Khi cuộc đời là một sân khấu

“Cuộc đời là một sân khấu, trong đó bạn đóng đủ các vai với tất cả hỉ nộ ái ố.” Câu này bật lên trong tui một cách mạnh mẽ nhất từ hôm tối Thứ Sáu, trên đường lái xe về nhà khi chỉ còn không đầy 1 giờ đồng hổ nữa là bước sang ngày mới.

Một ngày với rất nhiều những diễn biến tâm lý khác nhau, với rất nhiều vai diễn khác nhau, mà vai nào cũng đòi hỏi mình cạn sức…

Sáng sớm, trong  lúc chuẩn bị đi làm, đã gặp phải chuyện bực mình, máu dồn tới não… Vừa lái xe đi, vừa cố gắng kiềm chế cơn giận. Cũng may trời Thứ Sáu mưa. Đậu xe vào parking lot của Peek Family xong, hít một hơi dài, mở cửa bước xuống là rũ sạch tất cả.

Tui bước vào nơi đang chuẩn bị cho lễ phát tang của TT bằng một cảm xúc hoàn toàn khác. Và tui trôi trong tâm trạng đó cho đến khi quay ra xe lái về tòa soạn.

Ngồi vào bàn làm việc, với một khuôn mặt còn dấu tích lem nhem của nước mắt, chuẩn bị tịnh tâm để viết bài thì chợt nhớ, phải làm bản tin TV buổi trưa.

Thế là thoát ra khỏi cái ủ ê đó, để sống với những gì đang xảy ra nổi trội trên thế giới, ở Hoa Kỳ và cả ở Việt Nam.

Soan tin xong, nhìn gương mặt mình trong gương. U ám quá. Lại thêm cái áo sơ mi đen, áo khoác cũng đen, quần cũng đen, giày cũng đen, y như con quạ! Thôi kệ. Quơ được cây son bóng bóng, quẹt lên môi cho bóng láng cuộc đời

Bước vào phòng thu. Anh Nhân nhìn vào ống kính la làng, “Mặt mày tươi tỉnh lên coi, gì mà ảm đảm thấy gớm”

Hít một hơi, nhe hàm răng bạnh ra cười để cho có chút thần sắc. Ô kê, 1, 2, 3, action!

Cũng xong.

Trở ra lùa vài hột cơm. Quay lại bàn làm việc, lại tĩnh tâm, ngồi gõ vài chữ cho bài viết về 1 đám tang. Trong đầu lởn vởn tiếng kêu thảng thốt của người mẹ mất con… Chưa được bao lâu thì nghe nhắc “2 giờ qua đi quay quảng cáo bên Saigon TV” Ui trời.

Đi quay quảng cáo thì phải tươi, phải vui, phải hóm hỉnh,… Haiza, ngó qua ngó lại, moi hộc tủ ra được cái khăn choàng  màu xanh lá. Cột vô cổ cho có chút màu sắc để vào một vai diễn mới.

Định thần nhớ lại nội dung cuốn sách. Đi quay mà lão Đỗ Dzũng làm người host thì không lanh là không xong với ổng, quay mình như dế, không có chuẩn bị, không có xi-nhan gì trước đâu, cứ như ổng quăng là mình phải chụp, phải đỡ, không thì chết ráng chịu. Mà cũng chưa bao giờ có chuyện ấp a ấp úng phải quay lại. Đúng 2 giờ, sếp Giao gọi, “Đi NL.”

Thế là 3 anh em lên đường.

Một sắc mặt khác. Một cách nói khác. Lốp bốp cũng xong. Bước ra khỏi studio, vừa đi là tay cũng vừa tháo chiếc khăn ra. Mông vừa đặt xuống ghế là lại hít một hơi thật sâu, để nuôi lại cảm xúc cho bài viết.

Viết thêm một đoạn thì điện thoại ré “Mẹ ơi, đi đón con bi giờ.” Thế là nhập vào một vai khác, vai mẹ mìn có thằng con ngoan.

Chở nó về nhà, coi có gì cho nó ăn xong, tranh thủ tuốt lại cái mặt, thay đi cái áo, cũng đen, nhưng trông “tươi” hơn.

Trở lại tòa soạn. Nghe thêm lời sếp “Lát em nhớ edit lại lá thư của mẹ TT gửi nha.” Ô kêêêê

Nhưng cả bài viết dang dở lẫn cái thư cũng tạm để sang một bên. Chạy đua làm bản tin buổi tối trước.

Lại chìm vào với tin tức nổi cộm trong ngày, rồi lại xuất hiện trước máy quay với nụ cười tươi, cùng vẻ mặt không trầm buồn nhưng phải quyến rũ.

