Những ngã rẽ

SP 0

Tin vui!

Đã tìm được bạn L. Bạn hiện là giáo viên trường THPT VH thuộc huyện VH, một huyện giáp biên giới Campuchia của tỉnh Long An, cách thủ phủ Tân An của Long An hơn 90 cây số.

L. có chồng cũng là thầy giáo, học trước mình 6 năm. Bạn có một con gái và một con trai.

Bạn L. biết trường LL dạy và sẽ liên lạc để có số điện thoại của LL. Từ LL hy vọng sẽ tìm được Th. Cũng từ LL có thể biết manh mối của V (đang ở Pháp)…

L. cũng cho biết chị Th (cao) đã về Bắc từ lâu nhưng chị còn có một người anh đang dạy ở Mộc Hóa và L. cũng sẽ cố gắng tìm lại anh để thông qua đó tìm cách liên lạc với chị Th.”

Đọc xong những dòng trên, tự dưng chảy nước mắt!

Có lẽ do những địa danh mà bạn nhắc, nghe sao nó xa xôi quá, xa đến lạ, mà nơi lạ đó lại là nơi có bạn mình đang giảng dạy! Những đứa bạn cùng qua tuổi 18 đôi mươi, cùng chung một giảng đường, cùng thầy, cùng cô, cùng qua 4 năm đại học với bao mùa thi cử rồi cùng nhau tốt nghiệp. Vậy mà sau 20 năm, nhìn lại, nhiều điều lạ lẫm đến ngỡ ngàng.

Có lẽ, nếu không có lần hội ngộ bạn bè sau 20 năm rời khoa Văn trường ĐHSP này, ắt hẳn tôi không cảm thấy cuộc đời có những điều thật đẹp đến vậy, rưng rưng đến vậy và cũng xôn xao nhiều nỗi đến vậy.

Khóa chúng tôi là khóa có số lượng sinh viên ít nhất xưa nay, 2 lớp, 45 mạng, ra trường 40 đứa, 5 tên gãy gánh giữa đường bởi những chọn lựa khác.

40 đứa cầm bằng tốt nghiệp nhưng bao nhiêu đứa dấn thân vào nghề được đào tạo, tôi không biết chính xác, chỉ có thể nói nôm na là nhiều, trong số nhiều đó, có tôi, cũng đi một chặng, dù không đến đích. Mà trong số những đứa chọn nghề dạy học, có phải đứa nào cũng dạy trung học đâu. Có bạn về trường cấp 2, có bạn về các “trung tâm bồi dưỡng thường xuyên” dạy bổ túc văn hóa

Ngày chia tay, mỗi đứa bay mỗi nơi, xin nhiệm sở, xin chỗ làm, đứa về quê, đứa trụ lại thành phố… Năm tháng qua đi, những đứa cùng nghề, cùng thành phố, năm khi 10 họa có gặp nhau ở những lần đi chấm thi tốt nghiệp. Còn bạn bè khác, chẳng biết phương nào. Cũng chẳng có thời gian để nhớ nhau. Cuộc sống mà, cứ đổ lỗi như vậy, ai có phận nấy, tất cả cứ bị cuốn đi, tuồn tuột.

Để giờ đây, từ ý tưởng họp lớp sau 20 năm, mới có cơ hội đi tìm lại nhau, những đứa sinh viên của khóa 90-94 ngày nào, giờ ở đâu, làm gì.

Nháo nhào đi kiếm, mới hay bạn bè mình chỉ có chừng ấy mà cũng thất thoát thông tin nhiều. Cố gắng nay có thêm đứa này, mai lượm được thêm đứa khác. Có tin đứa nào, lại thấy mừng như tìm thấy… cố nhân.

Gặp nhau, sau 20 năm, lạ lắm. Bởi tự nhiên thấy ai cũng dễ thương, đến lạ. Cái điều mà thời khinh khỉnh của tuổi con gái đôi mươi mình không có được, đó là những cái ôm chầm lấy nhau, không khoảng cách. Mừng là mừng thật.

Nhưng cũng nghĩ nhiều thật.

Cùng trường, cùng lớp, cùng năm, cùng thầy. Cùng những bài học. Cùng những kỳ thi. Cùng một cánh cửa để vào đời. Nhưng tất cả lại không thể giống nhau ở hai chữ “số phận” (hay “số mệnh” nhỉ)

Có bạn may mắn lắm, trong công việc, trong đời sống. Nhưng cũng có bạn gian nan quá, ở góc này ở mặt kia của cuộc đời. Tôi nhìn bạn bè mình, sau 20 năm, lại thấm thía, ông trời luôn không công bằng. Bạn gắng sức nhiều, bỏ công nhiều, chưa hẳn bạn đã có được điều bạn muốn, và ngược lại. Có bạn cơ hội đến trong tay dễ dàng quá. Có bạn lần tìm hoài vẫn chưa với tới một vận may, nó nằm ở đâu đó xa lắc.

Đọc lại mẩu tin trên, tôi hình dung lại nét mặt, nụ cười của những bạn bè được nhắc tên, những người không có mặt trong ngày phần đông chúng tôi về hội ngộ, để thấy bạn vừa gần thật gần cái thuở 4 năm đại học, lại vừa xa dịu vợi ở một nơi không email, không facebook.

Từ một cánh cửa bước đi, quả thật, không chỉ có một lối. 45 đứa, không đứa nào giống đứa nào. 45 ngã rẽ, có thể giống chút nào đó, nhưng vẫn là 45 ngã khác nhau rất nhiều.

SP 1

SP 2

SP 4Năm nhất – Năm tư – và năm nay 🙂 Chỉ mới 4 người thôi đã là 4 con đường hoàn toàn khác.