Phận người

Giữ lời hứa, post khi wi-fi ở nhà vô được, và để chờ hội đồng nội các họp sau khi ăn lễ

(Cũng là để chờ thầy lý kể xong câu chuyện không có hồi kết thúc của ổng)


Vẫn còn ngà ngật sau giấc ngủ xế, tôi phải lấy kính đeo vô và hỏi lại “Cái gì?” sau khi nghe em hớt hải từ sân bước vào nói, “Chị, em phải đi dzề. Thằng con em đang hấp hối.”

“Đứa nào? Ai gọi cho em?” – “Thằng lớn. Ổng gọi.” Thằng lớn con em 22 tuổi, đang học trung cấp nông nghiệp. Ổng mà em nói chính là chồng em, là người mà em phải trốn lên Sài Gòn kiếm việc làm để tránh “một tháng 30 ngày, ổng quýnh em hết 29 ngày” nhưng lại phải nói dối rằng “đi tiếp cho thằng em ở Sóc Trăng” vì “ở nhà ổng mài dao, mài mác nói thế nào cũng có ngày tao giết mày. Ổng mà nghe em ở Sài Gòn thế nào cũng nói em theo trai sẽ mò lên tận đây.”

Nghe em trả lời, tôi bật miệng “Ổng nói vậy để kêu em về. Em gọi cho con em chưa?” – “Nó đang trong bệnh viện đâu có nghe. Điện thoại nó ổng đang cầm nè.”

“Em có thể gọi cho bà con người quen nào để hỏi cho rõ lại được không?” Tôi gợi ý tiếp.

“Để em gọi cho cậu Tư nó.”

Vừa tìm số, em vừa lầm bầm “Sao kỳ dzậy hỏng biết, hồi tối nói nó đỡ rồi, sao giờ lại như dzậy”

Không gọi được cậu Tư, em đứng mặt thất thần. “Nó bị làm sao?” Tôi gợi chuyện trong lúc đứng cạnh em chờ đợi quyết định của chị tôi, chủ nhà nơi em đang giúp việc.

“Nó uống thuốc.” – “Uống thuốc tự tử?” Tôi nhíu mày. Em gật đầu. “Tại sao vậy?” – “Nó buồn tại ổng quậy quá” Em nói như đang thở dốc.

Em lên làm công việc “người giúp việc” chưa trọn một tuần. Nhớ hôm đầu em lên, buổi trưa, bước vào nhà với nụ cười tươi rói và làn da ngăm đen, buông giỏ xuống là lăng xăng vô bếp làm quen liền với 2 người giúp việc khác (những người chờ em lên thế chỗ để họ về quê vì nhiều lý do khác nhau).

Nghe em nói với chị tôi là em 38 tuổi, có 3 đứa con, thằng đầu 22, đứa con gái học lớp 10, và thằng út học lớp 7. “Em đi làm vầy chồng và mấy đứa nhỏ có đồng ý không?” Chị tôi hỏi. “Dạ em sắp xếp hết rồi. Chịu hết rồi.” Em trả lời nhanh nhẹn.

Thế nhưng sáng hôm sau, khi ngủ dậy, từ lầu đi xuống, tôi đã nghe nói em xin về để giải quyết chuyện nhà, chiều lên lại.

Chiều tối hôm đó em không lên. Nghĩ rằng vậy là em về quê luôn rồi, như một cách từ chối công việc. Ai dè, chiều hôm sau thấy xe ôm chở em tới. Cũng nụ cười khoe hàm răng trắng bóng.

Tôi nhớ một buổi trời vừa sập tối, anh chị tôi đi khám bác sĩ. Nhà vắng. Mang ly nước định lên lầu nằm ngẫm sự đời, coi tin tức, ngó ra sân thấy em đang ngồi thẩn thờ, tôi hỏi, “Nhớ nhà hả?” Em gật đầu.

Tôi mang ly nước ra sân ngồi với em.

Em ở Cần Thơ từ nhỏ. Đây là lần đầu tiên mới rời khỏi xóm để biết Sài Gòn. Em lấy chồng từ năm 17 tuổi với lý do “Khổ lắm chị ơi, hồi nhỏ ở nhà ông già quậy lắm, thấy má khổ quá, em muốn lấy chồng để ra khỏi nhà, để không nhìn thấy má khổ. Ai dè, ổng còn quậy hơn ông già em nữa. Số em sao mà cực quá không biết nữa.”

“Ổng quậy làm sao?” – “Ổng có bệnh ghen, nên có chút rượu vô là ổng nói bậy. Nói bậy lắm chị ơi.”

