Một thần thái, một bản lĩnh đã mất trong tôi

 

1 giờ 10 phút rạng sáng Thứ Năm, 1 Tháng 5, thấy tin nhắn đầy vẻ phấn khích trên Facebook của đứa bạn ở Sài Gòn: “Tin mật báo KL vừa đáp xuống sân bay cách đây 1 tiếng :-):) “

Tôi biết bạn tôi vui lắm. Bạn học cùng tôi thời đại học và tôn sùng nhiều thứ đã thuộc về quá khứ của một đất nước bị xóa tên, trong đó có Khánh Ly.

Bạn chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. KL là thần tượng của bạn. Bằng mọi cách, phải ít nhất một lần trong đời bạn muốn nhìn thấy KL bằng xương bằng thịt trên sân khấu, dù bạn khẳng định ngay từ đầu: “Mình không hy vọng gì vào tiếng hát của bà già này. Chỉ cần bả thể hiện và giữ vững phong thái như mình từng biết là ok rồi.”

Bạn nhất quyết mua vé bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và nhờ vả người mua cho bằng được vé xem KL ngay khi có tin KL sẽ về hát, bởi “không mua ngay sẽ hết vé!”

Khánh Ly trong lòng bạn tôi vượt lên tầm vóc của một giọng hát hay đơn thuần. Khánh Ly là biểu tượng của một điều gì cao cả khiến bạn tôi phải nghiêng mình, cúi đầu.

Thế nhưng, tin nhắn của bạn, với tôi, lại là một nỗi gì đó như nỗi mất mát.

Cái thần thái, cái bản lĩnh mà bạn trông chờ ở Khánh Lý, đã gần như vụt biến mất trong lòng tôi, ngay sau khi tôi đọc những dòng tin nhắn của bạn.

Đọc đến đây sẽ có người trách cứ tôi, như họ vẫn phản ứng với những người luôn chỉ trích chuyện ca sĩ nói chung và Khánh Ly nói riêng trở về VN hát cho những khán giả chờ mong họ, rằng “hãy để cho Khánh Ly được hát cho khán giả của mình, dù ở bất cứ nơi đâu.”

Không, tôi không thuộc về đám người chỉ trích đó. Tôi ở trong số đông ủng hộ tất cả ca sĩ, nghệ sĩ được đứng trên sân khấu biểu diễn cho tất cả mọi người, không phân biệt điều gì hết. Nghệ thuật, cái hay, cái đẹp phải được chia sẻ cho tất cả. Không ai có thể vin vào bất cứ lý do gì để mà ôm lấy, cất giấu, cho rằng tiếng hát đó chỉ thuộc về mình, phục vụ cho mình mà thôi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy Khánh Ly hát live trên sân khấu là năm 2008, trong một chương trình của nhóm The Friends. Tôi đã bị nhiều người biểu tình chỉ vào mặt mà chửi những lời tục tĩu khi đến xem chương trình ca nhạc đó.

 Cũng từ lần đầu tiên được nhìn thấy Khánh Ly hát, Khánh Ly trò chuyện trên sân khấu, tôi biết rằng vì sao Khánh Ly lại là thần tượng của nhiều người, như bạn tôi. Và cả tôi.

Khi trở thành một phóng viên, một trong những điều tôi cảm thấy mình may mắn hơn bạn bè là tôi được dịp nói chuyện gần hơn với Khánh Ly. Những buổi nói chuyện với Khánh Ly để viết bài chưa bao giờ là chán, là sự lặp lại với tôi.

Và Khánh Ly trở thành một điều gì đó khả tín hơn trong lòng tôi, khi năm 2011, trong lúc mọi người xôn xao, ầm ĩ về chuyện Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn, báo nào cũng nói vậy, cả trong nước lẫn ngoài nước.

Tôi hỏi cô, cô bảo đó là chuyện người ta nói, còn khi nào cô nói với NL rằng cô đi thì mới là cô nói. Và “Khi nào cô về cô sẽ cho NL biết.”

Tôi viết điều này, trong sự hồi hộp, cả ban biên tập cũng hồi hộp. Vì đó là bài báo duy nhất khẳng định Khánh Ly không về.

Sự thật đã diễn ra đúng như vậy.

Tôi còn nhớ, phóng viên của một tờ báo lớn trong nước đã liên lạc trực tiếp với tôi để hỏi về tin trên bài viết đó. Tôi trả lời, “Cô Khánh Ly chưa bao giờ cho mình một tin không chính xác. Và mình tin điều cô nói.”

Ý đó được trích dẫn trong bài báo trong nước, như một câu trả lời cho những khán giả chờ đợi Khánh Ly.

Lần này, khi thấy bạn tôi xôn xao hỏi tôi rằng có đúng là 9 tháng 5, Khánh Ly về VN hát không để bạn tôi mua vé. Tôi cũng chỉ trả lời, “Trừ khi nào chính miệng Khánh Ly nói ra điều đó thì mình mới tin.”

Nhưng

Khánh Ly đã im lặng.

Điện thoại, email, không một câu trả lời.

 Như đã nói, tôi là người ủng hộ Khánh Ly về hát ở quê nhà, để những người như bạn tôi được một lần nhìn thấy thần tượng của họ, được trở về với những hoài niệm, được sống lại kỷ niệm, và hơn hết, như lời bạn tôi “Đi là để diện kiến một thần thái, một bản lĩnh, một nhân cách… Chứ giọng hát thì bên kia dốc rồi”

Thế nên, giá như Khánh Ly giữ được điều mà bạn tôi đang trông mong để chiêm ngưỡng, hãy thật mạnh mẽ và thật bản lĩnh để nói cho tất cả biết rằng: Tôi trở về, đây là lúc tôi muốn trở về, được hát cho những khán giả của tôi, một lần cuối (hay đại loại)!

Nhưng, tôi hụt hẫng.

Khánh Ly đã không làm được điều đó.

Những đồng sự đi cùng cô đã trốn tránh nói về điều đó.

Tôi không đánh giá sự trở về hát cho quê hương là sự phản bội như nhiều người nói.

Mà với tôi, thái độ im lặng đó đồng nghĩa với sự Hèn.

Khánh Ly đã không dám đối diện với những đầu óc hủ lậu trong cộng đồng này. Khánh Ly đã không có sự cam đảm để nói rằng điều mình làm không có gì sai.

Đừng ai trách tôi rằng Khánh Ly cũng chỉ là một ca sĩ, đừng đòi hỏi nhiều ở cô ấy như vậy.

Không. Tôi đã không xem Khánh Ly là một ca sĩ như bao nhiêu ca sĩ khác. Bạn tôi không bỏ thời gian, tốn công sức và tiền bạc cho một ca sĩ như bao ca sĩ khác. Khánh Ly, trong lòng tôi, trong lòng bạn tôi, vượt lên những điều đó.

Chính vì thế mà tôi cảm thấy hụt hẫng, đau đớn khi phải nói rằng “một thần thái, một bản lĩnh, một nhân cách” mà bạn tôi háo hức trông đợi, đã biến mất trong tôi, đặc biệt, khi tôi nhìn thấy hình cô trên một trang báo mạng trong nước, mà lại không có một lời với những người đã thương mến cô, nơi này.