Chánh kiến – Tà kiến

1.

Lấy mấy chữ đó làm tựa cho entry để cho biết là hôm nay tui đã có thể hiểu được – ở trình độ cơ bản nhất – rằng chánh kiến là gì và tà kiến là sao 🙂

Túm lại một chút ở đây cho những ai chỉ có đọc entry mà không đọc còm 🙂

Theo cậu Joe thì “Chánh kiến là Right View, cái nhìn đúng về sự kiện, nó là nó. Thí dụ con voi thì bự, có bốn chân, vòi. Nếu mình có chánh kiến thì thấy con voi thì bự, có bốn chân, có vòi… Khi mình không có chánh kiến, không có right view, thì view của mình là wrong view, là tà kiến.”

Theo mợ Mẹ Gấu thì “Chánh kiến tức là nhìn cái gì cũng đúng như là nó, không quẹo ngang, không quẹo dọc, không to ra, không nhỏ vào. Giống như thấy gái đẹp thì biết gái đẹp, không nghĩ tới chuyện ôm cô này hun chắc đã lắm”

Cậu Tâm thầy lý thì suy luận “chỉ những bậc tu hành hay có căn tu thì có chánh kiến nhìn sự việc thông suốt. Còn người phàm mắt thịt phần đông còn tà kiến thì chỉ thấy sự việc ở một góc cạnh nào thôi. Phải cố gắng rèn luyện chân tu để có ngày nhận ra chánh kiến.”

Với cách giải thích của cậu Joe và mợ Gấu Mẹ, trên lý thuyết nghe thật đơn giản. Nhìn cái gì thì hãy là cái đó. Đừng có suy diễn rồi thành tà kiến lúc nào không hay.

Nhưng quả thực, trong thực tế nếu cứ “chánh kiến” theo lý thuyết đó thì… “đời ta có ai vừa qua” lúc nào chẳng hay 🙂

Tui lấy ví dụ hén: hồi năm nhất ở đại học, mới chân ướt chân ráo vô trường chưa bao lâu thì có một anh chàng cùng lớp, lúc giờ chơi, kêu tui ra phía hành lang vắng và bỏ vào tay tui mấy cục kẹo. Lúc đó tui có chánh kiến rõ ràng nha: bạn cho tui kẹo hả? Cám ơn nha. Rồi lột kẹo bỏ vô miệng và thủng thẳng vô lớp, mời 1 nhỏ bạn khác ăn kẹo chung cho vui. Nhỏ đó hỏi kẹo ở đâu. Tui nói “bạn kia cho” Nhỏ này chạy ra túm áo tên kia hỏi “Sao cho bà Lan kẹo mà hỏng cho tui?” Anh chàng ậm ừ nói “hết rồi.”

Cho đến lúc tui sắp đi lấy chồng, khi đó đang học năm thứ 3, trong một giờ ra chơi, tui và nhỏ bạn kia cùng vài đứa nữa ngồi xòe tay cho tên đó… coi bói. Chả nhớ hắn bói cái gì, chỉ biết là dây cà dây muống gì một hồi hắn nhắc lại chuyện cho tui mấy cục kẹo. Anh chàng kể chung với cả đám là “Lúc đó mình cho cái Lan kẹo, mình nghĩ rằng Lan phải hiểu chứ, có đâu mà ăn tỉnh bơ rồi còn vô khoe nữa!”

hahahaha, khi đó, “chánh kiến” tui mất rồi, bằng “tà kiến” tui mới hiểu: à, thì ra cho kẹo không phải để cho kẹo mà muốn cho thứ khác. Hahahaha

Vậy trong chuyện này, nên nhìn sự việc bằng “chánh kiến” hay “tà kiến”? hahahaha

Theo cách suy luận của cậu Tâm thầy lý, thì tui thấy tui nằm trong số đông có nhiều tà kiến, nhìn 1 hành động, 1 cử chỉ, 1 một lời nói với những thông điệp đi theo nó, chứ không phải chỉ giản dị như cứ nghe “Anh yêu em” là lòng hân hoan sung sướng “ừm anh ấy yêu mình” mà không cần mở thêm mắt “tà kiến” ra để thấy “ủa, anh yêu em mà sao chả bao giờ em thấy anh để mắt tới em, chả bao giờ thấy anh thể hiện sự vui buồn  cùng em, mà chỉ thấy anh suốt ngày xót xa cho người này, thương cảm cho người kia, trêu đùa với người nọ?” Hehehehe, tui nhận mình là người trần mắt thịt.

