Đông đặc

Ngày hôm kia. Ngày hôm qua. Ngày hôm nay.

Ngồi trước máy, muốn viết một điều gì đó. Nhưng mà tất cả dường như đông đặc.

Nói chuyện với ba của Kim Phạm, khi nghe ông nói “những đứa nhỏ rất cần tình thương để lớn lên và trưởng thành. Sẽ rất nguy hiểm nếu nó lớn lên trong sự thiếu tình thương, vì nó sẽ tìm tình thương từ nơi khác ngoài gia đình, tôi nghĩ điều đó không lành mạnh,” bỗng dưng muốn viết về những kiểu thương con, dạy con từng nghe, từng thấy.

Như một mợ kia giảng giải với đám bạn bè “Thương con là phải giữ trong lòng, không có để cho nó thấy nó lừng. Đừng có ôm hôn hay tỏ ra dịu dàng với nó, sẽ không dạy nó được.” – Nghe xong, tui nghĩ, mụ này đi làm cai tù chắc còn không xứng đáng nữa chứ làm mẹ cái mốc gì.

Hay như một mợ khác, công thành danh toại, giàu nứt đá đổ vách, nhưng nhìn 4 đứa con mợ – người xung quanh bảo “không biết nó có là quỷ không, chứ người thì chắc chắn là không phải rồi đó!” Mợ cùng chồng chỉ biết chúi mũi đi làm kiếm tiền, bao nhiêu cũng không là đủ. Đứa con lớn vừa vào tuổi teen là đã mắc bệnh chửi. Nó chửi tất cả, từ ông bà, ba má nó cho đến em út và những người quanh nó mỗi khi có điều gì nó không vừa ý. Thầy cô không chịu nổi. Má nó phải chuyển nó ra trường tư. Cũng không xong. Cho nó vào học trường dành cho “trẻ đặc biệt” nhưng còn 1 năm nữa tốt nghiệp trung học, người ta cũng đầu hàng. Cuối cùng, má nó chọn giải pháp cho nó đi du học ở… Việt Nam, cách ly với ba má nó, may ra nó nên người. Mấy năm nay nó sống ở Sài Gòn, nghe nói cũng “đỡ đỡ.”

Em nó thông minh hơn, vừa kịp lớn nó vừa kịp hiểu “con bị bệnh” sau khi lên internet tìm kiếm tại sao nó có những biểu hiện những hành vi lạ cũng chẳng khác gì anh nó. Thế nên, trước mặt ba má nó và nhiều người lớn khác, nó đề nghị “Con biết con bị bệnh, một loại bệnh bị ức chế tâm lý bla blab la… Ba má cho con đi chữa bệnh.” Ba má nó nhìn nhau và nói với mọi người, cũng là nói với nó, “Bệnh hoạn gì. Bình thường.” Nó cứ việc ở nhà la hét, đập phá, muốn đi đâu thì đi, ba má nó phải đi lo cho cái business càng lúc càng khuếch trương hoành tráng. Không bác sĩ, không hỏi han. Bình thường mà, bệnh hoạn gì.

Những đứa nhỏ sau, cũng không khá gì hơn. Nhưng vì mở đi làm nhiều, nên phải đăng báo tìm người giúp việc, lương trả rất hậu. Thế nhưng, dù trong thời buổi người đông việc ít, vậy mà không ai có thể trụ lại quá 1 tháng. Kinh khủng quá, những đứa nhỏ trong nhà đó. Nhưng “tụi nó bình thường mà!” Mợ má nó khẳng định sau mỗi tối về đến nhà, dù có bị thằng con đến quýnh cái bốp, hay nhỏ con đến hét cho vài câu tục tằng.

Muốn viết lắm, nhưng mà chẳng biết làm sao cứ ngồi thừ.

Lại muốn viết về chuyện dạo này tui bắt đầu biết cách làm những món ăn không Việt Nam, tức theo kiểu Mễ, Mỹ gì đó. Số là 2 đứa nhóc ở nhà cứ bày trò muốn nấu cái này cái kia. Bắt dẫn đi chợ, mua một lô một đống những thứ gia vị mà nhỏ tới giờ tui chưa bao giờ đụng tới. Rồi đứng nhìn tụi nó làm. Ngứa mắt, ok, bây giờ muốn làm gì mẹ làm cho. Hahaha. Mẹ làm thì thế nào cũng có chất nước mắm. Nhưng ok, cũng là một món có thể cho vào mồm.

Rồi có lúc lại muốn viết về cây cỏ trong vườn. Cảm giác của mỗi ngày bước ra nhìn thấy lựu đỏ hơn, trĩu quả hơn, thấy cành táo tàu sai oằn đang chín từng ngày, thấy bông thanh long đẹp lộng lẫy nhưng rất chóng rã rượi, thấy mãng cầu cứ mỗi ngày thêm trái, dù trái bé tẹo…

Muốn viết đủ thứ,

Nhưng mà

Oải

Hehehe

Thôi, nghe nhạc đi, cho nó có sinh khí một tẹo, rồi đi nấu bún cá ăn