Tản mạn cuối tuần

1.

Tui nhìn cách John, một physical therapy assistant, hướng dẫn cho má tui từ lúc làm sao để nhấc mình rời khỏi giường ngồi lên xe đẩy, cách anh chuẩn bị restroom trước khi đưa bệnh nhân vào, cách anh bập bẹ nói những câu tiếng Việt lơ lớ để làm sao cho những người không biết tiếng Anh có thể làm đúng được động tác anh hướng dẫn,đến cách anh an ủi, “xin lỗi” trước là bài tập sắp tới sẽ đau, nhưng phải ráng làm sao, hay cách anh khen người bệnh tập giỏi và anh sẽ mua cà rem cho ăn… tự dưng tui như nhìn thấy trước mắt mình ý nghĩa của 2 chữ “NHÂN BẢN” là như thế nào.

Nhưng hình ảnh tác động đến tui nhiều nhất, là trong lúc chờ má tui vào restroom, John đến bên cạnh bà cụ nằm chung phòng với má tui, để hỏi thăm. Bà già lắm rồi, ngoài 90 rồi, bà không đi đứng được, chỉ nằm rên là nhiều. Ngày mới đến, tui còn tưởng bà đang sống đời thực vật. Nhưng sau thì tui biết bà vẫn có thể nghe, có thể nói và hiểu nhiều điều.

John đến cạnh bà, lấy  bàn tay xoa nhẹ nhẹ lên trán bà “Mama khỏe không? Mama coi tv Việt không?” Bà lử nhử gì đó. John đứng vuốt nhẹ những sợi tóc lưa thưa trên đầu bà, rồi đến mở TV, dò đài Việt Nam.

“Tôi làm công việc này 20 năm rồi, nhưng 4 năm nay tôi mới làm với bệnh nhân Việt. Tôi cố gắng học tiếng Việt, mà tiếng Việt khó lắm, lên xuống như nhạc. Nhưng mà tôi thích, tôi thích vì nó khó, chứ nếu nó dễ thì tôi đã không thích.” John vừa dò chương trình TV vừa nói với tôi. Cuối cùng, anh dừng lại ở một chương trình ca nhạc.

“Mama coi ca nhạc sẽ thấy vui hơn.” Anh nói với bà cụ, rồi lại đến cạnh bà, lấy tay xoa nhẹ nhẹ lên trán bà, như vỗ về, như chia sẻ với những gì bà đang chịu đựng, trước khi quay lại với bệnh nhân mà anh chịu trách nhiệm.

2.

Tui vào phòng coi người ta tập vật lý trị liệu cho những người vừa trải qua phẫu thuật hay vì những tai biến gì đó mà nay trở thành người chưa thể đứng được trên chân mình.

Nhìn sự ân cần, nhẹ nhàng và tận tụy của tất cả họ với những người bệnh, không chỉ với má tui, tui bỗng cảm thấy họ vĩ đại quá! Tui không làm được và sẽ không thể làm được như họ.

Khi má tui được đưa trở về phòng, trong lúc trông má tui ăn cơm, tui đến bên bà cụ cùng phòng. Mâm thức ăn đặt trước mặt bà. “Bà tự ăn được không?” Bà lắc đầu. “Bà muốn con đút bà ăn không?” Bà gật đầu. Lần đầu tiên trong đời, tui đút thức ăn cho một người lạ. Một y tá đi ngang. “Chị là…” – Tui là con má tui. Tui chỉ tay về hướng má.

Cô y tá cười, “Hèn chi thấy lạ. Lát sẽ có người đến đút. Nhưng thường người ta phải bơm thêm thức ăn cho bà vì bà ăn ít lắm.”

Tui đút bà ăn hết phần thức ăn. Một y tá khác đi ngang, “Bà là người lớn tuổi nhất ở đây. Bà hơn 90 rồi. Bà ở đây lâu rồi.”

Bà ở lâu rồi nên con cháu hiếm khi vô thăm bà?

3.

Tui đọc cái này:

“Dẫu biết tình yêu không có hy vọng nhưng sao người ta không thể nào quên?

