Tôi đi làm báo

Bài này viết cho báo Xuân 2014, hình như chưa đăng online lẫn báo giấy. Giờ mang ra xem như ép mọi người đọc trong ý nghĩa khai trương ngôi nhà mới sửa của tui, như thầy lý nói “tui đi sửa sắc đẹp cho… blog”, hehehe

****

Ngày Xuân ngày Tết, người ta kể chuyện ăn chuyện uống, chuyện xưa chuyện nay, chuyện phong tục chuyện tập quán, chuyện thơ chuyện văn… Ngó qua ngó lại, ngó tới ngó lui, chuyện gì cũng có hết trơn. Thôi thì tôi sẽ kể chuyện… đi làm báo, cho nó lạ một chút, cho nó bớt ngán một chút vậy.

Tôi đi làm báo, mà lại làm báo Người Việt ở Little Saigon.

Đó có thể xem là một sự tự hào và niềm hãnh diện với tất cả những ai theo đuổi sự nghiệp làm báo tiếng Việt tại hải ngoại.

Nhưng đồng thời, trong một chừng mực nào đó, danh xưng “Tôi là phóng viên báo Người Việt” tự nó đã chứa đựng cả những bất trắc và một áp lực tinh thần khó lường.

Đường vào Người Việt

Tính đến thời điểm này, tôi đến Mỹ được hơn 8 năm, vậy mà đã 6 năm tôi gắn bó với Người Việt, và chính thức có danh xưng “phóng viên Người Việt” cũng gần 4 năm.

Tôi vào làm cho Người Việt một cách rất tình cờ, theo lời “rủ rê” của một anh bạn học chung lớp ESL ở trường Golden West College. Công việc tôi được giới thiệu làm lúc ấy là “thầy cò”.

“Thầy cò” – Nghề chi nghe rất lạ. “Thầy cò tức là người sửa các lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật cho bài vở trước khi đưa qua ‘layout’ dàn trang để đi in.” Anh bạn giải thích với tôi về công việc “thầy cò” một cách giản dị như thế.

Tôi vẫn nhớ buổi chiều được anh bạn đưa vào phòng Biên Tập, giới thiệu, “Đây là anh Vũ Quí Hạo Nhiên, luật sư, tổng thư ký. Đây là anh Phạm Phú Thiện Giao, ‘master’ kinh tế, phóng viên.”

Tôi nhìn hai người ngồi nơi hai chiếc bàn đặt cạnh nhau và ý nghĩ đầu tiên ập vào đầu tôi là “Sao tên ông nào cũng lạ hoắc mà dài thòng lòng vậy trời!”

Tôi nhớ ánh mắt, cái gật đầu chào, cái miệng cười rất chi là điệu đàng của người tên Phạm Phú Thiện Giao, cùng cặp mắt giương tròn nhìn tôi của người tổng thư ký có tên Vũ Quí Hạo Nhiên, trong lúc tay vẫn gõ lách tách trên bàn phím, anh hỏi, “Chữ suôn sẻ có g hay không có g?” (chắc ông sếp này muốn thử xem tôi có rành chính tả không thì phải?)

Từ phòng Biên Tập bước ra, anh bạn lại chỉ vào một người đang từ ngoài đi vô, tay cầm tách nước, quần tây, áo sơ mi “đóng thùng” nghiêm túc (và đen thui), “Đây là anh Đỗ Dzũng, phóng viên trang Địa Phương.” Vừa nhoẻn miệng chưa kịp cười xong cái mỉm chi là tiếng của người tên Đỗ Dzũng đã rổn rảng, “Không cần biết em là ai. Không cần biết em từ đâu. Chào em!” rồi anh cười ha ha và bắt tay tôi như thể thân thiết từ lúc nào.

Quá chi là ấn tượng với những người nơi đây.

