Những chuyện quanh Little Saigon

1.

Trước hết là chuyện gạt người thuê nhà một cách ngoạn mục

Một căn nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm ở ngay vùng Bolsa đăng báo cho thuê với giá $1,600 (có khi lên xuống 1 chút). Người muốn thuê gọi đến muốn xem nhà thì sẽ thấy 1 người đàn ông đi từ căn nhà phía sau đó ra và dẫn đi xem. Điều đặc biệt là căn nhà này không có điện, bathroom không có vòi nước, không có bồn cầu, không có bồn rửa mặt… nghĩa là nhà cần phải có thời gian sửa chữa thì mới có thể vào ở được. Tuy nhiên, do giá thuê 1 căn nhà như thế ngay trung tâm Little Saigon là quá rẻ, lại thêm chủ nhà hứa sẽ cho sửa chữa mọi thứ trước khi dọn vào (thời gian được hứa thường kéo dài từ 1 tháng trở lên) nên người muốn thuê chấp nhận đặt cọc ngay, có người còn trả luôn tháng tiền nhà đầu tiên theo yêu cầu của người cho thuê.

Đến trước ngày khách move in thì người đàn ông đó gọi điện thoại báo nhà sửa chưa xong, phải dời lại hoặc trả tiền lại.

Dời lại thì không biết đến bao giờ, nên người đàn ông đó lại bảo sẽ trả tiền cọc lại, nhưng đó chỉ là lời hứa. Hứa ngày này qua tuần kia đến tháng nọ, rồi… xù.

Và căn nhà vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng như vậy. Và không biết bao nhiêu người đã là nạn nhân của tên này.

Cho đến một ngày, cũng bổn cũ soạn lại, cùng 1 ngày có đến 5 gia đình dọn đến, trong đó có 1 gia đình người bản xứ. Tên kia cũng vẫn đưa lời đề nghĩ nhà chưa sửa xong, không ở được, và đề nghị trả lại tiền, nhưng gia đình người Mỹ kia bảo nếu không đưa chìa khóa vào nhà thì họ sẽ kêu thợ bẻ khóa.

Bản chất dân Việt hay sợ dân Mỹ nên tên kia đành nhượng bộ. Thế là từ đó ngôi nhà đó có người ở bên trong, mặc dù họ phải kêu người đến để sửa chữa lại cho thành một nơi có thể sinh sống.

Và cũng từ ngày ở trong ngôi nhà đó đến giờ chưa đầy 6 tháng, họ bảo có không dưới 50 gia đình đã đến gõ cửa để nói chuyện họ đã trả tiền để thuê căn nhà đó!

Dĩ nhiên, kịch bản từ khi có gia đình người Mỹ ở có thay đổi 1 chút, là “gia đình đó sẽ dọn ra trước khi người thuê mới đến.”

Và cũng gia đình người Mỹ này phát giác ra rằng tên kia cũng chỉ là người thuê căn nhà đó rồi đăng báo cho thuê lại để lừa gạt như vậy.

Điều trớ trêu là mặc dù nhiều người báo cảnh sát, nhưng cảnh sát chỉ làm report và yêu cầu tự giải quyết (có thể vì số tiền không nhiều và tất cả đều đưa tiền mặt.)

Làm cách nào để người thuê nhà tránh được chuyện này?

2.

Kế tiếp là chuyện người vô duyên

Chiều tối Thứ Bảy đi làm ra, chạy luôn đến khu chợ ABC để mua bánh mì.

Một chiếc xe chạy trước quẹo vô parking trước tui một khúc.  Đến phiên tui bẻ lái để vào chỗ đậu phía bên trái của chiếc xe đó thì đang từ từ chạy vô thì cánh cửa phía người lái xe bất thình lình mở ra quất một cái “bum” vào ngay bên phải của front bumper xe tui.

Chời ơi. Tui thắng xe lại ngay đó và mở cửa bước xuống. Người đàn ông lái chiếc xe kia chẳng buồn quay lại hỏi ngay tui có bị gì không mà chỉ đứng vuốt cái cửa xe của hắn bị móp vô một chút. Tui nhìn cái xe mình như bị cắt một đường dọc do cánh cửa xe kia quất vô. Lão kia sau một hồi vuốt ve cái cửa thì giương mắt nhìn tui và nói “Sao chạy xe không nhìn?” Má ơi. Máu có muốn bốc lên đầu không.

Tui ráng câm cái miệng lại và nói để tui chạy xe thẳng vô parking cho đàng hoàng, sợ cản đường xe khác. Xong tui bước xuống. Cha kia cũng vừa vuốt cái cửa xe cũng vừa hỏi “Sao chạy xe không nhìn?”

“Tui quẹo vô parking sao anh mở cửa anh không nhìn?” Tui nghĩ chắc mắt tui lúc đó bự như 2 cái đèn pha.

Lão hỏi “Giờ làm sao?”  – “Thì tui đưa bảo hiểm cho anh , anh đưa bảo hiểm cho tui chứ sao.”

Chạy xe mà có xảy ra chuyện va quẹt cũng không là chuyện quan trọng. Nhưng 2 lần tui gặp phải người non-Vietnamese là 2 lần câu đầu tiên khi bước ra khỏi xe đều là “Are you ok?” và câu đó được nhắc lại ít nhất thêm 1, 2 lần nữa trong quá trình trao đổi bảo hiểm.

Tuy nhiên, 2 lần gặp phải 2 ông Việt Nam là 2 lần mắt tui muốn mang hình viên đạn luôn. Lần trước thì không phải tui, mà là cô bạn làm thầy cò chung, ngay tại parking người Việt, cách đây cũng nhiều năm. Cô đang chờ vô parking thì một chiếc xe lùi ra tông cái rầm vô ngang hông xe cổ. Đụng khá nặng.

Thế nhưng cha nội kia xuống xe đã không hỏi cô kia đang thất thần xanh mặt mày là có sao không, có bị gì không, mà bước ra chửi xa xả luôn! Như thể cổ là người gây nên tội lỗi. Và cái câu tệ hại nhất mà tui còn nhớ là khi mấy anh trong tòa soạn chạy ra để giúp lấy bảo hiểm, thì ông ta còn sưng xỉa, “Không biết là nó có bảo hiểm không, đến tuổi chạy xe chưa?” What the hell.

Dĩ nhiên sau đó là phần làm việc của bảo hiểm, lỗi thuộc về cha nội kia.

Giờ thêm cách hành xử của tên mà tui mới gặp, tui tự hỏi “sao người ta có thể bỏ nhiều tiền ra mua chiếc xe láng cóng đời 2015 để lái mà cách hành xử có văn hóa được dạy free trong những trường hợp thế này họ lại không biết học nhỉ?”

Tui lại chợt nhớ cách đây vài năm, có một sáng đưa thằng nhóc đi học, khi về đến gần nhà thì chiếc xe bỗng chết máy. Tui và “bồ cũ” phải đẩy. Lát sau, thấy có một anh chàng quần tây áo sơ mi rất bảnh tỏn tấp chiếc xe vào một nơi đậu gần đó và chạy đến đẩy giúp một đoạn, rồi xin lỗi là phải lái xe đi làm tiếp. Lè lưỡi đẩy thêm chút nữa thì thấy một anh chàng đang đứng trước nhà, từ bên kia đường, băng qua đẩy phụ cho một đoạn.

Rồi thì tụi tui cũng về được đến nhà. Nhưng điều thắc mắc của tui vẫn nằm ở chỗ: cả hai người giúp đều không phải là người Việt Nam, mà tui thì đang đi trên con đường được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn.

Vậy là sao?