Đêm nay Thành lại đến sân ga kỉ niệm, nơi anh tiễn biệt mối tình đầu. Chính anh không thể lý giải nổi vì sao đã ba năm anh vẫn không quên được Hương. Phải chăng đó là định mệnh dành cho anh, chàng nhạc công nghèo nơi tỉnh lẻ.

Hương vốn là hàng xóm của Thành. Ngôi nhà của nàng đẹp và to nhất con đường này. Trong sân của gia đình Hương trồng rất nhiều cây hoa ngọc lan, loài hoa trắng tỏa hương ngạt ngào về đêm, nên nhiều khi còn gọi là Dạ lan. Gia cảnh của Thành thì khó khăn hơn. Bố mất khi Thành học lớp 10. Ngưởi mẹ ở vậy nuôi con. Thương mẹ sớm hôm tần tảo, vất vả nên Thành nghỉ học. Cậu dùng tài đánh đàn piano ở một phòng trà để kiếm thêm tiền mưu sinh .

Cô bạn hàng xóm mê tiếng đàn nên thường ghé quán nghe. Hương thường ở lại cho đến khi cả hai đứa cùng về.

Dưới bầu trời đêm hơi lành lạnh, Cả hai đứa tiếp tục đi loanh quanh trong thị xã. Họ ghé vào những quán ăn vỉa hè hoặc rủ nhau đi ngắm biển đêm. Họ đã yêu nhau rất nhiều, tình yêu đầu đời làm thăng hoa tiếng đàn của anh nhạc công tài hoa nhưng còn nghèo. Nàng như hương ngọc lan mỗi đêm theo gió vào phòng Thành nồng nàn nhưng rất khẽ…

Hàng cây bên đường ba mùa rụng lá. Cuộc tình ngỡ rằng sẽ đơm hoa kết trái, bỗng đâu tan vỡ. Hương trở thành vợ người khác sau một lễ vu quy lớn nhất nhì thị xã này. Thành đã bị đánh cắp mất con tim nên tiếng đàn trở nên lạc lõng, nhạt nhẽo… Người ta không thể thuê mướn một nhạc công vô hồn… Mỗi đêm Thành ngồi đến khuya để thấm nỗi buồn len lỏi vào tận từng mạch máu. Chỉ cách nhau một bước ngắn thôi nhưng Hương bây giờ đã rất xa…

Thành quyết định từ giã thị xã nhỏ. Anh và mẹ đi đến chốn đô thành phồn hoa để quên Hương, quên mùi hương ngọc lan mỗi đêm làm đau buốt tận tâm hồn. Thật bất ngờ đêm chàng ra sân ga, Hương đã chờ sẵn ở đó. Mắt nàng đỏ hoe, nàng đặt vào tay Thành một chiếc hộp nhỏ kèm theo câu “Em xin lỗi…”

Tiếng đàn piano của Trần Huy Thành nổi tiếng khắp phòng trà Sài Gòn. Danh tiếng mang lại tiền bạc. Chàng làm giàu như để trả thù sự nghèo khổ đã khiến gia đình Hương gả con cho người khác. Chàng lao vào kiếm tiền cũng để quên vết thương lòng, để quên đi đôi mắt ấy nơi sân ga.

Mỗi năm người ta thấy một người đàn ông giàu có xuống sân ga. Điều khác lạ với các lữ khách khác là ông chỉ ngồi vào một chiếc ghế đá quen thuộc. Mắt người ấy nhìn chăm chăm như tìm kiếm hay chờ đợi một người nào đó. Trên tay người đàn ông nắm chắc một chiếc hộp. Trong ấy chỉ có duy nhất một bài thơ, nét chữ con gái, viết bằng màu mực tím. Câu thơ cuối cùng là:

“Nếu còn yêu xin hãy đợi
Sân ga kỉ niệm em chờ bóng anh”

Dẫu biết tình yêu không có hy vọng nhưng sao người ta không thể nào quên?

(Theo Blogradio)

Và thấy bãng lãng bóng dáng của một thời lãng mạn…