Hành khất ở Little Saigon

 

Không biết mọi người sống ở Little Saigon có nhận thấy một điều giống tui không, là, những người hành khất – nói một cách bình dân hơn là người ăn xin – ngày một đông. Đông đến mức mình cảm thấy ái ngại khi có chuyện phải đặt chân đến nơi này, nhất là trong khu vực quanh chợ ABC, trước tiệm Bánh Mì Chè Cali…

Nếu vài năm trước đây, thoảng mới gặp 1, 2 người đứng trước tiệm bánh mì chè Cali, hễ gặp các cô các bà đi ngang thì “Cho xin 1 đồng đi cô hai,” thì hiện nay, số người này đông lên một cách kỳ lạ. Không chỉ có người Việt, mà cả Mễ, cả Mỹ, già có, trẻ có cũng tụ về đây. Đặc biệt, chỉ có đàn ông, chưa bao giờ tui thấy đàn bà ăn xin đứng nơi này.

Một số người đứng, ngồi bên ngoài bờ tường của chợ ABC thì để 1 cái thau/ly/nón hay thậm chí chẳng có gì thì xòe tay ra xin.

Một vài người thì ngồi ngay trước tiệm chè Cali hoặc đứng ngay cửa, ai vô thì họ mở cửa – mình không thể tự mở được vì họ đã nắm ngay tay nắm của cửa rồi. Khi ra thì dĩ nhiên họ cũng phải mở cửa và xin tiền, nhất là người nói tiếng Việt. Còn với người không phải Việt thì họ chẳng nói gì, ai cho tiền thì họ lấy, nhưng dĩ nhiên, nhìn thì biết là hành khất.

Đó là chưa kể, có những người đôi khi làm mình cảm thấy sợ khi mình vừa mở cửa xe thì họ tiến đến xin tiền.

Đó là chưa kể, có người không biết nên gọi là ăn xin hay là gì nữa khi họ tiến đến và bảo “Cho xin $20!” Người “bị xin” móc túi đưa 1 đồng. Chàng ăn xin chửi đổng, “Xin hai chục mà cho 1 đồng.” Dĩ nhiên là không lấy. Nạn nhân của trò này là… sếp tui.

Cũng tại khu này, trước đây có cặp vợ chồng lãng tử giang hồ biểu diễn nhạc sống để kiếm tiền độ nhật. Họ gần như độc quyền chiếm lĩnh sân khấu trước ABC. Tuy nhiên, thời gian này thì có cạnh tranh rồi, khi xuất hiện thêm một chàng trai trẻ, cũng kéo theo dàn âm thanh, micro, đứng hát trước chợ những tình khúc một thời vang bóng. Không biết họ có chia ca không, nhưng có chàng này thì không thấy cặp vợ chồng kia và ngược lại.

Không chỉ tập trung quanh khu chợ ABC mà tại các giao lộ như Bolsa-Magnolia, Bolsa-Brookhurst, First-Euclid,… cũng có nhiều người cầm bảng xin tiền, đa số không là người gốc Việt. Những nơi này thì có phụ nữ. Mà đặc biệt là cũng chưa bao giờ tui nhìn thấy có phụ nữ Việt Nam.

Và, trong số những người hành khất nơi Little Saigon, tui tình cờ nhận ra một người quen.

Nói là quen thì cũng không hẳn, nhưng tôi biết anh. Trong lần tôi đi viết bài về cuộc thi VStar do Thúy Nga tổ chức, anh là người đưa tôi vào hậu trường để tìm phỏng vấn những người tôi muốn.

Thời gian sau, một lần đến tòa soạn NV, anh Thành Lễ nói, “NL nghe tin gì chưa, anh L. làm cho TN bị mất tích!”

“Hả? Mất tích? Gì ghê vậy?” Tôi hỏi lại.

Thành Lễ kể anh này mất tích sau chương trình PBN 110, không ai tìm được ảnh ở đâu, và “nghe đâu TN đã báo cảnh sát.”

Chuyện tôi nghe là vậy.

Cho đến 1 ngày gặp chú Tô Văn Lai, tôi hỏi, chú bảo, “Tìm được nó rồi. Nó thua bài, nợ xã hội đen, bị hăm dọa gì đó nên nó trốn lên miền Đông…”

Nghe vậy biết vậy. Cho đến khi chạy xe ngang PLT tôi nhìn thấy anh đi thất thểu…

Cuối tuần rồi, ghé mua bánh mì, tôi lại nhìn thấy anh. Tôi gọi tên anh và dúi vài đồng. Anh hỏi sao biết tên, tôi ậm ừ, “Em gặp anh ở TN”

Bài bạc khiến người ta ra nông nổi.

Không biết trong số đông những hành khất quanh Little Saigon này còn ai là nạn nhân của bài bạc, ai là nạn nhân của ma túy, ai là nạn nhân của một “tai nạn dọc đường, quên mang theo giấy tờ, tiền bạc,” và ai thực sự là cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam?

Little Saigon có nhiều điều khiến người ta lưu luyến, nhớ thương, nhưng việc có quá đông hành khất như thế này lại khiến người ta chùng chình không muốn dừng lại…

Trách nhiệm này, thuộc về ai?