Đầu thu mình nói chuyện đời

Chuyện đời thì có quá nhiều chuyện để nói, giờ chỉ khoanh vào chuyện: sống trong đời, ai cũng có nhu cầu được giải bày, được cảm thông, hay nói một cách gọn gàng nhất, đó là ai cũng có nhu cầu giao tiếp với người khác.

Cứ nhìn vào sự tồn tại và phát triển của… cái blog này thôi cũng đủ thấy nhu cầu được nói (dưới hình thức viết), được nêu suy nghĩ, được giải đáp thắc mắc, được… cà khịa… là như thế nào. Nhưng với tui, quan trọng hơn hết, con người vẫn khao khát có được sự thông cảm, cộng hưởng, chia sẻ về một điều hay nhiều điều của mình từ những người chung quanh.

Chiều nay, tôi tìm được tấm giấy ghi số điện thoại và tên của một người lạ. Xoay xoay tấm giấy trên tay một hồi để nghĩ xem số này là số gì, tui chợt nhớ cách đây ít nhất phải 3 tuần, đồng nghiệp Thiên An có đưa cho tui một số điện thoại kèm theo lời nhắn “Có cô này muốn được nói chuyện với chị để tâm sự gì đó.” Tui ừ ừ nhưng chuyện này kéo chuyện kia, khiến tui quên mất đi.

Tui gọi số phone trên tờ giấy. Người nghe là một phụ nữ đứng tuổi. Khi tui giới thiệu “đây là phóng viên NL của NBNV…” giọng nói bên kia trở nên hoạt bát hẳn. Cô hỏi tui có thể sắp xếp cho cô một buổi đến thăm và trò chuyện được không. “Dạ được. Nhưng mà chuyện liên quan đến điều gì vậy cô?” – “Chuyện đời thôi cô, nhưng mà buồn lắm!” Giọng người phụ nữ chùng xuống. 3 tuần hơn rồi, mà vẫn không quên điều mình muốn nói, nhưng chưa nói ra được, nghĩa là nhu cầu được chia sẻ, được có người lắng nghe vẫn hãy còn y nguyên.

Gọi điện thoại xong, tui đọc lại một email của độc giả do sếp Hà Giang chuyển:

“Tôi là một người phụ nữ 60 tuổi, cao… nặng… góa phụ (chồng qua đời 10 năm), lẻ loi, không có tài sản, có Medical, không bị các bệnh truyền nhiễm, bị đau xương cột sống, thấp khớp, không làm được công việc nặng nhọc như xách quá 5 lbs, đi lại bình thường, tự chăm sóc bản thân được, biết lái xe, trình độ 12 trước 75, người Tin Lành, muốn tìm nơi nương tựa cuối đời, nếu được sống với gia đình con cái Chúa thì phước lành. Ai có tấm lòng từ tâm, thiếu thốn tình thương của mẹ, nếu được, có thể nhận người mẹ, người chị, người em, hoặc cô, dì này cùng sống với nhau, nương tựa nhau. Xin liên lạc về email…”

Thoạt mới đọc, nội dung email này có thể khiến mình phì cười.

Thế nhưng, đọc thêm 1 lần, rồi 1 lần nữa, lại nghe ra một nỗi gì cô độc đến não nề. Nỗi khao khát tìm được một ai đó làm nơi nương tựa, không nhất thiết đó phải là một người đàn ông, một người khác phái, mà đơn giản hơn, chỉ là có người để trò chuyện, để không cảm thấy lẻ loi, tui nghĩ, đâu phải chỉ có ở nơi người gửi email này. Mơ ước là vậy, nhưng mà trong cõi con người, tìm được người để nương tựa, để nghe nhau nói, liệu có dễ dàng không?

Cũng mới đây thôi, khi nghe một đồng nghiệp lớn tuổi bảo “Cuối tuần tao đi dự đám cưới thằng bạn tao, năm nay nó gần 75 rồi, nó lấy cô đó cũng gần 60…”

Mới nghe, tui cũng á lên một tiếng, bởi tui biết người mà chú đồng nghiệp tui nhắc đến, người đó từng là một nhân vật trong bài viết của tui từ hơn 2 năm trước, cũng là người góa vợ nhiều năm nay. Rồi tui cũng chợt nhận ra, cũng là một nhu cầu rất quan trọng của con người: muốn có người nghe mình nói, hiểu mình làm, và hơn hết, có người sẻ chia những buồn vui. Nghĩ vậy, bỗng thấy vui lây cho chú đó, tự nhủ để hôm nào rảnh, gọi điện thoại “chúc mừng chú :p”

Và cũng trong nhu cầu được giao tiếp, lại nảy sinh hiện tượng: mình bị bỏ rơi hay lãng quên!

Điều này dường như chỉ xảy ra với những người thích mình là “cây đinh”, là người luôn được nhắc đến ở một nơi nào đó, một chốn nào đó. Họ luôn là người mang đến tiếng cười, niềm vui, sự náo nhiệt cho chung quanh. Tuy nhiên, chỉ cần một điều gì họ nêu ra mà không nhận được bất kỳ sự hưởng ứng nào từ người khác, thì ngay lập tức họ “sốc”, họ “hận” và thu mình lại, hậm hực nhìn đời. Và họ tự mang cho mình cảm giác như người bị gạt bỏ, bị lãng quên. Và dần dần… bị điên nếu như không thức tỉnh kịp thời 🙂

Không biết có ai trong này bị rơi vào cảm giác này chưa, tui thì có bị rồi đó, hahahah, nhưng tui chưa vô nhà thương điên, tức là tui biết thức tỉnh đúng lúc 🙂

Nói túm lại là mùa thu đến, mùa rất dễ mang người ta đi đến cảm giác của sự buồn bã, theo kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, mùa của những mơ màng lẫn ảo não, mùa của nhớ nhung lẫn phiền muộn. Thế nên, tốt nhất, có gì hãy ráng giữ, nhất là khi có người để mình trò chuyện, đừng ngúng nguẩy, đành hanh, không thôi có khi nhìn người ta cười cười nói nói, ra vô còm còm, cãi cãi, mình thu lu một mình, khóc, hic.