Cũng trong buổi này, tôi được anh bạn đưa vào gặp luôn “sếp lớn” Đỗ Tăng Bí. Nhẹ nhàng, chừng mực và thân tình là những điều tôi còn nhớ về chú Bí, người phỏng vấn và nhận tôi vào làm việc với lời dặn dò duy nhất, “Làm việc cẩn thận và đừng ‘gossip.’”

Thêm một người nữa khiến cho tôi cảm thấy có cảm tình ngay với công ty này là chú Nguyễn Khả Lộc. Khi đó hình như chú Lộc phụ trách về nhân sự thì phải, tôi không nhớ chắc, và cũng không quan tâm đến những điều này. Tôi chỉ biết là tôi muốn được mỗi ngày rời khỏi tòa soạn để đi đón con trong khoảng thời gian 45 phút. Người ta chỉ tôi đến gặp chú. Và chú bảo “Được chứ!” liền ngay khi tôi nêu nguyện vọng của mình.

Tôi trở thành nhân viên báo Người Việt với một khởi đầu như thế. Rất nhẹ nhàng, rất thoải mái và một chút gì rất gần gũi.

Khi đó là đầu Tháng Bảy năm 2007.

 Phóng viên Người Việt và những niềm vui

Gần hai năm sau, với bao biến động xảy ra cho Người Việt, người bị cho nghỉ việc, người bỏ ra ngoài mở tờ báo mới, thế nên theo lời đề nghị của chú Hoàng Mai Đạt, tổng thư ký báo Người Việt khi, tôi chuyển từ công việc “thầy cò” sang làm biên tập viên, dịch một ít bài vở và sửa bài của một số cộng tác viên gửi vào.

Giữa Tháng Chín, năm 2009, anh Phạm Phú Thiện Giao, trong vai trò là chủ bút, cho tôi biết, “Từ bây giờ Ngọc Lan là phóng viên của báo Người Việt.”

Ừ, làm phóng viên thì làm phóng viên, dù tôi chưa một lần học qua lớp “nghiệp vụ báo chí.”

Tôi nhớ lại lần đầu đi theo anh Hạo Nhiên dự họp báo với đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak ở khách sạn Ramada, Garden Grove (khi đó tôi đi theo vì tò mò chứ không biết rằng mình đã được dạy nghề từ dạo ấy). Tôi nhớ cách tôi được anh nhắc về trang phục “mặc áo vest vào” và được nhờ “cầm dùm” cái máy chụp hình. Mà máy chụp hình ở trong tay thì phải chụp, mà muốn chụp hình đẹp thì đâu thể cứ ngồi chết dí một chỗ, phải biết di chuyển và chọn vị trí. Và trong lúc không có gì để làm thì tôi lắng nghe cách những người có mặt hôm đó đặt vấn đề, nêu câu hỏi…

Cứ thế, tôi vừa làm vừa học để thực hiện các bài viết của mình, dưới sự hướng dẫn của anh Thiện Giao, Khôi Nguyên, sau này là Đỗ Dzũng, và anh Hạo Nhiên (dù rằng giờ đây anh đã bị buộc rời khỏi Người Việt do những sơ suất trong cách phán đoán sự nhạy cảm của cộng đồng) Mỗi người có một góc nhìn, một phong cách, một sự hướng dẫn để tôi nương theo. Tôi học ở họ cả cách nắm bắt sự kiện, cách khai thác thông tin, cách lựa chọn chi tiết. Và hơn hết, tôi học được từ họ một niềm đam mê làm báo.

Nếu đặc thù của công việc làm phóng viên mang lại cho tôi những điều mới mẻ, những điều bất ngờ, hay ho lẫn cay đắng, bởi có những sự kiện, những câu chuyện, những tình tiết xảy ra mà mình chưa bao giờ lường trước được, thì độc giả Người Việt lại là người mang đến cho tôi những niềm vui thú vị.

Tôi nhớ một ngày nghỉ, tôi đi Costco ở Garden Grove.

