Xa cách ở Sài Gòn, trùng phùng nơi đất Mỹ

Ngồi góp nhặt lại những gì trong chuyến đi công tác vừa rồi chợt nhớ ra một chuyện thật hay:

Số là xưa khi còn ở Phú Quốc, ba má tui có quen biết với một gia đình ông bà N. Sau 30/4, gia đình họ đi vượt biên. Tui nhớ má tui kể bà N đi ngang nhà còn rủ má tui “Đi, đi” nhưng vì nhìn đám con nheo nhóc, má tui sợ… thế là ở lại cho mãi đến 18 năm sau.

Sang Mỹ, thỉnh thoảng tui có nghe má tui nhắc gia đình đó khi kể những chuyện gì có liên quan đến ngày xưa…

Hôm biết tui đi công tác ở Florida, má tui chợt nói: Nghe mấy người quen ở PQ nói gia đình ông bà N sang Mỹ ở FL làm nghề trồng rau. Con đi như vậy biết đâu kiếm ra họ.

Tui ậm ừ. Cái FLorida nó lớn chà bá như vậy, biết nơi mô mà tìm.

Sau 2 ngày quần dưới vườn trái cây ở Miami, đến ngày thứ 3 tui được chở đến vườn rau của anh Dũng ở Wimauma. Người chăm coi vườn rau này là chú Mười.

Nhớ lúc đó chiều tối rồi, còn ráng nấn ná lại để hỏi thăm dăm ba chuyện trong một ngôi nhà mobile home không khác gì lắm một ngôi nhà ở tận miệt quê quê quê nghèo ở miền Tây (cứ hình dung bước vào cửa, nhìn thấy nhà bếp y chang như chái bếp nhà quê (ai ở quê sẽ biết chái bếp 🙂 ), bước vào restroom, thấy một lỗ thủng trên trần đang được bịt lại bằng một… ống quần jean, ống còn lại lơ lửng giữa trần, hehe) Nói chung là một ngôi nhà đậm chất quê miền Tây được bê nguyên xi sang Mỹ với đủ mùi của mèo, của mẻ gạo khô phơi ngoài sân cùng ít cá khô, của những thứ tủn mủn được nhặt nhạnh chất quanh cửa bếp…

Và chủ nhà cũng rất nhiệt tình kiểu người nhà quê. Đang làm thấy trời sụp tối, lại nhận được điện thoại từ “ông chủ” nên chú Mười ngừng việc kêu vô nhà nấu cơm cho ăn. Tui thì không ngại, cũng muốn ăn thử một bữa cơm trong nơi ruộng rẫy là như thế nào. Nhưng vào nhà rồi, nhìn mặt cụ Ốc thì tui hiểu là “bà có ăn thì ăn đi, đừng hòng ép tui thử, tui chỉ muốn đi về liền thôi”.

(hình như lúc đó chả cũng không có ngồi xuống ghế mà chỉ đứng chần dần giữa nhà thôi)

Thế nên tui chỉ cố gắng gợi chuyện cho chú Mười kể để ổng khỏi đi nấu cơm. “Ở đây có gia đình bà N làm nghề này lâu nhất, phải hơn 30 năm…”

What! Chú Mười vừa nhắc tên người y chang tên người quen của ba má tui! Đó là một cái tên không nhiều người có. Chú Mười nói thêm ông N mất cách đây 4-5 năm rồi, chỉ còn bà vợ coi sóc nông trại.

Tui hỏi xin số điện thoại, chú Mười không có.

“Chú, có thể đó là người quen của ba má con đó, chú dẫn con đến đó được không?” Chú Mười nói nông trại đó cách chừng 20 phút lái xe.

Thế là đi. Dĩ nhiên là cụ Ốc làm tài xế, ra khỏi nhà đó là ổng mừng rơn rồi. Đường tối hun hun. Chẳng thấy gì. Cụ Ốc chạy xe theo chỉ dẫn của chú Mười.

Đến nơi, thấy có nhiều người vẫn còn đang lựa bưởi, cho bưởi vào thùng rửa và wax trước khi mang về.

Hỏi thì nghe: Bà N. đi Calif thăm con rồi, ít hôm mới về!

Trớt quớt!

Một ông đang lựa bưởi nghe tui kể lể, bèn cho tui số điện thoại của bà N.

Tui gọi cho má tui, đưa số.

Má tui gọi thử.

Có ai ngờ chia tay từ ngày 30/4 mà giờ đây, gần 40 năm họ lại liên lạc được với nhau qua một tình cờ ngẫu nhiên như thế!

Hỏi xem có kỳ lạ không chứ, hehehe, xem ra tui có duyên nối lại những mất mát thất lạc đó nha bà con 🙂

Sẵn đây cũng muốn hỏi luôn là ai có biết những câu chuyện trùng phùng tương tự, làm ơn giới thiệu dùm tui nha. Cám ơn rất nhiều (độc giả nào mắc cỡ không dám thổ lộ ở đây thì email cho tui nha: ngoclan@nguoi-viet.com)


Đang kể tiếp một chuyện bà tám nữa thì bấm cái quỷ gì nó biến mất tiêu, hic, ghét, đi ngủ, hôm khác tám 🙂