Xong. Giờ hãy để yên cho tui viết bài cho kịp giờ nộp. Cảm xúc phải quay về. Nước mắt chảy trong lúc gõ chữ… Chỉ còn phần kết luận.

Điện thoại bàn “Reng reng reng” – Chị Lan ơi có anh Thanh Tâm chờ đằng trước.

OMG, hẹn 6 giờ quay quảng cáo với Thanh Tâm và Khoa Cát. Nhìn lại phone, thì ra chàng Thanh Tâm đã nhắn trước đó rằng chàng sắp quay xong bên đài, sẽ qua ngay.

Lại đứng dậy. Vào một vai mới: đạo diễn.

Khoa Cát nói vầy vầy hén. Thanh Tâm làm vầy vầy nha. Tốt rồi, nhưng làm thêm lần nữa hén…

May là người tui nhờ toàn là người giỏi, nói chưa hết câu là hiểu rồi. Nên cũng thật nhanh, gọn, lẹ cho cái vai trò bon chen mới của tui.

Miệng cám ơn ríu rít tiễn bạn về thì cũng nhanh chân chạy vô ngồi viết tiếp, trong lúc sếp hối không dám hối mà cứ như giả bộ bước tới bước lui nói 1 mình “xong chưa? viết gì lâu vậy? Bà viết chứ bà đừng có khóc nữa.”

Rồi thì xong bài viết trong vai trò phóng viên, bây giờ chuyển sang làm editor: sửa lại lá thư viết trong nỗi niềm hoang mang, đau đớn tột cùng, thì có những chỗ thật khó hiểu, phải làm lại sao cho độc giả hiểu ngay.

Trong lúc đang sửa, thì lại nghe tiếng sếp Giao đi từ đâu về nói bằng giọng “hớn hở”: Trời ơi, có cái ghế để tên NL bên Việt Báo kìa!

Thôi đi cha nội, mệt quá, để tui làm cho xong. – Trời, thiệt bộ. Làm nhanh đi rồi qua bển.

(đêm nhạc của Lê Uyên đang chờ…)

Post xong lá thư được chỉnh sửa lại, cũng là lúc thấy như một khối nặng gì trôi tuột ra khỏi người.

Ngồi thừ ra một chốc. Cũng lại là để nhớ phân công việc ngày mai làm “live” chương trình tang lễ như thế nào cho 2 đồng nghiệp đi theo…

8 giờ tối, thấy tin nhắn của sếp Giao “Qua đi” – ok.

Trước khi đi, còn biết rằng khi về mà để xe xa vậy coi chừng sợ ma nên tìm cách dời xe đến nơi thuận tiện hơn.

Và đi qua Việt Báo.

Bước chân vào khuôn cửa là một không khí khác. Tưng bừng. Rộn tiếng nói cười. Đầy ắp chuyện tếu táo. Và mình phải nhập vai ngay luôn và tức thì để có thể tung hứng với anh chàng thiết kế thời trang Kelvin để mà trêu chị Thụy Trinh về chuyện làm đẹp, để có thể bỏ nhỏ với Thanh Tâm để cùng nghĩ xem nên mời ai thế vào chỗ 1 vai quảng cáo giúp mình…

Cứ vậy cho đến khi tiến thêm vào một cánh cửa nữa, vào nơi sân khấu, thì nghe “Ghế NL ở trên kìa, có để tên đó” – Hahaha, omg, đừng đùa, tui không có quen ngồi ở đó. Nhưng rồi cũng phải nể lời bước lên nhìn. Biết chỗ có tên mình rồi thì phá lên cười hahaha, và “thôi, em không ngồi ở đây được, không quen. Ngồi ở đó là về không viết bài được.” – ủa, ngồi đây rõ em mới thấy hết chứ? – không, chỗ của em là dưới cùng đó. Em ngồi đó em mới coi được.

hehehe, từ chỗ “xịn” không ngồi, ngồi chỗ “tệ” nhất là ngay cửa, người ta bước ra bước vào 🙂

Nhưng mà, coi ca nhạc, tui hay nhắm mắt, nên ok 🙂

Mấy tiếng đồng hồ đó, lả thời gian để tĩnh tâm lại, lấy lại sức.

Chương trình kết thúc, tui đứng lên ra về. Không muốn trò chuyện với ai. Bởi 1 ngày, quá nhiều cung bậc tình cảm trôi qua, như ghềnh thác, trồi lên sụp xuống. Đến lúc này, tui muốn im lặng.

Về nhà, “bồ cũ” đã khò khò từ lúc nào, ăn vội miếng xôi còn lại của mấy đứa nhỏ. Rửa mặt, đi ngủ khi đã sang ngày mới. Và một ngày hôm sau lại bắt đầu từ rất sớm, khi chồng, con vẫn còn say mềm trong giấc ngủ…