Em kể ổng hơn em cả chục tuổi. “Trước khi lấy chồng, em ở chợ nên đâu có làm gì đâu”. Lấy chồng vào trong quê, sanh đứa đầu xong là cái gì em cũng làm để kiếm thêm tiền, từ mò cua bắt ốc, đến làm ruộng làm vườn, và hiện tại là đi phụ hồ.

“Ổng làm gì em làm đó. Làm chung chỗ mà còn bị ổng ghen ổng chửi vậy đó chị.” – “ổng ghen làm sao?” – “Cái gì ổng cũng ghen và nói bậy. Em nói chuyện, em ngồi, em đứng, cái gì ổng cũng nói bậy được hết. Rồi ổng đánh.”

“Mấy đứa nhỏ lớn rồi, tụi nó thấy ổng quậy như vậy cũng mắc cỡ. Em nói với ổng ông đi từ đầu trên xóm dưới coi có ai bạc phước như tui không. Đi làm quần quật từ sáng đến tối, về nhà lại cơm nước giặt giũ mà còn bị đánh bị chửi suốt.” Em kể, miệng cười, mà tay quẹt nước mắt.

Em kể bệnh ghen của ổng ngày càng nặng, kiếm chuyện với em ngày càng nhiều. “Ở xóm đó chỉ có hai nhà xa nhau. Nhà em không có cửa sau, mà ổng cứ lấy dao lấy mác ra mài, vừa mài vừa nói thế nào có ngày tao cũng giết mày.”

“Em sợ không? Mỗi lần ổng chửi em nói gì?” – “Sợ chứ chị. Ổng chửi em làm thinh à, toàn là nói ngọt ngọt không à, chứ nhà không có cửa sau, em chạy đi đâu, thằng con lớn em thì đi học khuya lắm mới về. Lỡ ổng làm bậy em có kêu cứu cũng đâu có ai nghe.”

“Em đi làm vầy mấy đứa con em có nói gì không?” – “Thằng lớn ngoan lắm chị. Em tưởng nó là pê-đê đó. Nó nói má đi đi. Hai đứa nhỏ thì em gọi nhắc chừng sợ tụi nó bỏ học. Mỗi tháng em xin về một ngày thăm tụi nó.”

“Còn ông xã?” – “Ổng đâu có chịu cho em đi. Nói em đi theo trai. Hôm trước em vừa về ổng túm cổ em quýnh nè. Hôm nay đỡ đỡ rồi.” Em vừa nói vừa đưa tay chỉ vào vết bầm. “Em trốn đi đó chớ. Ổng càng ngày càng sanh tật.”

“Em đi ổng có gọi không?” – Em cười gật đầu. “Ổng có hăm he không?” – “Ổng nói chuyện trong điện thoại thì bình thường nhưng mà em nói em đi tiếp cho thằng em ở Sóc Trăng, chứ ổng biết em đi vầy ổng nói em theo trai, thế nào cũng mò lên tận đây.”

“Em đi em có nhớ ổng không?” – “Có” em cười gật đầu không chút đắn đo. “Đi thì nhớ, mà ở nhà thì khổ quá!” Em lại cười, tay quẹt nước mắt.

Chị tôi lo gọi điện thoại kiếm người khác lên giúp. Tôi nói em “thôi lên chuẩn bị đồ về chứ tính sao bây giờ?”

Sợ chị tôi buồn, em phân bua, “Em nói với cô là em làm đến Tết, nhưng giờ chuyện này xảy ra, từ sáng giờ em làm mà đầu óc đâu đâu không à!”

Chị tôi bảo “Em về đi” Chỉ chờ nghe vậy, em lật đật chạy lên lầu lấy hành trang. Chưa đầy 3 phút, đã thấy em xong. Mà lẹ cũng đúng, chỉ mỗi một cái giỏ, hai ba bộ quần áo.

“Giờ có còn xe về không chị?” Em hỏi tôi. “Chị cũng không rành nữa” Tôi đưa mắt nhìn về phía chị. “Xe chạy suốt đêm.”

Gọi điện thoại cho người chạy xe ôm quen nhờ chở em ra bến xe. Không người bắt máy. Em lại nói như sợ chủ nhà giận “Mỗi lần đi mỗi lần em sợ lạc muốn chết, có biết đường sá gì đâu. Nhưng chuyện như vầy…” Em lại đưa tay quẹt nước mắt.

Chờ em lấy xong tiền lương, tôi đưa em ra cửa “Thôi đón xe ngoài đầu ngõ đi. Về đến nơi có gì báo cho biết với nha.”

Tôi đứng nhìn theo cho đến khi thấy bác lái xe ôm rồ ga.


Sáng nay chị tôi gọi điện thoại hỏi thăm, em nói “Nó khỏe rồi, nó bị rồi loạn thần kinh.”

Có lẽ, dù khổ thế nào, em cũng không đành lòng rời khỏi chốn quê.