Con có thể không học đại học được không?

Đó là câu thằng nhóc 13 tuổi nhà tui kéo ghế đến ngồi cạnh bên để hỏi.

Thực ra nguyên câu hỏi của nó là: Nếu con chỉ học xong trung học và thấy có một công việc làm ăn nào đó mà con thích con muốn thử chứ không theo học đại học, thì mẹ nghĩ sao?

Wow, cách đây 15 năm, tui đã từng nói chuyện với đám học trò 17-18 tuổi của tui về vấn đề này, “Đại học có phải là con đường duy nhất để vào đời?” không ngờ bây giờ thằng nhóc 13 tuổi của tui lại chủ động đến hỏi mẹ nó như thế.

“Mẹ nghĩ là con nên theo học cho xong 4-5 đại học trước rồi sau đó hãy bắt tay vào thực hiện những công việc làm ăn mà con muốn. Bởi vì những kiến thức từ trường đại học sẽ là nền tảng để giúp con nhiều thứ sau này. Tuy nhiên, vì đây là tương lai của con, con có thể không học nếu con không thích. Mẹ chỉ nói với con bằng kinh nghiệm của một người lớn và nghĩ là điều đó tốt hơn cho con.”

Thằng bé suy nghĩ chút xíu rồi hỏi tiếp, “Giả sử con theo học đại học 2 năm, con thấy không thích, con có thể bỏ để đi làm việc con thích được không?”

“Được chứ! Con vẫn có thể lấy cái bằng 2 năm xong rồi đi làm, đến khi nào con thấy cần thiết thì quay trở lại trường để học tiếp những gì con muốn.” Tui trả lời.

Thằng nhóc ngồi im lặng 1 chút rồi nói “Con cám ơn mẹ” trước khi đứng lên định về phòng.

“Mà sao con hỏi mẹ điều đó?” Tui hỏi lại.

“Dạ con chỉ muốn hỏi bởi vì con nói chuyện với mấy bạn, mấy bạn đều nói ba mẹ của bạn sẽ rất là thất vọng nếu như các bạn không theo học đại học, nên con muốn hỏi mẹ.”

Tui cười, nó cũng cười bước đến ôm mẹ 1 cái trước khi chui rúc vào thế giới riêng của nó.

Đây không phải là lần đầu tiên thằng nhóc ngồi nói chuyện với tui về chuyện học hành, chuyện nó sẽ làm gì khi lớn lên.

Như tui từng tâm sự với 1 vài người bạn của mình: tui may mắn khi không phải quá bận tâm, câu nệ đến chuyện học hành của 2 đứa nhóc ở nhà, từ VN qua đến Mỹ. Ngày xưa lúc còn nhỏ, tui chưa từng bao giờ bị ba má tui hỏi rằng thì là tại sao không hạng nhì mà lại hạng ba, hay tại sao lại hạng nhì mà không hạng nhất, hoặc sao không là học sinh giỏi mà chỉ là tiên tiến hay lớn hơn chút nữa, sao không học kinh tế mà đi học sư phạm… Cho đến giờ phút này, ký ức còn lại trong tui chỉ là 1 lần duy nhất ba tui hỏi “Sao không học Anh văn mà đi học Việt văn? Thay vì trồng bình bát thì sao không trồng mãng cầu? Giữa bình bát và mãng cầu cái nào có giá trị hơn?” hehehe, ba tui ví Anh văn là mãng cầu, còn Việt văn là bình bát. Nhìn thấy trước mãng cầu ngon hơn, nhưng nói ra con nhỏ lì lợm nó không nghe thì cũng chịu, chẳng nhì nhằng, thuyết phục mãi.

Ba má tui chẳng xách roi, chẳng hăm he đứa nào phải học thế này, phải theo nghề nọ để ba má nở mày nở mặt bỏ công nuôi cho ăn học. Nhưng mà cả đám 7 đứa con, đứa nào cũng xong.

Ba má tui chẳng ép buộc, tui cũng tự trở thành người tốt mà (hehehe người nào phản đối thì nói nha). Vậy tại sao tui phải ép con tui?

