Chuyện chép ở bệnh viện

(Nếu thêm chữ “Một” ở đầu nữa thì ngỡ là tác phẩm nổi tiếng của Anh Đức, hehehe)

Đầu tiên hết xin cám ơn tất cả mọi người đã gửi lời hỏi thăm, cầu chúc sức khỏe đến má tui, cả trong blog này lẫn trên FB.

Giờ thì bắt đầu kể chuyện tào lao thu thập được sau 3 ngày tui tình nguyện làm “nô tì Isaura” trong bệnh viện 🙂

1.

Trước hết, bài học về thuốc.

Hehehe, nói thiệt tình là cho đến giờ phút này, các tên thuốc mà tui biết được chỉ là Tylenol và Advil. Dĩ nhiên là tui uống nhiều thuốc xưa giờ, vì trong người tui từng là cả ổ bệnh mà, nhưng mà cứ bao nhiêu viên đó thì uống, đừng có hỏi tui đó là thuốc gì, tên gì, vì tên người tui còn không biết huống gì tên thuốc. (Nhắc đến đây chợt nhớ mới hôm qua hôm kia, một người bạn tui hỏi tui thích coi phim gì, diễn viên nào để tiện việc giới thiệu một số phim cho tui coi đốt thời gian. Tui nói “nhớ tên chết liền”)

Thế là khi làm thủ tục cho má tui trước khi họ đẩy vô phòng mổ, y tá hỏi tui về các loại thuốc má tui uống để bệnh viện biết mà chuẩn bị cho uống giống như thế. Biết trước nên anh tui đã ghi ra sẵn cái danh sách tên thuốc má tui uống đề đưa cho y tá.

Ai dè nàng dò vào các loại thuốc bác sĩ cho trước giờ và “Thuốc này uống hồi nào, uống ngày mấy lần, lần cuối uống bao giờ…” Thế là tui “Má, thuốc này má uống hồi nào?” và chỉ vào tên thuốc. Hahaha, chỉ xong rồi mới nhớ, má tui mà biết tên thuốc đó cũng “chết liền” như tui.

Vậy là phải quay qua nàng y tá, cười ruồi, “Thuốc đó để trị gì vậy?” – “Trị đau bao tử” – “Má, thuốc đau bao tử má uống hồi nào? ngày mấy lần?” Hahaha, vậy là có câu trả lời liền. Cứ thế mà tuần tự, thuốc này là trị cao máu, thuốc này giúp tăng trí nhớ, thuốc này để nhỏ mắt sáng, thuốc kia nhỏ mắt tối, thuốc này để đừng lên tăng-xông khi đọc còm, hahaha

Không biết có bà con nào trải qua vụ này chưa. Nếu mà ù ù cạc cạc như tui thì đây cũng là cách đối phó đó 🙂

2.

Đêm đầu tiên trong bệnh viện là “ác mộng”.

Heheh, là bởi, bệnh nhân vừa mổ xong, đưa lên phòng, bao nhiêu thứ người ta cần kiểm tra, coi sóc.  Hết ông bác sĩ này đến ông bác sĩ khác thay nhau vào hỏi thăm (mỗi ông mỗi nhiệm vụ, ông tim, ông xương, ông mắt, ông hầm bà lằng), rồi bắt đầu y tá, y tá ngày, y tá đêm, y tá trưởng, rồi “hộ lý”, rồi đến những người kỹ thuật viên lo máy này máy nọ…

Và cả đêm, cứ đâu chừng nửa tiếng là có người vô thăm chừng cái này, hỏi cái kia, chưa kể người bệnh bắt đầu hết thuốc tê, cơn đau từng lúc từng lúc trở nên thấm thía thì những cơn rên rỉ cũng xuất hiện, rồi muốn ói, rồi khát nước, rồi chóng mặt, rồi… đủ thứ hết.

Hehehe, nhưng mà chọn đứa vô coi bệnh như tui cũng khỏe lắm, thiên hạ vừa gõ cửa bước vô là tui tỉnh, mà họ lui ra là tui ngủ, ngay lập tức.

3.

Thấy đau đớn làm sao nuôi bệnh.

Đó là câu tui nói với nhỏ em tui, khi nó nhìn tấm hình tui chụp lúc má tui tập đi chỉ một ngày sau khi mổ, cho nó coi. Nó coi hình rồi khóc, rồi nói nó mà nhìn vậy chắc nó cõng má đi luôn cho rồi!

Hehehe. Mổ thì làm sao mà không đau. Đứt tay chút còn đau huống chi mổ. Tuy nhiên, sức chịu đau của mỗi người mỗi khác, nên chỉ có nương theo đó để mà hành xử.

Thói thường ai thấy người thân mình đau thì cũng nhăn mày nhíu mặt theo, phải làm sao cho hết đau ngay, càng nhanh càng tốt. Rồi thấy đau đớn quá thì thôi thôi, nghỉ đi, nằm đi, đừng tập gì nữa, bla bla bla. Nhưng mà không tập thì làm sao lành, làm sao đạt được mục đích ban đầu trước khi leo lên bàn mổ.

Thế nên, đi nuôi bệnh cũng rất cần sự nghiêm trang, lạnh lùng và quyến rũ, hahaha (Cuối cùng thì thấy mọi người nghe má tui than đau, than mệt nhiều hơn là than với tui ;p ). Nhưng sau đêm đầu, 2 đêm tiếp theo thấy má tui ngủ ngon, ngủ say là tui yên tâm rồi 🙂

4.

Cuối cùng, nói tiếng Việt và nói tiếng Anh

Bệnh viện FV, nơi có rất đông bệnh nhân gốc Việt.

Một anh y tá da trắng bước vào phòng bệnh nhân da vàng. Anh y tá ” Xin chao pát” – bệnh nhân “hello”. Y tá “pát có đao khoong?” – bệnh nhân “a little bit”.

Sau khi đề nghị bệnh nhân làm vài động tác, anh y tá khen “pát dỏi wóa”, bệnh nhân khen lại “you are very.good”. Anh y tá “Coám ơn” trước khi ra về. Bệnh nhân nói với theo ” thank you”

Hehehe, bà chị tui sau khi đọc đoạn này tui post trên FB cứ theo hỏi “Nói ai vậy?” hehehe, nói chung á.

Nhưng thực tình thì quá là cảm kích mấy anh chàng tập vật lý trị liệu, trong đó có một anh da đen, to lớn, nói nhiều như két và nói tiếng Việt như ăn bún mắm 🙂

“Tiếng Việt của tui chỉ đủ để hướng dẫn người ta tập luyện thôi. Nói tiếng Việt không dễ nhưng tui muốn học nói vì khi tui thấy tui nói được tiếng Việt thì bệnh nhân tin tui hơn và họ cố gắng hơn. Khi nghe tui nói ‘Dỏi quóa” họ thấy vui vui và cố gắng.” Anh chàng da đen nói với tui.

Tui mang âm sắc đó về nhà “gồi xuống, đứng lên, dỏi quóa, mịt lắm, chóong mặt khoong, quẹo bên chái, quẹo bên phải, quai lại…” kể cho con tui nghe, nó cười ngất, và chợt nhận ra, thằng nhóc nhà tui cũng nói y chang vậy 🙂

5.

Thôi, hết ca, tui đi dìa, rảnh kể tiếp.