Anh có vui không? Hai má còn hồng?

 

Bài hát Một lần nào cho tôi gặp lại em” nó hay đến thê thiết, đến não lòng, đến chảy nước mắt là vậy. Thế mà hôm rồi trên đường lái xe, nghe đài LS radio phát bài này qua giọng hát của một nường nào đó mà tui cười đến đau cả ruột.

Là bởi

Vì người hát là một mợ nên mợ muốn sửa chủ ngữ lại thành “em” – trong khi chủ ngữ của tác giả là “anh” – cho nó có phần “tâm trạng” một tí.

Nhưng mà, trời ơi là trời. Vì chủ ngữ là “anh” nên mới có nỗi khắc khoải, da diết kiểu đàn ông nhớ về một bóng hình con gái, là nhớ mái tóc, nhớ giọng nói, nhớ đôi má hồng.

Bây giờ mợ sửa như vầy:

“Ôi mái tóc mây bay

Giờ còn không

tiếng nói thơ ngây

Giờ còn không,

Anh có vui không?

Hai má còn hồng?”

Má ơi, nhớ  Anh mà nhớ mái tóc mây bay. Nhớ Anh mà nhớ tiếng nói thơ ngây. Nhớ Anh mà nhớ đôi má còn hồng. Vậy Anh này là pê-đê!

Đó là chưa nói đến cái ray rứt, vấn vương trong lời bài hát mà chỉ có người con trai trông ngóng để nghe từ người con gái một thời mình mê đắm, chứ không thể nào là ngược lại.

Tương tự nỗi oái ăm như vậy là Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An.

Nàng nào đó cũng nức nở, nghẹn ngào, đau đớn, quặn thắt để mà “Nhớ Anh nhiều nhưng chẳng nói /Nói ra nhiều cũng vậy thôi”

Cho đến lúc cao trào của sự hờn trách: “Này Anh hỡi, Con đường Anh đi đó, Con đường Anh theo đó, Sẽ đưa Anh sang đâu. Mưa bên chồng…”

Chết man, chỗ này đổi lại “mưa bên vợ” nó hỏng có được, nó hỏng có xuôi theo khuôn nhạc. Mà hát “Mưa bên chồng có làm Anh khóc, có làm Anh nhớ những khi mình mặn nồng” thì, hahahaha, “ai can du”

Làm ơn đi, hát thì cứ hát và hát cho đúng lời mà tác giả đã ghi ra, bởi vì nó là ý đồ, là sự gửi gắm, người nghe cảm nhận được hết á, trong những ý tình đó. Đừng có sửa từa lưa nó mắc cừ lắm, trời ạ.

Giá mà nó là “Thói đời” theo kiểu “Đường thương đau đầy ải nhân gian,ai chưa qua chưa phải là người” mà giờ nghêu ngao “Đường tương, chao, đậu hủ dưa leo ai chưa ăn chưa phải thầy chùa…” thì cũng là đành

Cuối cùng, tình cờ đọc lại hết bài thơ “Giang Hồ” của Phạm Hữu Quang, khoái quá, chép ra đây để mọi người có sức làm việc ngày đầu tuần và chờ đến cuối tuần đi giang hồ nửa buổi thôi là thấy đời vui rồi, không cần “giang hồ ba bữa buồn một bữa” như thế này 🙂

 Tàu đi qua phố, tàu qua phố

Phố lạ mà quen, ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ?

 

Giang hồ đâu bận lo tiền túi

 Ngày đi ta chỉ có tay không,

 Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

 Mây trắng trời xa, trắng cả lòng…

 

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

 Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

 Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

 

Giang hồ có bữa ta ngồi quán

 Quán vắng mà ta chẳng chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một gốc si.

 

Giang hồ mấy bận say như chết

 Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều

 Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu…

 

Giang hồ ta chẳng thay áo rách

 Sá gì chải lược với soi gương

 Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

 Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

 

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,

 Thấy núi thành sông biển hoá rừng

 Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió

 Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

 

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

 Hình như ta mới khóc hôm qua

 Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

 Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.