi những điều tôi muốn làm khi còn có thể làm được là gì trên cõi đời này? Tôi sẽ không ngần ngại chia sẻ là tôi muốn được một lần về thăm lại Bidong.

Tôi ôm ấp ý tưởng này đã lâu và bây giờ sau hơn 30 năm tôi có dịp thực hiện được điều mình muốn.

Trên website của hội Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam ở Úc cần 30 thiện nguyện viên đi trùng tu một số di tích tị nạn tại đảo Bidong. Nhìn trên website và YouTube, hình ảnh hòn đảo Bidong, nơi bao dung những thuyền nhân năm xưa, nhiều năm trôi qua từ ngày đóng đảo không còn thuyền nhân tị nạn, thì dấu tích bị phá hủy bởi thời gian khiến cảnh vật trở nên xác xơ điêu tàn.

Tôi muốn chung tay đóng góp một phần sức lực khi sức khỏe còn cho phép để trùng tu, gìn giữ lại những di tích trên đảo. Tôi liên lạc với ban tổ chức cho hai anh em tôi để được cùng ghi danh tham gia trong chuyến năm nay. Chưa bao giờ tôi háo hức, nôn nao, chờ đợi cho một chuyến đi xa như kỳ này.
(Còn tiếp).