Khi cha mẹ không đồng nghĩa với yêu thương

Mặc dù World Cup đang chiếm lĩnh tình cảm, suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là với ai đang cố gắng thất tình thì đây là thời điểm thích hợp nhất để lựa chọn, nhưng dù gì thì hôm nay cũng là Father’s Day nên phải dành ít hàng nói về đề tài này cho có tính thời sự.

Năm nay tui chuyển đề tài, không tìm viết về sự hy sinh, yêu thương của người cha, người mẹ dành cho con hay tình cảm quý mến của con dành cho cha mẹ, mà tui muốn tìm hiểu một góc nhìn khác, nơi không phải ai cũng dễ nói ra, đó là tại sao có những đứa con không thể nào thương ba, gần ba của mình được.

Tui nghĩ phần lớn ở đây, những người đang đọc blog này, là những người may mắn có được người cha yêu thương, chăm sóc, bảo bọc cho mình, như ba của thầy lý Tâm để giờ đây khi ông qua đời rồi, nhưng trong câu chuyện thầy lý kể về kỷ niệm được ba dẫn đi coi đá banh nó đong đầy sự yêu thương luyến nhớ.

Như có lần tui nói, công việc của một nhà báo cho tui cơ hội được tiếp xúc, được lắng nghe rất nhiều câu chuyện, mà cứ qua mỗi câu chuyện, tui lại nhìn cuộc đời này có thêm bao điều lạ lùng, dẫu có nằm mơ, tưởng tượng mình cũng không nghĩ ra được.

Và trong số những câu chuyện góp phần làm cho cuộc sống này luôn đa dạng, đa màu chính là câu chuyện của những đứa con không thể nói tốt về cha mẹ mình. Hay nió về cha mẹ, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với yêu thương

Tui ngẫm nghĩ hầu hết công việc gì khi chúng ta đi làm cũng đều đòi hỏi có bằng cấp, có chứng chỉ. Thế nhưng chẳng ai cần phải đi học để lấy 1 mảnh bằng về kỹ năng làm mẹ, làm cha cả. Thành ra, nói một cách dân dã, trong nhờ đục chịu, đứa trẻ không có quyền chọn cha mẹ của mình và vì thế cuộc đời nó ngay từ khởi đầu đã là một sự phiêu lưu để sống còn cùng mẹ cùng cha…

Cách làm cha làm mẹ của mỗi người sẽ không ai giống ai, chỉ biết rằng cuối cùng điều mà đứa con nhận được là gì.

Cha mẹ muốn uốn nắn đứa nhỏ thành một phiên bản mình thích hay để nó được sống cuộc đời của chính nó. Điều này nghe thì ngỡ rằng câu trả lời rất dễ, nhưng thực ra là không.

Hehehe, ngày Lễ Cha chỉ muốn nêu lên một vấn đề như vậy để… ai muốn nói gì thì nói 🙂

Chúc mừng tất cả các ông bố!