‘Chiều ra biển đứng ê chề ‘

Có lẽ tôi đã không làm siêng đến mức để có thể một tối Thứ Bảy khi vừa định leo lên ghế massges nằm sau khi hoàn tất bài viết liên quan đến chuyện cờ quạt gửi cho đài RFA, nếu như không nhớ ra là mình cần phải đi nghe một bài hát mà câu bắt đầu chính là tựa entry này:

Chiều ra biển đứng ê chề

Tìm trên ngọn sóng có về xác em…

Tôi nhớ cách đây mấy tuần, anh Dân Huỳnh, phóng viên ảnh của NV, “bỏ nhỏ”: “Bạn anh là nhạc sĩ Trần Chí Phúc sắp có một đêm nhạc, em viết bài giới thiệu được không?” – “Dạ được. Ai em cũng muốn viết hết á. Nhưng mà anh nói với sếp đi, sếp phân công là em làm à.” Anh Dân hỏi lại “Mà em biết nhạc sĩ Trần Chí Phúc chứ hả?” – “Dạ không biết. Chưa hề nghe.” Tôi đáp tỉnh bơ trong cái nhìn đầy vẻ ngạc nhiên của anh Dân.

Ở điểm này phải thừa nhận là tôi rất tệ. Tôi không có nhiều mối quan hệ hay quen biết với nhiều người, dù họ nổi tiếng, tôi chỉ biết đến một số người khi tôi có việc cần phải biết, như để viết bài, để phỏng vấn, để hỏi ý kiến, chẳng hạn. Thế nên, việc tôi không biết Trần Chí Phúc cũng là bình thường, với cá tính của tôi.

Cách đây 2 tuần, anh Dân Huỳnh lại nói “Em có thể đi xem và viết bài về đêm nhạc của anh Trần Chí Phúc được không?” – “Dạ được, sếp phân công là em đi à! Chứ em không đề nghị được.”

Cách đây 1 tuần, anh Dân Huỳnh cầm một thư mời và bảo “Anh Trần Chí Phúc mời em đến dự đêm nhạc của ảnh. Nếu em thấy được thì em viết bài.” Hehehe, em nói rồi, em viết thì được, nhưng mà nếu không do sếp phân công thì em viết rồi đăng ở đâu? Mà cuối tuần thì coi như hên xui, nếu lịch phân công em đi cover đêm đó thì dĩ nhiên là em viết rồi, nhưng dở thì chê ráng chịu. Tùy duyên, hehehe.

Thư mời đó, tôi để lên bàn và… quên

Cách đây vài hôm, vào FB của anh bạn Triết Trần, tôi thoáng thấy mấy chữ Trần Chí Phúc cùng hai câu thơ:

Chiều ra biển đứng ngậm ngùi
Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam.
Cùng hàng chữ: (Xác em nay ở phương nào, Thơ Ngọc Khôi, nhạc Trần Chí Phúc)

Ô, những câu hát này tôi đã được nghe một lần nào đó, hình như là sau chuyến công tác trở về từ các trại tị nạn, một độc giả đã gửi cho tôi thì phải. Nghe và khóc. Nhưng không hề biết tác giả là ai.

Giờ thì biết rồi. Tôi sẽ phải đến đêm nhạc đó, “Sài Gòn, một thoáng… 40 năm” của Trần Chí Phúc, để… nghe bài hát đó.

8 giờ chương trình bắt đầu. 7 giờ 50 tôi đứng ngay cửa hội trường VNCR. Không còn 1 ghế trống. Thực ra thì còn chừng 2-3 chỗ trống ở hàng ghế đầu tiên. Tôi có thư mời, nếu tôi đặt mông ngồi vào đó chắc không ai đuổi. Hehehe. Nhưng mà từ lúc đi làm phóng viên, tôi đã quen đứng cuối hội trường, hoặc nép bên cánh gà, hay ngồi lẫn trong khán giả. Giờ nếu lên đó ngồi, nó ngượng. Hehehe

Nhưng mà nhìn cuối hội trường, bên hông hội trường cũng không còn chỗ đứng!

Thôi thì đứng ngay cửa vậy. Tôi nhìn thấy nhạc sĩ Trần Chí Phúc đi ra đi vô mấy bận. Và tôi biết chắc: ổng không biết tôi là ai. Hahaha. Chuyện nhỏ. Tôi quen rồi. Vì thực tình là tên tôi nhiều người biết, nhưng mặt tôi nhìn ngoài đường có thể họ chả biết là ai. Mà tôi cũng không dại gì la lên “Tôi là NL nè!” hehehe.

Rồi ngay cả chỗ đứng ngoài cửa cũng trở nên chật cứng. Đông quá!

Ra vậy là người ta biết Trần Chí Phúc rất nhiều. Người ta đến nghe rất đông. Chứ không  dỏm đời như tôi.

