Lại một chuyện không có tên

Có trùng hợp hay tình cờ không khi mà điều tui chuẩn bị viết ra đây, lại cũng là một điều gì đó liên quan đến chốn mà bài cuối cùng được publish ở blog này gần 3 năm trước từng đề cập?

Thôi thì cứ coi là duyên đi 🙂

Như có lần đâu đó tui đã nói, khi một điều gì xảy ra, tui bị choáng với nó, ngay tức thì, thì tui sẽ cố không viết ra, bởi tui sợ những chủ quan mà mình không kiềm chế được khi đó. Tuy nhiên, nếu vài ngày trôi qua, mà nỗi ám ảnh về sự kiện đó vẫn lẩn quẩn trong đầu, thì có nghĩa là, tui phải viết ra, như một kiểu giải tỏa, dù rằng, chuyện này lại có thể làm ảnh hưởng hay gây nên những ngộ nhận.

Câu chuyện tui sắp kể ra đây có thể nhiều người đã từng nghe, hoặc bản thân mình cũng đã từng là thành viên tham dự vào, nhưng vì lý do “bí ẩn” nào đó, mà không ai dám mạnh dạn kể ra (sợ quả báo chăng? Tui không biết) Thôi thì, theo tinh thần của nhà thơ Du Tử Lê – “Đi với về cùng một nghĩa như nhau” – nên với tui “thiên đàng hay địa ngục đều cùng nghĩa tui ‘die'”, nên để tui kể.

Một vị thầy tu cạo đầu (tui không biết kêu sao cho đúng, định kêu là thầy chùa thì nhớ ra ổng không ở chùa, kêu là thầy tu thì cũng có thể hiểu là người đi tu bên Công giáo. Nói cạo đầu thì mọi người hiểu là người tu bên Phật giáo liền, đúng không? Định nghĩa vậy xong thì từ giờ tui gọi là ông thầy thôi hén) đã ngoài tuổi 70, thoạt đầu ông sống trong một “đạo tràng” nhỏ thôi và cũ kỹ.

Mọi người đồn là ông thầy thuyết pháp, giảng hay lắm lắm. Thế là người ta kéo đến đạo tràng của thầy mỗi ngày một đông. Có lúc lên đến cả trăm người. Chật cứng.

Thế là một hôm, cách đây chừng hơn 3 năm, ông thầy bỏ nhỏ với vài Phật tử thân thiết là “Thầy muốn có một đạo tràng lớn hơn để có nơi cho Phật tử tu tập.” Ý thầy là ý trời. “Cha mẹ nhiều khi muốn còn không được chứ thầy muốn gì là có đó”. Phật tử nói vậy. Thế là họ đứng ra kêu gọi sự “phát tâm” của mọi người. Người 10 ngàn, người 20 ngàn, người 30 chục ngàn, và người nhiều nhất không ngần ngại “phát tâm” ký ngay cái check $185,000 để có thể kiếm được cho thầy cái đạo tràng nào coi được chút.

Sau đó, thì Phật tử cũng mua được cho sư phụ một đạo tràng đẹp như mơ, rộng cả 5 mẫu tây, nơi rất thích hợp cho sự tĩnh tâm lòng hướng về nước Phật, với giá khá hời chỉ đâu hơn 400 ngàn.

Phật tử hoan hỉ, thầy cũng vui lắm. Đạo tràng lớn, khang trang, rộng rãi nên có một số Phật tử lớn tuổi, muốn thoát khỏi sự lụy phiền của trần thế (hay nói của con cháu cho gọn) nên dọn đến ở luôn tại đây để lòng hướng Phật cho đến hồi vãng sanh thì được Phật nắm tay cho lẹ. (Mà những người dọn đến ở cũng đều là những người có đóng góp trong việc mua đạo tràng này)

Được dăm ba tháng, ông thầy nói muốn về VN làm từ thiện. Thế là Phật tử lại đứng ra kêu gọi sự phát tâm, gom góp lại được đâu cả 60 ngàn đô. Mọi người nô nức cùng thầy đi về VN làm từ thiện.

Về đến quê hương, ông thầy giới thiệu các Phật tử với 1 nữ cư sĩ bảo đưa tiền cho nữ cư sĩ đâu ngoài 40 tuổi đó, rồi bàn chuyện đi mua sắm làm từ thiện ở đâu.