Trong khi đang lưỡng lự lựa mua trái thơm thì một chú lớn lớn tuổi hỏi “Cô là Ngọc Lan phải không?” – “Dạ.” – “Ừ, tui nhìn ra cô mà. Y chang trên tivi.” Hehehehe, hú hồn. Tưởng đâu chú đó nói trên tivi nhìn thấy Ngọc Lan, ra ngoài nhìn thành Khoai Lang chứ!

Rồi chú đưa trái thơm chú đã lựa cho tôi, “Cô lấy trái này nè. Nhìn nó ngon đó. Để tui lựa trái khác!” Quá trời đã luôn!

Một ngày nghỉ khác, tôi đi chợ Thuận Phát trên đường Beach.

Bước tới quầy thịt, tôi ngắm nghía miếng sườn non và nói, “Anh ơi! Lấy dùm em miếng thịt này được không?”

“Lấy miếng này nè. Ăn miếng này đọc tin mới hay!” Anh bán thịt vừa lấy thò tay vào lấy miếng thịt trong tủ, vừa nói như bâng quơ.

Tôi trố mắt nhìn, và bật cười, ngạc nhiên. Anh bán thịt nhìn tôi, “NL phải không? Đọc tin trên NVO ai mà không biết!” Hahahaha, nghe tếu ơi là tếu. Không biết từ ngày ăn miếng thịt đó vô đến nay tôi đọc tin có hay hơn chút nào không, chỉ biết là cứ mỗi lần đồng nghiệp ai nghỉ ai bệnh thì tôi hầu như gánh phần đọc thay hết.

Lại một lần tôi đứng mua thịt bò. “Anh ơi xắt mỏng như ăn phở dùm em.” Tôi đề nghị. Một anh bán thịt khác “lầu bầu”, “Cứ mua thịt bò xắt mỏng như ăn phở nhưng mà không phải để ăn phở phải không?” – “Dạ, để ăn với mì gói ạ!” Tôi thật thà trả lời.

“Vừa viết báo, vừa đọc tin, mà ăn thịt bò với mì gói thì tiền để đâu?” Hahahaha, tôi lại bật cười với những độc giả rất ngộ nghĩnh mà tôi có cơ hội được gặp này.

Đó là chưa kể có những lúc như đang làm việc, bỗng nghe có “loa” kêu từ ngoài “front desk”: “NL có khách tìm.”

Lơ ngơ đi ra, nhìn thấy một chị xách trên tay hai khay đầy những ly nước mía to đùng. “Tôi bán nước mía Viễn Đông. Có một người từ Florida gọi sang order nước mía nói mang đến báo Người Việt giao cho cô NL.”

Không biết nói sao luôn, vừa cảm kích sự ưu ái của độc giả phương xa, mà cũng cảm kích luôn tấm lòng hiếu khách của chị chủ tiệm nước mía, bởi vì như chị nói“chưa khi nào đi giao nước mía như vầy hết!”

Có lẽ thật khó mà kể cho hết được những độc giả mà cho đến giờ tôi vẫn chưa từng một lần gặp mặt nhưng cứ thỉnh thoảng lại ghé đến gửi nơi quầy “front desk” cho tôi ít trái thanh long, vài chục ổi, dăm hộp chè, đôi hộp bánh… để “ăn cho vui, thấy mọi người làm việc cực quá!”

Hay có lúc điện thoại chợt reng, từ phía bên kia, một giọng vừa lạ vừa quen, “Chào cô NL, tôi là Bùi Bảo Trúc, tôi gọi đến để nói với cô rằng cô viết bài được lắm!”

Những nghĩa cử đó, tôi biết, mình không thể nào mua được, không thể nào ước mơ mà có. Nhưng nó là sự thật và là nguồn khích lệ tinh thần không gì sánh nổi cho những người làm phóng viên như chúng tôi.

