Vì mình là bạn

1.

Vì mình là bạn, nên khi mình gặp nhau là mình cười. Những trận cười nghiêng ngả.

Tối Chủ Nhật, tui lại có dịp được làm chủ nhà đón tiếp bạn bè của cái thời xa xưa lắm tụ về.

Nói là bạn thì chỉ có 6 mợ: 1 mợ từ VN qua nên kéo theo được 1 mợ từ San Diego xuống, 1 mợ từ Los Angeles về, 1 mợ từ Orange đến, 1 mợ từ Anaheim sang, và 1 mợ ngay tại Santa Ana – là tui.

Tuy là 6 nhưng mà dàn rờ-mọc kéo theo thì đông, đông đến mức phải đưa ra đề nghị: lần sau mà có đến tụ tập ở nhà tui thì mỗi người tự mang theo cái ghế. Bởi nhà tui có đến… 6 cái ghế mà cũng ngồi hết trơn, để rồi phải sử dụng thêm bất kỳ cái gì có thể đặt được cái mông xuống, trừ nền nhà 🙂

Ông bà mình bảo chỉ cần 2 mợ và con vịt thì thành cái chợ. Giờ không có vịt thì thay bằng 4 mợ nữa, thành 6, thì dĩ nhiên cái chợ này cũng thuộc dạng chợ bự chứ chẳng chơi 🙂

Mà lạ thật, hình như càng lớn, càng già thì mỗi lần có dịp gặp lại bạn của thời thơ ấu là mỗi lần lại thấy thương bạn bè hơn, quyến luyến bạn bè hơn. Mà chắc cũng vì vậy mà ngay khi cuộc vui chưa tàn thì đã có người lên lịch để lại tiếp tục hẹn gặp bạn cho lần tới. Lại nôn nao 🙂

11174813_10154290800378521_5623719030569783625_n

Tui nhìn tấm hình này và thấy có nhiều điều hay lắm nha: mợ đứng bìa trái là bạn mà tui quen biết lâu đời nhất, bởi vì từ năm lớp 1 tui đã học cùng mợ rồi. Mợ kế tiếp không học cùng lớp tui, nhưng tui biết mợ luôn nha, chỉ có điều, 25 năm rồi, nay tui mới có dịp tái ngộ và biết rằng mợ sang Mỹ trước tui… 1 tháng. Mợ thứ 3 học với tui năm lớp 6, là người mà khi gặp lại ở Mỹ này, tui cứ ngỡ như mợ của cái thuở lớp 6 đó, vì từ giọng nói, cử chỉ, nụ cười… không có gì khác hết. Mợ cầm bánh học cùng tui từ năm lớp 7 cho đến khi tốt nghiệp 12. Mợ này là mợ gây sốc nhất cho cả đám từ hồi năm ngoái, trong lần đầu đến Mỹ gặp bạn bè, bởi vì ngày xưa đi học mợ hiền như bụt, ít nói, khù khờ, hay cười thôi. Nhưng giờ thì hình như mợ nói bù. Mà mợ nói rất duyên, thành ra cứ nghe mợ nói còn cười chảy nước mắt hơn cả coi hài của Hoài Linh.  Kế mợ nói nhiều là mợ Tui. Miễn bàn. Mợ đầu bên phải là mợ học cùng lớp tui lâu nhất, và là người ngồi chung bàn với tui nhiều nhất. À, thêm nữa, lần đầu tiên tui biết tôm hùm nó ra làm sao là cũng từ mợ này, hehehe

2.

Trong lần gặp bạn kỳ này, thật là thú vị khi tui được biết có 2 người trong số khách đến hà tui vừa kỷ niệm đúng 40 năm họ rời Sài Gòn: 1 người ra đi vào ngày 24 Tháng Tư, 1975 khi chưa tròn 2 tuổi, từng dừng chân nơi Camp Pendleton (và dĩ nhiên anh chàng không thể không bày tỏ sự hối tiếc khi mất 1 cơ hội được quay trở lại nơi mà anh chàng chỉ nhớ tên chứ chẳng nhớ cảnh); 1 người ra đi ngày 26 Tháng Tư, khi vừa lên 6. Dĩ nhiên, cả 2 người đàn ông này, 1 người là anh họ nhỏ bạn từ VN sang, 1 người là chồng của mợ San Diego đều rất hào hứng khi nhắc lại ngày đó họ đã nhớ gì và những gì đã diễn ra trong tuổi thơ họ.

3.

Và cũng trong lần họp bạn này, lại nghe một rờ-mọc của nàng Anaheim kể về “cú sốc H.O”.

Tui có lần đã nghe qua: dù là dân tị nạn, nhưng cộng đồng nơi đây có sự “kỳ thị” giữa tị nạn 75, tị nạn thuyền nhân, tị nạn H.O và tị nạn ăn theo. Nhưng giờ nghe người trong cuộc kể mới biết sự “kỳ thị” đó là như thế nào.

Anh chàng sang Mỹ năm 1994 theo diện H.O 38. Một lần chàng vô tiệm bánh cuốn Tây Hồ “kêu bánh ướt ăn cho mát mẻ” (ăn bánh ướt cho mát mẻ giữa trưa hè, hehehe, lần đầu tui mới nghe, và ngẫm ra cũng có lý nhỉ, “bánh ướt” sẽ mát hơn “bánh khô”, hehehe)

Chàng đang mê mải ăn thì có một thiếm từ ngoài đi vào hỏi chủ tiệm: Tui từ tiểu bang khác đến muốn hỏi ở đây có bán bánh mì không? – Không, ở đây chỉ có bánh ướt thôi. Vô đây rồi thì ăn bánh ướt đi cho mát mẻ, chứ ăn bánh mì chi cho nó khô. Chủ tiệm rào đón.

Có gia đình kia, H.O, mới qua, mua bánh mì cho họ ăn thôi chứ làm gì sang mà cho ăn bánh ướt. Bà thiếm giải thích

Hả? Tại sao H.O thì chỉ đáng ăn bánh mì mà không được ăn bánh ướt? Máu bốc lên tới đầu, chàng con trai H.O kia bật dậy:

Nè thiếm, tại sao thiếm lại nghĩ rằng H.O thì chỉ đáng cho ăn bánh mì? Tui nói cho thiếm biết những người H.O là những người đã ở lại để mà “gánh nợ” dùm cho những người sớm cuốn gói bỏ chạy như thiếm đó nghe. Thiếm tự hào gì với chuyện chạy trước để mà khinh thường H.O như vậy?

Chàng nói như ma nhập, như để trút hết tất cả những uất ức, những cay nghiệt, những hà khắc mà chàng và gia đình đã từng phải gánh chịu trong thời gian ba chàng “ở tù” trước khi trở thành H.O, vậy mà giờ đây, khi đặt chân sang vùng đất tự do này chưa bao lâu thì lại nhận ra sự rẻ rúng như vậy từ chính đồng hương của mình, mà lại cùng là dân tị nạn như nhau.

Chàng bảo khi đó mọi người xúm lại can ngăn, nói thay cho bà thiếm, rằng thì là bả không cố ý, bà chỉ nói không rõ bla bla bla

Câu chuyện chàng kể, như chỉ để góp vui, khi mọi người nhắc lại những ngày đầu đến Mỹ. Nhưng riêng với tui, tui lại nghe ra thêm một nỗi ngậm ngùi, cho giống dân mình.