Bước ra, nhìn lại, và biết mình có gì

1.

Nghe một chị bạn ở Sài Gòn kể trên FB về chuyện con chó bông nhà chị vừa chạy ra ngoài thì bị bọn trộm chó bắt mất. Chồng chị phải nhờ nhiều nhóm tìm kiếm xem tông tích con chó được đưa về đâu. Anh đến đúng nơi có con chó cưng. Họ ra giá chuộc lại là 4 triệu (khoảng $200). Anh “lạnh lùng” bảo chỉ chuộc với giá 1 triệu và để lại số phone.

Chị đi dạy về, sốt ruột, thương chó, đích thân đi chuộc nó với giá 2 triệu (chị bảo dù chúng có đòi 4 triệu chị vẫn chấp nhận. Tui từng viết bài về những người nuôi chó và thương nó như thế nào nên hoàn toàn có thể hiểu được nỗi lòng của chị). Cứ hình dung như con mình, bị người ta bắt, chỉ trong một buổi gặp lại mà “cổ nó xây xát, đỏ ứng lên, một bên mắt bị đánh sưng húp, chân đi khập khiễng, bẩn thỉu kinh khủng” thì sẽ đau lòng đến mức nào.

Tui mừng cho chị cuối cùng đã tìm lại được “đứa con” của mình.

Tuy nhiên, đọc xong chuyện chị kể, có một điều cứ khiến tui suy nghĩ. Đó là chồng chị làm công an. Mà chị thì nhất định nghĩ “nó mà biết bác ý là CA có khi nó giết Bông luôn ấy chứ” nên chị phải hết lời năn nỉ để khi anh đến nơi chuộc chó thì đừng để bọn chúng biết anh là công an, bởi không thì không biết số phận con chó sẽ như thế nào.

Như vậy là sao?

Tui không nghĩ đây là một câu hỏi nhỏ.

2.

Tui gọi điện thoại phỏng vấn 1 cô đang là giảng viên một trường đại học, về 1 câu chuyện liên quan đến cô từ mười mấy năm về trước. Nói chung cũng chỉ là những chuyện vui, rất vui.

Khi tui mang câu chuyện đó ra kể lại cho một bạn đồng nghiệp mới nghe (đồng nghiệp này từ VN sang chưa đầy 1 năm, và có khoảng 10 năm làm việc trong các cơ quan nhà nước VN) thì bạn này nói ngay “Sao cổ dám nói chuyện với chị? Cô này gan quá!”

Tui chưng hửng. Ủa, sao lại không dám nói. Câu chuyện này là chuyện riêng của cổ, thì tại sao cổ không được quyền nói?

Bạn kia bảo, “Đó là qui định. Không ai được quyền tiếp xúc với báo chí khi chưa được phép của cơ quan chủ quản.” Và thái độ của bạn cho tui hiểu rằng, qui định đó là “bình thường” và không có gì phải phàn nàn với những qui đinh như thế.

Nghe vậy, tui chợt nhận ra là, mình đã bước ra khỏi nơi đó 10 năm nên nhìn lại, tui mới nhận ra được cái gì là bình thường và không bình thường ở nơi mình đã sống.

Thực sự, đôi khi đọc những chia sẻ của đồng nghiệp cũ  về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện xã hội, tui phải cố gắng lắm để không viết bất kỳ lời bình luận nào. Bởi lẽ, tui nhận ra cách nhìn vấn đề của tui đã khác bạn bè mình. Nên sẽ rất khập khiễng khi tui nói lên điều tui nghĩ.

Tui luôn nhớ đến câu miêu tả về nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”.

Tui tâm đắc với câu đó lắm.

Ở lâu trong sự bị kiềm tỏa thì người ta không còn nhận ra mình bị kiềm tỏa nữa, mà xem việc chấp nhận nó như một lẽ tất nhiên.

Ở lâu trong sự mất tự do, thì người ta không còn nhận ra mình mất tự do nữa, bởi điều đó là không hiện hữu thì có đâu mà mất.

Ở lâu trong nơi mà nhân phẩm con người không được coi trọng thì mình cũng sẽ quên mất rằng trên đời này còn có cái gọi là nhân phẩm.

Và ở lâu trong nơi mà chỉ có sự im lặng, cúi đầu, phục tùng thì mình lần hồi cũng không nhớ ra rằng mình có tiếng nói và biết nói.

Chỉ có bước ra, nhìn lại, mình mới biết mình đã có gì.

3.

Nhiều điều nhảy lung tung trong đầu, chưa sắp xếp được để viết ra.