Tên nữ cư sĩ này thì các Phật tử nơi đạo tràng của ông thầy không lạ, bởi họ đã phải mua không biết bao nhiêu là thẻ điện thoại để cho ông thầy gọi về VN cho nữ này mỗi tối, mà có hôm, giữa khuya, thầy đang gọi, hết thẻ, thầy làm như cháy nhà, bắt buộc phải tìm ra thẻ cho thầy gọi ngay lập tức. Phật tử luôn tin chắc rằng ông thầy gọi về để thuyết pháp từ xa.

Tuy nhiên, trong lần hội ngộ này, nhiều Phật tử ngỡ ngàng, bởi  họ nhận ra ngay lập tức giữa hai người này không chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa Phật tử và sư phụ. Mà là một mối quan hệ “trên mức tình cảm”. Làm sao mà biết? – Tui đã hỏi như thế.

“Trời ơi, feelings cho chúng tôi biết. Chỉ nhìn cử chỉ, cách nói năng là sẽ hiểu ngay điều gì.” Những Phật tử ở tuổi có cháu nội, ngoại nói với tui như vậy.

Toàn bộ số tiền gom góp mang về, theo lời ông thầy, họ phải đưa hết cho nữ cư sĩ kia. Để rồi sau đó, cảm thấy quá uất ức khi thấy số tiền họ mang về được đưa đi làm từ thiện chỉ hết khoảng 1 nửa, còn lại vẫn ở trong bóp của nữ cư sĩ mà không biết nói như thế nào ngoại trừ rón rén hỏi ông thầy, mà ông thầy thì làm lơ.

Ức, tức, và cả thất vọng về ông thầy mà mình tôn sùng bởi những “khám phá” bất ngờ, nhiều Phật tử thân tín đã lẳng lặng rút lui, không lui tới đạo tràng nữa.

Mọi việc cứ thế trôi đi, nhiều Phật tử còn tôn thờ ông thầy vẫn chu cấp đầy đủ những gì ông thầy đòi hỏi, dĩ nhiên cả chuyện luôn phải có thẻ điện thoại cho thầy gọi về VN cho nữ cư sĩ.

Cho đến cách đây hơn 1 năm, sau 1 tuần chay thất gì đó, có 1 ni cô ngoài 45 tuổi, không ai rõ từ nơi nào đến, đã tự động ở lại hẳn trong đạo tràng – điều mà các Phật tử cho rằng là sai với giáo điều nhà Phật, vì nơi tăng trụ trì thì chỉ có tăng ở, không thể có ni vô ở chung được.

Vậy mà ni cô ngoài 45 này cứ ở lỳ ra đó.

Rồi thì những Phật tử sống tại đạo tràng khám phá ra một sự thật động trời là tối tối ni cô lại đi xuống nơi ở của riêng ông thầy!

Một người thấy, 2 người thấy, 3 người thấy, và nhiều người thấy. Những ai nhìn thấy sự thật oái ăm và lên tiếng hỏi thì sau đó cũng đều lặng lẽ rời khỏi đạo tràng, trở lại chốn nhà mình. “Sư phụ không nói tiếng đuổi, nhưng những lời sư phụ nói rất khó nghe, mà chúng tôi đều là người già cả rồi, chúng tôi có lòng tự trọng của mình.” Vậy là họ lần lượt ra đi.

Cho đến ngày, trong đạo tràng chỉ còn lại có ông thầy, nữ ni cô và 1 thầy phó trụ trì.

Không biết ông thầy nói bóng gió xa gần gì đó, mà thầy phó trụ trì cũng ngầm hiểu là ông thầy muốn mình biến luôn, thế là ông phó gọi điện thoại thông báo cho những Phật tử từng một thời tin cẩn để tìm xem có cách nào giải quyết.

Thế là Phật tử ngộ ra một điều là quyết không để ông thầy tiếp tục sa ngã, thế là họ lại rủ nhau kéo về lại đạo tràng tìm cách giành lại những gì những tưởng sắp mất.

Một mặt họ cật vấn ông thầy. Một mặt họ theo dõi ni cô.

