Đánh vợ ở Mỹ – có không?

Rõ ràng là chưa dứt câu:

“Tôi đang mơ giấc mộng dài/ Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh”

thì mấy cha nội kia thiếu điều như mang đại bác tới bắn luôn ngay bên lỗ tai 🙂

Thiệt tình là tui không muốn mang tiếng làm “người ruồi gây máu lửa” hay là một “troublemaker” nên tui tu mấy hôm nay. Tại mấy người kêu tui thức nên nếu có chuyện gì tui mang ra kể bậy bạ nữa là tại mọi người nha 🙂

Thức rồi thì việc đầu tiên là đi ăn cái đã, hehehe

Quên nói với mọi người là nhóm tụi tui đang trong cái project viết về một chục cái nhà hàng ở Little Saigon với sự bảo trợ của hãng Toyota nha.

Sở dĩ phải nhắc lại là bởi vì tui làm mấy món này thấy cũng được mà hỏng ai nói gì hết trơn, rồi ai biết làm sao để mà nấu tiếp 6-7 món còn lại 🙂 Cho nên, xài luật rừng, ép mọi người ăn… bằng mắt rồi nói tui nghe là ngon dở thế nào (Nói rồi mới cho tám :p )




Giờ bắt đầu tám nè:

Trong bài trước, hình như thầy lý có nhắc đến tệ nạn đánh vợ ở Việt Nam, phải không?

Chuyện đàn ông ở Việt Nam đánh vợ te tua tơi tả như giẻ rách thì tui chứng kiến rồi, từ khi còn nhỏ ở trong xóm, đến khi lớn lên có gia đình cũng thấy ở trong xóm. Sợ. Rất là sợ.

Nhưng hình như nỗi sợ trong những lần tình cờ nhìn thấy đó, vẫn không khiến tui cảm thấy đến rợn người khi cách đây mấy tháng tui được nghe một cô kể chuyện “hậu trường sân khấu” về một ông nghệ sĩ nổi tiếng, từng là thần tượng, là nổi tiếng “ga-lăng” với biết bao người “trừng phạt” vợ mình như thế nào về tội “đi học nhảy đầm”, mà người yêu cầu cô vợ này đi học nhảy đầm chính là ba má chồng của cổ nha.

Tui nhớ lúc cô đó kể, tui chỉ nghe thôi mà da tui nó nổi gai lên hết 😦 Tui hình dung ra ông đó trói hai tay cô vợ vô song cửa sổ, rồi tuốt dây nịt ra và quất… 😦

Sau đó, ổng lấy lưỡi lam ra và bắt đầu cạo đầu cô vợ 😦

Chưa hết, mỗi tối ông đi diễn, ổng bắt cô vợ phải đi theo, ngồi ngay cái ghế ổng để sẵn, để từ trên sân khấu ổng nhìn xuống là thấy cổ.

Mà chó chết một điều là ông đó lại cũng nổi tiếng là đào hoa, lắm đào lắm bồ lắm con luôn nghe.

Tui nghe kể, tui vừa thấy phẫn uất, vừa thấy ghê sợ, vừa thấy khốn khổ khốn nạn cho người phụ nữ.

Nhưng đó là chuyện ở VN, ở thế kỷ trước.

Trong khi ở Mỹ, vừa mới đây thôi, tui lại được nghe một bà kể rằng bả bị chồng đánh, em chồng đánh một tuần 7 bữa trong suốt hai mươi mấy năm (ở Mỹ), cho đến lúc bả ly thân được ổng là năm 2009 và ly dị năm 2011.

Mà không chỉ bà bị đánh mà mấy đứa con cũng bị, mà những đứa đó lại là những đứa lớn lên ở Mỹ này.

Tui nghe và ngạc nhiên đến sửng sốt. Tui hỏi chẳng lẽ bả chịu như vậy? Tại sao bả không gọi cảnh sát?

Bả nói cảnh sát có đến thường chứ, nhưng mà toàn là do hàng xóm gọi thôi, chứ chưa bao giờ bả hay các con bả gọi.

Tui lại hỏi, các con bả đi học ở đây, chẳng lẽ nó thấy chuyện đó là bình thường? Bả bảo bả dạy con theo kiểu Việt Nam, rằng đó là ba nó. Ổng có làm gì cũng không được cãi, không được gọi cảnh sát.

Mà cũng chính vì vậy nên có thể hiểu tại sao khi ổng ly dị bả, mấy đứa con mừng, dù người nào cũng đã ngoài 20.

Theo lời bà này kể, thì sau khi ly dị 2 năm, tức đến năm 2013, bả mới tá hỏa lồng đèn là ổng có tới 3 đứa con riêng ở VN, mà đứa lớn nhất đã 20 tuổi, chỉ nhỏ hơn thằng con út bả vài ba tuổi. Bà nói không biết đó có phải là lý do ổng đánh bả, khi mà bả thấy sao tiệm kinh doanh thì đắt mà tiền thì không thấy đâu.

Mới đây, ông này trở lại xin bà đến phụ giúp công việc ở tiệm, sau khi bị mấy nàng lớn nhỏ ở VN “lột sạch”. Mấy đứa con không chịu. Trong khi bà thì bảo, “Thôi, kệ ổng, dù gì ổng cũng là ba tụi con.” Vậy là bà cứ để ổng đến đó kiếm cơm, tối về nhà ổng ngủ. Vậy thôi, “Đàn bà VN mà NL”

“Cô là hên là ly dị được rồi, chấm dứt cảnh bị đánh rồi. Chứ nhiều bạn bè cô ở đây cũng bị chồng đánh hà rầm. NL không tin hả?” – bà nói với tui như vậy.

Chuyện này là sao mọi người?