Thiên hạ sự

1.
Ai biểu dựng chuyện

Một bà viết thư vô tòa soạn cho một mục trên trang PN để hỏi ý kiến.

Dựa theo những gì bà viết trong thư, tòa soạn góp ý kiến, độc giả góp ý kiến, thẳng thắn, chân tình và khách quan (vì có biết đó là ai đâu mà thiên vị, chủ quan :p ).

Đại loại, bà nói bà có 2-3 jobs, có nhà cửa hẳn hoi, rồi bà quen 1 ông, ông cũng có nhà, nhưng ông cũng lăng nhăng, nhất là vừa quen bà vừa tỏ ra thân mật với một bà ABC nào đó. Giờ bà phải làm sao?

Ai nhìn vào những gì bà kể, cũng đều phán 1 câu như nhau: thì bà và ông cũng chỉ là bồ bịch thôi, bà không chịu nổi ông như vậy thì bà về nhà bả ở. Có gì đâu mà kêu than.

Tuy nhiên, khi thư bà được đăng lên thì ít hôm sau bà gọi điện thoại vào tòa soạn gặp người phụ trách mục thư tư vấn đó và khóc quá trời. Nói rằng ông bồ bà đã đuổi bà ra khỏi nhà.

Người phụ trách mục đó nghe vậy, bèn nói, ‘Đuổi thì đi, chị có nhà, có công việc, thì sợ gì!’
Lúc đó, bà càng khóc và thú thiệt rằng thì là bà không có nhà có job gì hết, bà đi du lịch sang đây, quen được ông, ông bảo lãnh cho bà ở lại, có thẻ xanh, có quốc tịch, và đang làm hồ sơ bảo lãnh các con bà sang.

Nhưng vì bà ghen với 1 người bạn tự thuở nào của ông nên bà quậy, rồi bà bịa chuyện viết thư hỏi ý kiến.

Có điều, bà quên rằng, báo thì ai cũng đọc, chuyện nọ giống chuyện kia, tình cảnh người này có thể giống tình cảnh người nọ, nhưng cũng có những chi tiết mà người trong cuộc nhìn vào là biết bà đang nói gì, nói ai. Mà bà lại nói không đúng nữa.

Vì sự ghen tuông mà bà nói những điều không đúng sự thật, giờ thì ông không chỉ đuổi bà ra khỏi nhà mà hồ sơ bảo lãnh các con bà, ông cũng rút tên ra, không làm nữa.

Thiệt thòi về ai đây?

  1. Phải biết tôn trọng luật chơi

Một độc giả gọi điện thoại tới nói rằng ông coi buổi gặp gỡ giữa ông đại sứ Ted Osius với cộng đồng Việt Nam, và ông cảm thấy nổi giận với anh chàng trẻ trẻ điều hợp chương trình.

Lý do nổi giận là gì? Vì theo ông, anh chàng đó không lễ phép, không tôn trọng người phát biểu, dám giựt microphone từ một bà đang phát biểu – mà bà đó đang lên án tụi CSVN, lên án việc Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ… vậy mà “nó” giành micro lại, chứng tỏ “nó” là Việt Cộng cài vào rồi. Ông đề nghị báo chí truyền thông ở đây phải làm cho rõ vụ này. Nhất là đây là xứ tự do, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, thì càng không thể nào chấp nhận một sự giành lại micro như một hình thức bịt miệng người dân vậy. Không thể chấp nhận được. Đề nghị phải đuổi chàng thanh niên đó ra khỏi những cuộc họp, những buổi meeting của cộng đồng.

Sau khi cho ông độc giả nói một hơi một hồi, tui hỏi “Hôm đó bác có mặt tại đó không?”

  • Không, tui không có mặt. Tui chỉ coi lại trên TV thôi.

-OK, con chỉ có thể giải thích với bác một cách sơ lượt thế này. Thứ nhất, người điều hợp chương trình đó là anh Lý Vĩnh Phong, phụ trách văn phòng dân biểu liên bang Alan Lowenthal, nơi đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ này nên nói rằng anh là Việt Cộng cũng khó. Thứ hai, do số lượng người muốn đặt câu hỏi với ông đại sứ rất nhiều, nên ngay từ đầu, ban tổ chức đã quy định mỗi người chỉ có 30 giây để nêu thẳng vào câu hỏi, không chào mừng, cám ơn hay trình bày ý kiến, quan niệm, suy nghĩ gì hết. Và mỗi người chỉ được hỏi 1 câu mà thôi. Tuy nhiên, vì người phụ nữ mà bác nhắc đến đã không thực hiện điều này, bà nói quá dài dòng, không đi vào vấn đề, và sau khi đặt 1 câu hỏi rồi, bà lại muốn nói tiếp nữa nên anh Lý Vĩnh Phong mới đề nghị bà phải ngưng lại cho người khác hỏi. Nhưng bà nhất định không trả micro và cứ tiếp tục nói. Anh Phong không hẳn là giựt lấy lại micro, mà anh buộc phải chờ đến lúc bà kia đưa trả lại.

Tưởng rằng giải thích vậy thì ông đã hiểu, ai dè, ông làm thêm một tràng: Luật gì thì luật chứ, đây là xứ tự do, phải để cho người ta nói hết những điều người ta muốn nói cho ông đại sứ nghe, chứ đâu có thể hành xử như vậy được. Với văn hóa của người Việt Nam mình thì cắt ngang điều người lớn nói cũng là vô phép, không chấp nhận được. Đây là Mỹ mà.

Hehehe, nghe đến đây biết là gặp “thứ dữ” rồi, tui nói: Ok bác. Cám ơn bác đã gọi điện thoại đến.

Nhưng, ông hỏi tiếp: vậy sẵn đây cô cho tôi biết là điều tôi vừa nêu ra có đúng không? Cô có nghĩ là các cơ quan truyền thông ở đây sẽ làm sáng tỏ vụ này không?

Tui đứng hình mất vài giây và nói, “Dạ điều đó còn tùy thuộc vào cái nhìn của những cơ quan truyền thông có mặt tại đó ạ.”

Ông khách bỗng dịu giọng: cô nói vậy tôi hiểu rồi. Cám ơn cô đã cho tôi được nói ra hết những gì tôi nghĩ sau khi xem TV.”

Hehehehe, thiệt tình là có đi dự những buổi như vậy mới thấy nhiều chuyện vuiiiiiiiiiiii.

Đâu cần nói chi đến “thường dân” ít khi có dịp phát biểu nên không biết cách nói sao cho ngắn gọn, đi ngay và luôn vào vấn đề, mà cả các ông các mợ quan chức của mình cũng rứa. Được dịp là làm ngay 1 bài diễn văn liền.

Nhớ hôm đó dù đã nghe thông báo về “luật chơi” nhưng mà vị dân cử đầu tiên đầu tiên được mời lên đặt câu hỏi đã bắt đầu bằng “Tôi đã nghe về quy định này nên tôi sẽ không nói lời chào mừng. và toàn bộ lời chào mừng của tôi nằm trong những tờ giấy này, tôi gửi nó để ông mang về đọc. và bây giờ tôi xin được giới thiệu, tôi là…..” hahahahahha.

Thiệt tình là muốn kêu “xuống đi!” thay vì bình thường kêu “má ơi”

Tui chỉ có một mơ ước là trong những buổi như thế, tui được làm người đứng ngay chỗ dàn âm thanh. Cứ hễ ai vừa nói qua giây thứ 31 là tui tháo dây điện micro, chỉ có muốn vậy thôi à 🙂