Sau cùng, họ phát hiện ra là ni cô này có một “thói quen” là lén thu âm lại tất cả các cuộc nói chuyện giữa mọi người trong đạo tràng.

Họ tịch thu được cái máy thu âm. Và sau nhiều tiếng liên tục ngồi nghe cho hết những gì có trong máy ghi âm đó, họ shock.

Bởi, nó không chỉ là ghi âm lại các cuộc nói chuyện giữa các Phật tử mà ni cô còn thu âm luôn hết tất cả những cuộc trò chuyện giữa ni cô và ông thầy, đặc biệt là những voice message mà ông thầy nhắn lại cho ni cô, khi mà thầy gọi nhưng ni cô bận giận dỗi vì ghen tuông với nữ cư sĩ ở VN nên không thèm bắt phone. Nội dung các voice message đã tự tố cáo mọi điều.

Với bằng chứng đó, họ ép ni cô phải rời khỏi đạo tràng.

Trong lúc phụ ni cô thu dọn hành lý chất lên xe, các Phật tử lại thêm shock một lần nữa khi thấy sao mà ni cô có quá nhiều quần áo của đời thường, từ đầm đến vest, và cả giày Coach.

Đuổi được ni cô đi rồi, các Phật tử muốn tiếp tục truy vấn ông thầy với “hy vọng là cho mọi chuyện sáng tỏ, để không còn những điều như thế xảy ra.” Tuy nhiên, các Phật tử chưa kịp “ra tay” thì ông thầy lên tiếng trước: sư phụ từ chức trụ trì và sẽ rời khỏi đạo tràng này.

Nghe vậy, các Phật tử xụi lơ. Tinh thần từ bi hỷ xả của nhà Phật được phát huy tối đa. Ai nỡ ép thầy vào đường cùng. Dù rằng lúc đầu mọi người muốn lên tiếng để cho ai cũng thấy được mặt trái của một người tu hành để những ai còn tô sùng hãy tỉnh ngộ ra. Nhưng giờ ông thầy thối lui rồi, thì thôi, bỏ, bỏ, bỏ hết.

Ừ, vậy cũng xong. (Dù rằng khi nào ông thầy rời khỏi đó thì là điều không được nói ra rõ ràng)

Chỉ có mình tui, vô tình phải dỏng lỗ tai lên để nghe cho hết cái giọng ông thầy năn nỉ ni cô thì lại bị ám ảnh, chưa biết làm sao dứt ra được. “Thôi, đừng giận nữa, đừng nghĩ ngợi lung tung, lúc trước sư phụ có nói chuyện nhiều với A nhưng từ ngày biếtB thì đâu còn nói nhiều nữa, chỉ khi nào có chuyện cần thì nói 1 vài câu thôi. B không để ý thấy sao. Giờ sư phụ đâu còn nói nhiều với A nữa đâu. Từ lúc biết B, hiểu được B rồi thì trong lòng chỉ có thương B thôi. Đừng giận nữa nghe. Đừng buồn nữa…..”

Tui không là một người mộ đạo, nhưng trong mắt tui, những người tu hành khác lắm. Phải rất là khác. Bởi niềm tin tôn giáo của con người là thiêng liêng. Mà các ông thầy là người đại diện.

Có thể ai đó cho rằng, thầy tu có tóc hay cạo đầu cũng đều là người, cũng đều có hỷ nộ ái ố của con người. Nên đừng trách họ. Tui không đồng ý. Bởi, nếu họ là người trần mắt thịt như tui, họ yêu thương bao nhiêu cũng là quyền của họ. Nhưng đã là tu, là con đường họ chọn, thì không thể dẫn lý lẽ của một người trần tục như tui để mà bao biện. Ngay cả khi chọn nghề, chọn việc, người ta còn phải tuân thủ theo quy tắc nghề nghiệp của mình, thì đi tu cũng phải nằm trong quy tắc của đi tu.

Nhưng thêm một điều oái ăm tui cũng không thể hiểu: tại sao con người lại tiếp tục có niềm tin vào những điều tệ hại đang diễn ra trước mắt như thế?

Những vị tu hành, có bị biến chất, phải chăng cũng từ sự tiếp tay của chính những con chiên, phật tử?