Bận rộn – Chộn rộn

1.

Một tuần thở không ra hơi, từ Thứ Hai đến hôm nay.

Ngó qua ngó lại, Trung Thu đến. Cũng may là đã kịp mua hộp bánh để dành cúng, chứ không thì lại chơi trò hẹn… năm tới cúng bù 🙂

Từ ngày quen “bồ cũ”, cảm giác thèm bánh Trung Thu hoàn toàn biến mất. Bởi, “bồ cũ” ở nhà thờ ông bà nội bé Ti, nên các chị cứ đến mùa thì mang bánh đến cúng. Và tui trở thành trung tâm tiêu thụ những chiếc bánh cúng đó. Ngập tràn, ứ hự. Không bao giờ còn thèm thuồng gì nữa 🙂

Mà cũng không biết có phải càng già càng khó ăn hay vì ăn ngập mặt rồi nên giờ nếm bánh Trung Thu cũng chẳng còn thấy ngon nữa. Chỉ thấy khác chăng là bánh nào dở hơn thôi, hehehe

2.

Tuần rồi, chuyện thú vị nhất với tui là hiểu được một cách rõ ràng hơn về “tình trạng di trú” của những người được đưa thẳng từ nhà tù VN sang Mỹ, như trường hợp của anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần.

Hehehe, vẫn theo phương châm “không biết thì hỏi” mà khi hỏi thì phải hỏi ngay chính “đương sự”. Cho nên, tui dí ngay anh ĐC mà hỏi, “anh qua đây cả năm rồi, nhưng giờ em mới có dịp hỏi thăm cho biết tình trạng di trú của anh hay chị TPT là như thế nào, chứ nghe người ta nói tùm lum, em không hiểu gì ất giáp gì hết.”

Những gì tui biết, tui muốn chia sẻ với mọi người để ai cũng biết chút chút về điều này, chứ không thôi nghe bên ngoài nói tá lả lồng đèn không trúng thằng tây nào hết trơn.

Như vầy nè, cả anh ĐC lẫn chị TPT đều nêu nguyện vọng của mình là đi Mỹ (chứ không phải như nhiều lời đồn đoán là ĐC phải sang Canada vì con anh ấy ở Canada, còn Mỹ chỉ là trạm quá cảnh. Nhưng vì anh đổi ý nên phải mất thời gian làm thủ tục di trú lại).

Hai  tháng trước khi họ đặt chân tới Mỹ, Bộ Ngoại Giao HK đi làm công việc “tìm người bảo trợ tài chánh” cho họ. Dĩ nhiên, đầu tiên phải tìm từ chính thân nhân của những người này.

Anh ĐC không có thân nhân ở Mỹ, nhưng con anh ở Canada nhận bảo lãnh tài chánh cho anh. Con anh chịu trách nhiệm tìm kiếm chỗ ở cho anh ở Mỹ.

Khi vào Mỹ, ĐC được đóng dấu diện nhập cảnh là “PAROLED” và trên tinh thần là con gái anh ĐC không có ở Mỹ nên người của Bộ Ngoại Giao có trách nhiệm đưa anh về tận nơi ở của anh (do con anh thuê). Theo giải thích thì người nhập cảnh theo diện này sẽ được hưởng quy chế giống như người tị nạn, tức là họ được làm các thủ tục để xin bảo hiểm y tế, xin thẻ xanh, xin trợ cấp tiền nhà tiền ăn trong 8 tháng đầu (sau 8 tháng thì phải tự lo, cho nên cần có người bảo lãnh tài chánh là vậy, chứ không phải chính phủ Mỹ có trách nhiệm lo cho họ suốt đời)

Tuy nhiên, với trường hợp anh ĐC hơi bị “éo le” một chút. Là bởi, ngay khi anh đến Mỹ, nhiều người muốn thể hiện tất cả những tình cảm trân quý anh nên người nhận giúp cái này, người nhận giúp cái kia. Và có một tổ hợp luật sư ở Little Saigon nhận giúp anh lo về thủ tục làm hồ sơ giấy tờ.

Nhưng oái ăm một điều là tổ hợp này lại không chuyên về luật di trú. Thế nên, họ… không biết làm cái gì. Giấy tờ cứ ì ra đó, cho đến… 10 tháng sau, khi có người dọ hỏi, mới khám phá ra, rằng thì là, ĐC là “PAROLED” thì anh có những quyền lợi như người tị nạn. Thế là người ta giúp anh đi hỏi những quyền lợi đáng ra anh phải có, thì câu trả lời là “đã qua thời hạn 8 tháng rồi.”

Nhưng trong cái rủi có cái may là còn… phát hiện ra được nên con anh lấy lại hồ sơ mang đi nhờ nơi biết về luật di trú lo giúp dùm cho ĐC!

Với trường hợp TPT, cũng 2 tháng trước khi chị rời VN, Bộ Ngoại Giao HK liên lạc với ĐC hỏi xem ĐC có thể bảo lãnh tài chánh cho TPT được không. Dĩ nhiên là… không. Nhưng ĐC giới thiệu qua cho một người khá nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam bởi các công việc mà anh làm suốt bao nhiêu năm qua cho những thuyền nhân. Anh này nhận lời.

Do đã có ĐC là người đón TPT nên sau khi làm thủ tục nhập cảnh, cũng là “PAROLED”, thì người của Bộ Ngoại Giao chứng kiến cảnh ĐC đón TPT xong thì xem như họ hoàn thành nhiệm vụ. Phần việc còn lại cho những ngày tiếp theo thuộc về người bảo trợ.

Rút kinh nghiệm của ĐC, nên các thủ tục liên quan đến giấy tờ cho TPT có vẻ đúng đường đi nước bước hơn.

Đó, những điều tui thu lượm được là vậy đó. Sẽ không còn thắc mắc gì nữa về những trường hợp “bị trục xuất” như thế. Chỉ cầu chúc họ “chân cứng đá mềm” vừa có thể sớm hội nhập với cuộc sống mới sau nhiều năm mất phương hướng với thế giới ngoài nhà tù, vừa có thể đeo đuổi lý tưởng mà họ đã tự nguyện dấn thân và trả giá bằng nhiều thứ.

3.
Nhân vụ 1 cụ ông 83 tuổi đi bộ lúc sáng sớm mua báo mua cà phê, bị 1 tên homeless đi ngang qua, không vì lý do gì hết, quất ông cụ một trận tàn bạo dã man, đến nỗi phải vào nhà thương trong tình trạng xuất huyết não và bể xương mặt (đọc chi tiết ở đây nè), tui nghĩ bà con nào đi thể dục (hay đi đâu không biết) vào lúc trời chưa kịp sáng hẳn, hay lúc mặt trời đã tắt, thì phải thật là cẩn thận nha, nhất là chỗ vắng vẻ, thưa người. Mấy tên khùng khùng điên điên, xì ke ma túy giờ nhiều quá nên phải đề phòng, dù biết là sống chết có số (nhưng tìm số sướng vẫn hơn, hehehe)

 
Với những phụ nữ cũng vậy nè,  mọi người coi cho biết kẻo ai đẹp đẹp xinh xinh dễ trở thành nạn nhân của chuyện bắt cóc như thế này (tui thì không sợ mấy, bởi tui biết chắc chẳng ai khiêng nổi tui quẳng vô cốp xe như thế được. heheh)