Người già – Bệnh tật và sự lẻ loi

Chiều này tui vào bệnh viện thăm một người quen, đi cùng mấy đồng nghiệp nữa.

Ra về, đến giờ, đầu tui cứ vương hoài 2 hình ảnh.

Thứ nhất là hình ảnh ông nằm trên giường bệnh, gương mặt trắng bệch, lộ rõ vẻ đau đớn và những cử động của bàn tay, của nét mặt thể hiện sự bất lực trước cơn đau thể xác mà mình không biết làm sao để diễn tả, để chống chọi.

Chúng tôi đến lúc người ta đang chuẩn bị chuyển ông sang phòng khác. Thấy chúng tôi, một người nhân viên hỏi “Quí vị là người nhà của chú ấy?” – “Không, chúng tôi chỉ cùng làm việc cho một tờ báo.” – “Thế chú ấy có thân nhân ở đây không?” – “Không. Người thân của ông ấy ở xa… Ông ấy có vấn đề hệ trọng gì không?” – “Tôi không nói với quí vị được. Nhưng quí vị có thể hỏi chú ấy, chú ấy có thể nói.” Người nhân viên bệnh viện nói chuyện một cách thoải mái.

Đang theo chân những người y tá làm nhiệm vụ đẩy giường chuyển phòng cho ông, tôi nhìn thấy một người quen khác đang làm việc tại bệnh viện này, ngay khoa này. Chị hỏi tôi “Chú đó là ai vậy?” – “Dạ, đồng nghiệp” – “Trưa giờ phải gọi cấp cứu toàn bệnh viện 2 lần rồi đó. Ổng có thân nhân ở đây không?” – “Dạ không”… Nói dăm ba câu để hiểu sơ về tình trạng của ông, chúng tôi lại đi tiếp.

Khi đã yên ổn trong phòng, ông cho biết người đưa ông vào bệnh viện cấp cứu là 1 bác sĩ, cũng là bạn ông. Và trong hơn 1 ngày, ông chỉ có 1 mình, không một người thân, bạn bè.

Tôi nhăn mặt theo từng cái nhăn mặt vì đau đớn hiện trên gương mặt ông. Rồi xót xa. Người già đau ốm. Một thân một mình. Dù là tên tuổi. Cũng chỉ một mình, trong những lúc như thế. Những lần báo động cấp cứu toàn bệnh viện, ai biết được sự thể ra sao, lỡ dại, ông ra đi, cũng chẳng một người thân, người quen nào biết. Nghĩ cũng ngậm ngùi.

Thế nhưng chuyện làm tôi suy nghĩ nhiều hơn, lại là chuyện liên quan đến cách hành xử.

Ông bảo ông cần cái charge cho điện thoại, nó sắp hết pin. Giá như nó là 1 cái smart phone thì tìm cái charge không khó! Đằng này, điện thoại đời cổ tích nên “cái chagre nó nằm dưới giường tôi, ở nhà.” – “Vậy giờ làm sao? Nhờ cô A. ghé lấy rồi mang vô được không?”

Cô A. mà mọi người đang nhắc được hiểu là người bạn thân thiết của ông. Ông bảo: ông B, ông C, và cô D biết nhà ông.

Trong khi ông đang rất khó nhọc để mà nói thì một đồng nghiệp của tôi nhanh nhẩu gọi điện thoại cho cô A: “Ông này đang cần cái charge điện thoại. Ông ấy nhờ chị ghé nhà lấy rồi mang vào cho ông ấy…” Thoáng nghe vậy, ông nhíu mặt, khoát tay, tỏ vẻ bất mãn.

“Tôi không có nhờ cô ấy. Cô ấy có việc của cô ấy. Cổ đã nói là cổ đang rất bận… Tôi không có nhờ như vậy” Ông cố gắng giải thích, một cách khổ sở và dường như lời nhờ vả mà đồng nghiệp kia nói ra khiến ông bực tức và khó chịu vô cùng.

Ok, ok, mọi người xoa dịu ông, và chuyển hướng đề nghị sẽ kêu cô D đến lấy giúp ông. Ông phớt lờ.

Trong lúc đang tìm chìa khóa cũng như cho biết số nhà để 1 chú trong nhóm chúng tôi đến nhà ông lấy cái charge phone, ông lại như không an lòng, ông đề nghị một chú khác đi cùng nhóm chúng tôi phải gọi điện thoại ngược lại cho cô A để nói rằng ông không cần cô ấy giúp làm gì hết. “Cô ấy đã nói là rất bận. Và tôi cũng nói rằng tôi không cần gì rồi mà.” Ông đau khổ.

Câu chuyện hỏi thăm về sức khỏe, bệnh tật lại tiếp tục. Chốc sau, bỗng ông lại nói, “Bạn bè là bạn bè, dù thân thiết lắm cũng là bạn bè. Họ có việc của họ.”

Trước khi chúng tôi ra về, ông lại nói với một chú đi cùng chúng tôi “Anh làm giúp tôi nhé! Tôi không muốn nhờ gì đến các bà, không muốn người phụ nữ nào đến nhà tôi cả” Và ông cười, ra điều mãn nguyện.

Ông vẫn muốn giữ lại cái cốt cách của một kẻ sĩ, lịch lãm, ngạo nghễ, dù trong cơn “thập tử nhất sinh”, trước người phụ nữ – của mình?