 Phóng viên Người Việt và những áp lực cùng bất trắc

Như đã nói, đi làm báo, mà lại làm báo Người Việt ở Little Saigon thì đó vừa là một sự tự hào, một niềm hãnh diện với tất cả những ai theo đuổi sự nghiệp làm báo tiếng Việt tại hải ngoại. Nhưng đồng thời, trong một chừng mực nào đó, danh xưng “Tôi là phóng viên báo Người Việt” tự nó đã hàm chứa nhiều áp lực, khó khăn và bất trắc.

Tôi là một phóng viên quèn, chưa đủ để “được” công an “mời đi uống cà phê” mỗi lần về Sài Gòn như nhà báo Hà Tường Cát, nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên, hay như nhà thơ Du Tử Lê, hoặc thậm chí không thể nhận được visa về Việt Nam như nhà báo Nguyên Huy hay Đinh Quang Anh Thái. Thế nhưng tôi vẫn nhớ lời “rào trước đón sau” của một người chị chồng trong lần tôi về thăm bạn bè, gia đình cuối năm 2010, đầu năm 2011, “Em ở lại nhà chị ngủ, đừng ở bên nhà chị H. nữa vì anh rể đang làm cho nhà nước, mà em lại làm cho báo Người Việt bên kia. Có gì liên lụy đến công việc của anh thì không hay.”

Tôi thoáng nghe chút gì như bóp nghẹt tim mình. Tôi hoàn toàn cảm thông với sự lo ngại của người thân, nhưng tôi cũng không thể tránh được một ý nghĩa mỉa mai chua chát trong đầu, “Ở bên kia thì người ta biểu tình vì cho rằng mình là Việt Cộng. Về bên này thì chính người nhà lại sợ mình là ‘Việt gian phản động. Đúng là đời!”

Tôi nhớ lần được phân công đi làm phóng sự đồng hương biểu tình chống Trung Quốc ở Palm Springs. Trong khi có những đồng hương thẳng thắn phát biểu những suy nghĩ của mình về lý do tham dự biểu tình khi được phỏng vấn, thì cũng có nhiều cô chú sẵn sàng ném về phía phóng viên Người Việt những cái nhìn nghi ngại, dè chừng. Tôi nhìn họ sôi nổi đứng diễn tả vừa bằng lời vừa bằng tay cho một phóng viên gốc Á khác nhưng nhân danh một tờ báo Mỹ, mà tự dưng đâm ra giận ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ ngay từ thuở xa xưa đã dạy con mình sự chia rẽ, hận thù và đố kỵ.

Tôi nhớ những lần phóng viên Hà Giang, phóng viên Nguyên Huy bị mời ra khỏi các cuộc họp báo chỉ vì lý do “là phóng viên báo Người Việt” mà nghe mặn đắng cho những lối hành xử.

Tôi lại nhớ lời của anh Khôi Nguyên, thư ký Người Việt Online, nói một cách cay đắng, “Trong khi những phóng viên, nhân viên báo Người Việt bị người ta vu là Việt Cộng là cộng sản ở đây thì ở bên kia, bạn bè tôi đã chỉ thẳng vào mặt tôi mà mắng ‘Tại sao mày lại đi làm cho tờ báo phản động?’”

Ngẫm lại, nếu tiếng nói tờ báo Người Việt không mạnh, không đủ sức làm “ai đó” khiếp sợ thì cớ sao trong nước lại phải chặn website Người Việt? Và bên này, một tờ báo lớn gục xuống thì ai sẽ là người hưởng lợi? Thế thì phải “đánh” nó thôi, và tìm đủ mọi lý do để “đánh”, dù là đê tiện nhất.

Thế nhưng dường như người ta quên một điều giản dị trong đời sống: càng bị dồn ép, càng bị truy bức thì sức tự vệ và khả năng chống của con người trả càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Và tôi cùng các đồng nghiệp của mình lại nhìn vào những niềm vui, những tình cảm trìu mến, tin yêu của độc giả mà tiếp tục công việc sao cho trọn vẹn nhất.

Ngoài kia, những gương mặt cười, những bàn tay ấm, trong tiết Xuân, kéo chúng tôi hướng đến…

Tháng 1, 2014