Chuyện nghề nghiệp (1)

Tính đến hôm nay tui đã ở trong nghề viết báo này được 5 năm rưỡi. Và cũng hôm nay, lần đầu tiên, tui cảm nhận được áp lực của nghề – trong ý nghĩa nhân văn – nó ra làm sao.

Cũng lần đầu tiên, tui thấy mình đóng vai trò của người đi trình bày, nói chuyện để làm sao cho đồng nghiệp mình (trong lúc này, tui không muốn có sự phân chia đâu là sếp đâu là lính, tui muốn coi tất cả là đồng nghiệp, là những người đang trên cùng một chiếc xuồng hợp lực qua sông) thoát ra được, hay ít nhất là giảm đến mức tối đa cảm giác của một điều gì đó thật sốc khi một trong số các nhân vật chính của loạt bài tui và đồng nghiệp mình viết đã “thắt cổ tự tử”.

Sốc, thực sự là sốc. Nhưng cái sốc của tui nó nhẹ hơn nhiều, nhiều lắm so với đồng nghiệp mình, bởi lẽ tui không bị áp lực của chuyện bài viết vừa ký tên mình xuất hiện thì vài tiếng sau nghe hung tin như thế.

Và điều khiến tui cảm nhận rõ nhất chất người đầy trách nhiệm của đồng nghiệp mình là ngay khi nghe báo tin, câu đầu tiên họ thốt ra là “Có phải vì các bài báo của mình không? Hãy nghĩ lại xem có phải các bài viết của mình đã đẩy ông thầy đó đến chỗ tự tử?”

Không, không phải như thế. Tui nghĩ mình là người bình tĩnh nhất trong số những người có liên quan đến loạt bài báo này để có thể trả lời một cách dứt khoát như vậy. Bởi lẽ, là người nghe nhiều nhất những phản ánh từ phía các “nạn nhân”, tui biết những gì mà tui cùng đồng nghiệp mình đưa lên báo chỉ là phần cần thiết nhất so với khối lượng thông tin mà chúng tôi thu thập được, theo đúng tinh thần của anh T.G “chỉ đưa sự kiện, không kết luận, không ám chỉ, không buộc tội”.

Và cũng trong tinh thần đó, mà tại sao có rất nhiều “nạn nhân” gọi điện thoại có, đến tòa soạn gặp trực tiếp có, để trình bày, để kể những gì họ biết liên quan đến vị trụ trì này trong sự khẳng định “ông ấy là thủ phạm” đều không được chúng tui đưa vào các bài viết, chỉ vì lý do duy nhất: chuyện chưa ngã ngũ, cảnh sát đang còn điều tra nên không thể kết luận ai đúng ai sai và sai như thế nào.

Nhìn ánh mắt buồn rười rượi của T.G, của T.Đ, của K.N. cũng như tiếng thở dài của T.A, tui bỗng nghe ra sự nghiệt ngã của công việc này.

Trách nhiệm của người làm báo là cần phải đưa đến cho độc giả những thông tin trung thực nhất, đầy đủ nhất. Đặc biệt trong những bài viết có tính chất điều tra nhằm góp phần làm sáng tỏ một điều gì đó thì sự trung thực lại càng được đặt cao hơn bao giờ hết. Và theo lẽ thông thường, khi cái xấu, cái sai được chỉ mặt gọi tên để nhiều người cùng biết mà tránh né, mà đề phòng, thì chúng tui sẽ cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng đồng thời, khi người làm điều xấu điều sai bị trừng phạt thì một điều gì đó rất người lại có thể trỗi lên khiến chúng tui lại cảm thấy có gì như tội nghiệp cho họ.

Trong sự kiện này, dù muốn dù không vẫn có thể nhìn thấy một cách khá rõ ràng nhiều điều khuất tất. Nhưng mà trong khi câu chuyện còn chưa kết thúc thì có người đã quyết định chấm dứt cuộc đời mình một cách đau đớn.

Làm sao không sốc cho được.

Tui chợt nhớ đến một bài viết khác của mình cách đây hai năm. (Có thể bấm vào đây để xem lại)

Khởi đầu, tui bắt tay vào thực hiện bài viết đó chỉ trong tinh thần đi tìm và kể lại câu chuyện khá xúc động về 1 người lính VNCH tình cờ cứu sống được 1 đứa bé gái vài tháng tuổi vào thời điểm Mùa hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị. 40 năm sau, một cựu trung tá hải quân người Mỹ gốc Việt từ Hoa Kỳ trở về Đà Nẵng tìm tông tích mình dưới tên Trần Thị Ngọc Bích và người lính VNCH ngày xưa nhận ông chính là người cứu đứa bé và đặt cho nó cái tên đó.

Họ nhận làm cha con. Một câu chuyện đẹp như cổ tích.

Thế nhưng

Trong quá trình đi làm bài, tui lại khám phá ra 1 chi tiết cực kỳ quan trọng: đó là cô bé Trần Thị Ngọc Bích ngày xưa, nay là cựu Trung Tá Hải Quân Kimberly Mitchell, đã có mặt tại cô nhi viện Thánh Tâm gần 1 năm trước ngày người lính VNCH cứu 1 cô bé trên Đại Lộ Kinh Hoàng rồi cũng đặt cho cái tên là Trần Thị Ngọc Bích!

Như vậy rõ ràng đã có sự nhầm lẫn! Nhưng sự nhầm lẫn đó đã lỡ được tôn vinh, đã là một câu chuyện đẹp như thần thoại. Vậy thì làm sao đây?

Tui muốn đi tìm hiểu đến tận cùng: vậy cô bé Ngọc Bích ngày xưa mà người lính VNCH kia cứu hiện giờ ở đâu, cô ta còn sống hay đã chết, những điều gì đã xảy ra cho đứa bé mồ côi đó… Hàng loạt những lý do thôi thúc tui phải tiếp tục khám phá, tiếp tục đi tìm một sự thực.

Tuy nhiên, hành trình đi tìm sự thực đó của tui đã bị chặng đứng từ người trong cuộc và những người có liên quan!

Tại sao phải cố công đi “bươi móc” một câu chuyện đang có kết cuộc đẹp như vậy, được báo chí Việt lẫn Mỹ ca ngợi đến vậy? Tại sao lại không để cho mọi chuyện khép lại?…

Và thế là, dù tui có cố gắng đến thế nào thì các cánh cửa đều đóng sập xuống.

Tui đã tự hỏi có phải mình cố tình đi phá hủy một hình tượng đẹp vừa được dựng lên không? Không, tui chỉ muốn đi tìm một sự thật.

Nhưng trong cuộc đời đâu phải sự thật nào cũng được chấp nhận.

Ngay cả khi mình đang làm đúng, nhưng sự thật đưa đến quá nghiệt ngã, lại khiến chính người đi tìm sự thật cảm thấy “tội lỗi”…

Nghề của tui có những nỗi cay nghiệt như vậy đó.