Cái sự học và lễ ra trường

1.

Mỹ đang trong thời kỳ rầm rộ của các lễ ra trường, đủ các cấp.

Lễ ra trường ở Mỹ, đặc biệt ở trung học và đại học, cao đẳng khác lắm so với “lễ trưởng thành” ở bậc trung học (chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây) cũng như lễ tốt nghiệp ở bậc đại học tại Việt Nam.

Cái khác chính yếu nhất nằm ở chỗ sự hiện diện của gia đình, bạn bè, người thân của đứa học trò vừa hoàn thành 12 năm đèn sách hay của người vừa hoàn tất một mảnh bằng để tự tin bước vào đời kiếm việc mưu sinh. Việt Nam chưa có được nét văn hóa này, dù rằng một vài nơi cũng đang tập tành, nhưng chính yếu vẫn dành cho những đứa học trò, những sinh viên xuất sắc.

Mà cũng chính từ điểm khác này mà kể từ lúc qua Mỹ, mỗi lần có dịp dự lễ ra trường của người thân trong gia đình là mỗi lần tui phải lén chùi nước mắt.

Tại sao vậy?

Tui bị ám ảnh bởi câu nói của anh trai tôi, người đi vượt biên năm 16 tuổi, dù chỉ 1 lần anh nói thoáng qua: “Nhớ hồi lúc anh ra trường, chung quanh ai cũng có ba má, gia đình, người thân, còn anh lủi thủi có một mình à.”

Sâu hơn nữa, là câu chuyện của ba tui. Tui cũng nhớ, “Ngày vô lính, ai cũng có gia đình đưa đi. Còn ba chỉ có mình ên à.” Năm đó ba tui cũng ở tuổi mười mấy.

Vậy thôi. Mà ám ảnh.

Mỗi lần nhìn hình ảnh  gia đình đông đúc xúm xít chúc mừng nhau ở lễ ra trường là thế nào trong tui cũng một lần nhói lên cảm giác lẻ loi, cô độc mà anh tui, ba tui từng trải qua. Và thế là nước mắt chảy. Phải lén lén nhìn đi đâu đó, chùi lẹ, quẹt lẹ.

2.

Tuần rồi tui đi dự lễ ra trường của anh lớn tui.

Nếu so với tấm bằng bác sĩ của bao người thì chứng chỉ của một kỹ thuật viên siêu âm tim của anh tui có lẽ không đáng gì. Nhưng với tui, những gì anh đạt được, 4 chứng chỉ siêu âm ở 4 lãnh vực khác nhau, sau 9 năm đến Mỹ, khiến tui cảm thấy rất tự hào về anh mình và cả cảm phục chị dâu tui nữa.

Từ một bác sĩ nhi chuyên khoa cấp 2 với một phòng mạch đông bệnh nhân đến mức nhiều người mơ ước, anh từ bỏ hết để mang gia đình sang Mỹ.

Phải học lại, đó là quyết tâm của anh. Nhưng ôm sách mà vật lộn với thứ tiếng Anh thôi cũng đã bở hơi tai, chưa tính đến cái đầu phải lo tiền sinh sống chi tiêu thế nào, việc làm nhà cửa ra sao. Quan trọng hơn, là khốn khổ với thằng con ở tuổi teenage giở chứng ngựa hoang. Nỗi khổ này có thể khiến tinh thần bậc làm cha mẹ như muốn tê liệt.

Xót anh chị mình, có lần tui phải thốt lên “Đuổi nó ra đường cho đời dạy nó. Cực với nó bấy nhiêu đủ rồi!”

Nói vậy, nhưng chính bản thân tui cũng có thể nào yên lòng nếu đó là con tui.

Cú sốc này, sự mệt mỏi khác cứ cuốn vào, quấn theo anh chị tui.

Vậy mà lần hồi, anh cũng cố, cố. Lượng sức không theo nổi chương trình thi tương đương để lấy bằng bác sĩ, anh chọn ngã rẽ khác, thích hợp với mình hơn.

Ở tuổi 52, nhìn anh lên nhận bằng, tui chỉ  muốn nói rằng, “Anh L. giỏi quá!” và cám ơn chị dâu tui, đã nhẫn nại cùng anh vượt qua chặng đường không hề dễ dàng đó.

3.

Còn tui. Chả biết làm nên trò trống gì.

Lại nhìn tương lai mình thế này thì chỉ còn nước đi đập đầu vô gối mà chết cho rồi 😦

Tu vi