Để luôn luôn có “chánh kiến” theo lý thuyết trên, tui nghĩ trên đời chỉ có 2 loại người có thể làm được: thứ nhất là các vị chân tu đã được tạc tượng, thứ hai là những người… khờ, nói sao biết vậy.

Hehehe, nói vậy tui không có ý bài xích khái niệm “chánh kiến” nha. Bởi thực sự trong đời sống, tui vẫn cho là mình có chánh kiến đó chứ. Thí dụ như ai đó nói tui ù, thì tui tin là tin ù, không suy nghĩ quẹo ngang quẹo dọc là người đó đang chọc tui, hay có ý định bán thuốc giảm cân cho tui. Ai nói tui hiền, là tui “chánh kiến” liền là tui hiền, mà không bao giờ nghĩ là họ nói xiên nói xỏ, vì thực tế là tui hiền, ai cũng công nhận như thế.

Tuy nhiên, thực tế đời sống không thể lúc nào cũng mang cái “chánh kiến” giản dị đó mà soi hết được. Chết có lúc.

Cho nên, khi nhìn sự việc khác đi cái đang diễn ra trước mắt, chưa hẳn đã là tà kiến.

Chắc nói đến đây là nghe  phát mệt rồi. Nhưng ai có muốn giải thích thêm thì tự nhiên nha 🙂

À, mà tui cũng có một cái thắc mắc giống như thầy lý, là nếu có người đã biết chắc “chánh kiến” là gì, nhưng họ lại cứ phải dùng “tà kiến” để suy nghĩ thì đó gọi là cái gì?

2.

Cuối tuần này tui học thêm được một vài bài học cuộc sống rất thú vị.

Tối qua, khi tui và “bồ cũ” vừa mới bước chân vào nhà ông Noel (tui gọi “ông bạn già này là ông Noel, vì ổng rất giống… ông Noel), thì nghe tiếng mọi người ngỡ ngàng “ủa, NL tới kìa” hehehe thì ra họ đang nói với nhau, rằng thì là, từ lâu lắm rồi, họ mời tui đi đâu, tui cũng ừ hết, nhưng mà đến ngày đến giờ không thấy tui đâu hết trơn, hehehe. Mà không mời thì lại nghe tui cằn nhằn. Lần này, họ cũng chắc mẻm là tui không tới, ai dè, tui tới 🙂

Đến lúc tui về, lại nghe tiếng vọng lại sau lưng “Lâu lắm rồi mới thấy nó đi chơi. Chứ gặp thì lúc nào cũng thấy nó đi làm.” Nghe xong, tự dưng thấy tủi quá chừng. Ừm, đúng rồi, không biết từ lúc nào, tui tự dưng co mình lại, ít tụm năm tụm bảy với những người mà những cuộc nói chuyện với họ thường mang lại cho tui nhiều cái nhìn mới. Hic

Bài thứ hai, mọi người nhận xét về một cô ca sĩ. Tui có nghe cô này hát một lần. Giờ nghe họ phân tích mới lại vỡ ra nhiều kiến thức mà mình không biết. Nhưng đến khi nghe 1 chị bảo “sau hôm diễn đó, mình chờ coi cho được xem NL viết gì trong bài. Cuối cùng mừng quá là NL không có khen gì cổ hết!” thì tui hơi chới với! Hahahaha, tui không khen không chê hay không nhắc tới là tại vì…. tui hỏng hiểu gì hết, hahahaha. Thế mới biết, điều mà tui luôn tâm niệm “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” là một lợi thế của tui, hehehe. Kệ, ai chê mình dốt thì chịu, chứ không biết mà cứ ở đó tán hươu tán vượn, thì chết có ngày 🙂

3.

Hôm qua hôm nay, 2 lần được nghe 2 người lần đầu tui gặp nhắc đến NL blog.

Lần đầu là tối qua, một chú đến nói với tui: chú bắt đầu đọc lại báo NV là từ khi để ý đến tên NL, đặc biệt là từ khi thấy cái blog của NL trên website NV. Chú thích những vấn đề rất đời thường được đưa ra trong đó và thích những lời bàn của mọi người.

Lần thứ hai là mới tối nay, khi đang đi trong chợ Starter Bros, thì bỗng thấy một cô đầy xe theo sau lưng và nói “Cô NL, phải cô NL không? Tui đọc blog của cô trên NV, tui thích nhóm bạn bè của cô trên đó lắm. Từ ngày cô không viết nữa, tui cũng không đọc ai hết. Tui mến nhóm bạn đó của cô lắm” Nghe dễ thương không?

Tui nghe họ nói, và tui hiểu tui cần phải cám ơn tất cả còm sĩ của tui. Mọi người đã tạo được một dấu ấn quá hay trong lòng độc giả.