Đúng bong 8 giờ, chương trình bắt đầu. Tuyệt vời ở chỗ đúng giờ.

Sau nghi thức chào cờ, hát quốc ca (tôi lại tự hỏi sao mà lúc nào cũng phải chào cờ và hát quốc ca? chỉ còn mỗi đám cưới là chưa thấy chào cờ thôi. Có cần thiết đến như vậy không nhỉ?), nhạc sĩ Trần Chí Phúc ôm đàn ngồi ghế hát bài đầu tiên. Bài tựa gì tôi không nhớ. Chỉ biết là bài hát nói về nỗi nhớ Sài Gòn. Tôi không nhớ lời bài hát, nhưng tôi nhớ dáng điệu, phong cách của người nhạc sĩ khi ôm guitar và đàn, và hát và như thả hồn về một thời đã là lâu lắm nhưng cứ ẩn ức, dằn dưa, không phai, không nhạt, bảng lãng, bồng bềnh mãi trong một góc trái tim…

Người bên ngoài lại cứ đến. Chen chen ngó vào trong, và rồi lại lắc đầu, kiếm tạm một chỗ đứng bên ngoài.

Tôi đứng nơi cửa có thể nhìn thấy sân khấu, thấy ca sĩ. Tôi nghe thêm bài nữa của ca sĩ Như Mai hát, cũng chẳng quen, chẳng nhớ tên, nhớ lời. Hình như trong đầu tôi chỉ có lời của “Chiều ra biển đứng ê chề…”

Tôi bước ra nhường chỗ cho một đôi vợ chồng già. Họ cám ơn. Tôi tìm góc đối diện. Không thấy sân khấu. Chỉ thấy người trước mặt đang hướng vào sân khấu. Tôi nhắm mắt rồi mở mắt nghe thêm 3 bài nữa. Vẫn chưa có bài tôi chờ.

Hội trường vẫn đông kín. Thoảng có 1, 2 người lớn tuổi bước ra vì “Ngộp quá!”, thì lại có 1-2 người từ ngoài bước vào, thế chỗ. Lâu lắm rồi, hình như sau đêm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn ở báo NV, đến giờ tôi mới lại thấy một đêm đông đến vậy.

Người nhạc sĩ sẽ hạnh phúc.

Tôi mỏi chân. Tôi đi về. Mở you tube lên nghe lại “Xác em nay ở phương nào” và thấy mình như trôi đâu đó.

Chiều ra biển đứng ê chề
Tìm trên ngọn sóng có về xác em
Vớt rong rêu ngọn tóc mềm
Quay về hướng gió tưởng em thơ dại
Tìm trong bọt trắng thân người
Nghẹn ngào dấu vết còn phơi lõa lồ

Trước mắt tôi là mênh mông sóng biển. Biển khi đen ngòm. Khi xanh biếc. Khi như màu sương sâm. Lại có lúc trắng xóa. Tôi thấy tôi nơi đầu tàu. Tay ôm máy hình. Mắt nhạt nhòa nước.

Xác em nay ở phương nào
Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương
Có khi xác vượt trùng dương
Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu

Tôi thấy tôi của đêm ngồi trên đảo Letung nhìn ra biển đêm và cứ không thể nào ngăn được nước cứ từ mắt chảy ra.

Chiều ra biển đứng ngậm ngùi
Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam.

Lời ca da diết và đau đớn quá. Tiếng nhạc cứ như làm lòng mình tan ra. Bao năm rồi. Những câu chuyện, những thân phận, những mất mát, những day dứt này vẫn  không thôi ngớt đi bớt đi…

Tôi lại thấy tôi của hơn 25 năm về trước, một chiều hè, tôi cũng từng cùng lũ bạn mình đứng trong một ngôi chùa, ngóng ra biển, xem xác bạn mình đã được vớt lên chưa. Hai đứa bạn tôi, là hai anh em ruột, đã bị bắn chết trong một chuyến vượt biên khi chúng tôi đang học lớp 11, chỉ biết thuyền chìm. Và nó đã về báo mộng cho một đứa bạn cùng lớp…

Chiều ra biển đứng ê chề/ tìm trên ngọn sóng có về xác em…

Có thể tôi không thể kể tên thêm được bất kỳ một ca khúc nào khác của Trần Chí Phúc. Nhưng chỉ với bài hát này thôi, những câu hát này thôi, tôi đã có thể nhớ Trần Chí Phúc là ai.

Và như thế, với tôi, người nhạc sĩ ấy đã có một chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu nhạc rồi.

Chiều ra biển đứng ngậm ngùi
Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam

Tôi lại thấy mắt mình cay nữa rồi…

http://www.nhaccuatui.com/m/SbnYbo2Xus