Sẽ làm gì, nếu đó là con mình?

Như có lần tôi đã viết, điều gì sau khi xem xong, đọc xong mà nó vẫn còn văng vẳng trong đầu tôi nhiều ngày tiếp theo, nghĩa là đó phải là điều cần suy nghĩ, đáng suy nghĩ.

Lần này, điều cứ lởn vởn trong đầu tui suốt cả tuần nay liên quan đến chuyện học sinh đánh nhau ở VN.

Tui không thích, hay nói đúng hơn là sợ khi phải coi những cảnh người ta đánh nhau trong đời thật. Thế cho nên, sau nhiều tít liên tục đăng trên các Facebook liên quan đến clip học sinh lớp 7 đánh bạn ở Trà Vinh, tui mới tò mò mon men bấm vô coi. Và bị ám ảnh. Bị suy nghĩ nhiều 😦

Tui sẽ làm gì đây, nếu đứa bé bị tra tấn là con tui?

Tui sẽ làm gì đây, nếu con tui là đứa tra tấn bạn?

Tui không biết. Tui chưa có câu trả lời. Tui chỉ nhận ra đó không phải là một màn đánh lộn, đánh cho bỏ tức, cho hả giận, mà là tra tấn để dằn mặt, để cho vui, để thị uy, theo cách của những đứa 13, 14 tuổi. Tui chỉ nhận ra mình bị ám ảnh, bị chìm trong nhiều câu hỏi vì sao lại như thế.

Tui đi tìm hiểu suy nghĩ của bạn mình. Tui thấy bạn tui viết:

Lỡ dại ngu đần bấm vô cái clip nữ sinh lớp 7 đánh hội đồng. Coi vài giây là muốn ói rồi. Xót cái khăn quàng đỏ quá. Nhớ ngày xưa đâu phải đứa nào cũng được vô đội đeo khăn. Đeo cái khăn đỏ tự hào biết bao nhiêu nhể. Giờ nhìn một đám đeo khăn đánh người giống như một đám giặc có chỉ huy và tổ chức. Ai cho cái đám đó vô đội viên nhể… cứ si nghỉ rồi cứ muốn ói. Sau này nhất quyết không coi ba cái clip đó nữa. Sẽ bắt bốn đứa cháu ở vn đi học võ, càng sớm càng tốt và nếu cần, nên học bắn súng để phòng thân!

Ừ, đứa bị đánh đeo khăn quàng, đứa đánh mua vui cũng đeo khăn quàng, đứa ra oai đánh cũng khăn quàng luôn. Cả một đám khăn quàng. Khác gì nhau!

Đọc câu bạn viết “nhìn một đám đeo khăn đánh người giống như một đám giặc có chỉ huy và tổ chức” mà nghe một nỗi cay đắng, mỉa mai đến tận cùng.

Thế nhưng điều tui cho là mỉa mai đến ứ nghẹn là khi nghe một đứa bạn khác, một cô giáo ở Sài Gòn, viết trả lời cho  ý kiến “cần phải tìm môi trường giáo dục tốt cho con mình”:

 Làm gì có môi trường tốt theo ý mình (vì thật ra môi trường ấy hiếm lắm). Thành ra cho con học võ và phải học chiêu bỏ chạy thế nào cho người ta đuổi không kịp

Bạn là cô giáo, là người làm trong môi trường giáo dục mà bạn buông ra một câu não nề như thế thì người ngoài còn phải nghĩ như thế nào đây, về cái xã hội này?

Tui lại đọc những câu trả lời từ những đứa học trò khi một đứa bạn khác nữa của tui, lại cũng là một cô giáo, hỏi “Vậy nếu gặp vậy, các con có can ngăn cứu giúp không?”

“- Không biết nữa cô ơi!

– Có khi không đâu cô ơi…

Nếu bạn thân thì con mới giúp…”

Học trò trả lời bạn tui như thế.

Một đứa giải thích kỹ hơn:

 Cho dù có muốn cứu người ta thì e rằng bản thân lại không có khả năng cô ạ. Cách duy nhất là chạy xuống báo việc này cho ban giám hiệu mà còn sợ bị trả thù nữa. Những năm học cấp 2, em đi học thấy tình trạng này xảy ra hoài, may là chưa ai dám đụng đến em. Nhưng lúc đó thấy người bị đánh cũng sợ lắm, chỉ biết nhìn thôi chứ chả dám làm gì!

Bạn tui viết:

Là một cô giáo, trước bạo lực học đường, mình đã thấy đau lòng. Mà làm cha làm mẹ có con đi học, nỗi đau và lo sợ đó càng nhiều hơn!

Một chị bạn hiện đang là hiệu trưởng một trường lớn ở Sài Gòn thì nói

Có những điều đau lòng. Và hơn thế nữa là cảm giác “bất lực”

Tui nghĩ gì đây trước những trăn trở của bạn bè mình?

Tui chợt nhớ, từ năm học lớp 4, con bé Ti đã biết đứng lên “đảo chánh” lớp trưởng vì “bạn ỷ là lớp trưởng, là con của cô giáo trong trường nên bắt nạt những bạn khác.” Cuộc “lật đổ” đó thành công, bởi nó được sự đồng tình, ủng hộ của đám học trò nhỏ và của cô chủ nhiệm.

Nhưng, với tính khí đó, vào thời điểm này, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho nó? Và tui sẽ có thể làm được gì để bảo vệ con mình?

Nhà trường vốn được xem là môi trường an toàn nhất cho đứa trẻ, thầy cô, bè bạn là nơi xây đắp cho nó những kỷ niệm, những ước mơ đẹp nhất của đời người. Vậy mà giờ đây, nhà trường, thầy cô, bạn bè đã trở thành gì? Bạn bè câm lặng. Thầy cô không còn là nơi để chúng dám nói. Nhà trường biến thành đấu trường. Và cha mẹ cũng trở nên bất lực trong việc cho con một niềm tin rằng, mình sẽ được bảo vệ.

Vì sao?

Vì bạo lực đã được dung túng đến tối đa.

Từ trong nhà, cha mẹ cho mình quyền đánh con, chửi con.

Ra ngoài đường, công an  – cha mẹ của dân – cho mình quyền đánh dân, chửi dân, và giết dân.

Vào trong lớp, thầy cô cho mình quyền tát học trò, đấm học trò và sỉ nhục học trò

Nghĩ gì đây, nếu phải sống trong một xã hội mà cha mẹ chỉ còn biết khóc khi tình cờ, rất tình cờ hay tin con mình bị tra tấn?

Nghĩ gì đây, khi hiệu trưởng phải thốt lên hai chữ “bất lực”?

Nghĩ gì đây cô giáo phải cho con đi học võ và phải học cho bằng được cách chạy khi bị đánh?

Nghĩ gì đây khi những đứa trẻ mới hơn 10 tuổi đã biết cách tra tấn bạn mình vì tội không nghe lời? đã biết khiếp sợ hay dửng dưng, vô cảm và câm lặng khi chứng kiến người khác bị hành hạ?

Nghĩ gì đây…