Tui nhìn nhiều người xung quanh tất bật với chuyện chở con đi học đàn, mang con đi học võ, đứa con đến hồ bơi, kèm con học tiếng Việt, kiếm chỗ con học luyện SAT… Tui bỗng dưng cảm thấy “sao mình thờ ơ vô trách nhiệm vậy?” Thế là tui cũng hăng hái chạy về nhà, “Hey, Ti Bi đi học đàn nha. Muốn học piano hay guitar, mẹ ghi danh cho học?” Hai đứa nhìn nhau, “Tụi con không thích đàn.”

“Vậy thì đi học võ hay học bơi? Muốn học cái nào, phải chọn 1 trong 2?”….

Hahaha, sau cùng hết, con nhóc Ti nói: con của mẹ không phải con người ta. con của mẹ là đứa thấy thích với chuyện được ở trong nhà, trong góc của nó hơn là chuyện dang nắng đi ra chơi ở Disneyland.

hahahaha, ok, thôi muốn làm gì làm đi. Cũng như thằng Bi, một hôm nó bảo: bạn con nói mẹ không phải là Vietnamese. – Tại sao vậy? – Tại con nói với mấy bạn là mẹ nói con có thể có điểm A và con có thể có điểm F, không sao hết. Mấy bạn thì nói nếu mấy bạn bị B thì sẽ làm cho ba mẹ mấy bạn nổi điên.

Tui nghe nó nói, tui cười ha ha. Anh chàng mặt mày cũng rất ư là khoái chí khi có thể nói với bạn bè như vậy, mặc dù nó là một thằng lấy toàn điểm A 🙂

Tui không có được sự tự hào hay hãnh diện khi nhìn thấy con mình nhận huy chương này, giải thưởng nọ. Nhưng tui cảm thấy mình yên tâm khi nghe nó kể nó lên trường xin gặp người cố vấn để hỏi tại sao nó không được xếp vào lớp preAP, hay nó đã trả lời phỏng vấn ra sao cho việc ghi danh ứng cử vào “ban chấp hành hội học sinh”… Tui yên tâm bởi tui nhìn thấy con mình muốn gì và nó biết phải làm gì, một cách tự tin, độc lập.

Tui không có niềm hạnh phúc để ngồi nghe con tui chơi 1 bản nhạc nhưng tui thấy lòng mình rạng rỡ khi tui lui cui rửa chén, có đứa đến hỏi mẹ cần con phụ không, hay tự động đi úp hết chén bát trong chạn. Hoặc nhìn thấy nó mang cái iPad đến ngồi nơi chân giường trong lúc tui nằm bệnh, hỏi “làm gì vậy con?” – Con ngồi đây để coi mẹ có cần gì không.

Hay như mới đây thôi, trên đường chở Ti từ nơi làm răng ở trường USC trở về, nó kể chuyện bạn bè nó, đứa lên kế hoạch bao giờ đính hôn, đứa dự trù bao giờ sanh con. Tui hỏi nó, vậy kế hoạch của con là gì. “Kế hoạch của con là sau khi ra trường, con ở với ba mẹ đến năm 30 tuổi, để vừa đi làm phụ ba mẹ trả tiền nhà, tích lũy cho con, chờ thằng Bi ra trường, rồi con bàn giao cho nó, đến phiên nó. Lúc đó sẽ lấy chồng.”

Kế hoạch cuộc đời, tương lai mỗi đứa, nó đều vẽ trong đầu rồi, tại sao tui phải can thiệp thêm? Nhất là khi tự trong mỗi đứa đã có những suy nghĩ đầy trách nhiệm như thế đối với gia đình – điều mà tui chưa từng đòi hỏi.

Cuối cùng, tui chỉ có thể nghĩ, tui không thể học thay con tui, tui không thể sống thay cho nó, tui không buồn dùm cho nó hay cảm nhận đủ hết sự thành công hay thất bại bằng nó. Cho nên, tui chỉ có thể cho nó lời  khuyên của một người đi trước trong trách nhiệm của một người mẹ, còn lại, phần quyết định là ở nó. Tui chỉ gật đầu, mỉm cười, để con tui cảm thấy tự tin mà bước tới.

Đại học hay không đại học, chưa bao giờ là điều tiên quyết trong đời tui và nó sẽ không là áp lực cho con tui.