Con nuôi

 

Đang trong thời gian nghỉ phép, nhưng tui bị “dí” vào 2 câu chuyện không đơn giản. Và lạ lùng một điều, cả 2 chuyện đều liên quan đến “con nuôi” và đều là con gái, tức “con gái nuôi.”

Con nuôi, tức là mình đem nó về nuôi: nuôi cả vật chất lẫn tinh thần. Đúng không?

Một bà cụ 84 tuổi, khóc không ra nước mắt: “Tôi biết tôi bước chân ra khỏi nhà là tôi sẽ khổ lắm, bởi vì tôi không có ai thân thích ruột rà ở đây hết. Nhưng ai cũng có lòng tự trọng, mà tôi đã ở từng tuổi này rồi, nó đuổi thì tôi phải đi thôi.”

“Nó” ở đây không ai khác hơn là con gái nuôi của bà. Như bà nói, bà nuôi nó từ hồi nó mới hơn 2 tháng, thành ra nó như con ruột của bà. Chính vì vậy mà ngày sang Mỹ, bà và nó cùng đi trong tư cách 2 mẹ con.

Nhưng giờ, sau hơn 40 năm má má con con, nó không còn gọi bà là “Má” nữa, nó chỉ nói “Bà dọn đồ đi thì chỉ dọn một lần thôi. Không có mà về dọn nữa.”

Vậy là bà xách túi ra đi.

Một người quen từ thời còn ở Việt Nam tình cờ nhìn thấy bà thất thểu trên đường, không cầm lòng được, mang bà về cho tá túc.

Rồi thì nhiều người biết chuyện, “cần phải tìm cho bà một chỗ ở ổn định”. Nghĩ vậy, nên họ gọi tui (mà tui thì không phải là nhân viên Sở Xã Hội 😦 )

Để tìm chỗ ở cho bà, chỉ có cách chỉ bà tìm đến những văn phòng của các vị đại diện dân cử. Nhưng thấy cũng khó lòng, tui nhờ thẳng một người bạn “Em giúp chuyện này dùm chị đi.”

Thằng bạn sốt sắng. Hôm qua nó bảo “Chị ơi, sau khi nói chuyện với bà cụ đó, em gọi điện thoại cho các nơi để hỏi trong suốt 2 tiếng đồng hồ, chỗ này chỉ chỗ kia, chỗ kia chỉ chỗ nọ. Giờ em mệt rồi. Mai em gọi tiếp.”

“Em là người từng làm việc trong chính quyền thành phố mà em còn nói mệt và không biết chính xác nơi để gọi. Vậy thì  những thường dân như chị làm sao biết đường nào mà lần cho ra?” Nghe tui nói, hắn cười. Anyway, coi như đây là một ví dụ, sau này có trường hợp tương tự, mình biết đường mà chỉ cho người ta cách làm.

Đó là phần bà mẹ. Dĩ nhiên, trước khi chuyện này trở thành một bài báo, tui phải nói chuyện được với cô con nuôi. Cô là người nổi tiếng. Mà chính vì cô là người nổi tiếng nên nó sẽ không còn là “Chuyện riêng của gia đình họ, để họ tự lo.”

Vâng, sẽ là “Chuyện riêng của gia đình họ, để họ tự lo” nếu như còm xóm không chở người má nuôi đó tìm đến tui, không tìm đến tờ báo như một nơi bấu víu

Vâng, sẽ là”Chuyện riêng của gia đình họ, để họ tự lo” nếu như câu chuyện đó không được mang ra bàn tán nơi quán cà phê và nhiều người đã cùng chờ đợi xem, hy vọng xem cách báo NV giúp như thế nào.

Khi tui chưa tiếp xúc được với cô con gái nuôi, thì những gì bà cụ kể vẫn chỉ mới ở phần bà. Tui không nghĩ cô con gái nuôi sai, cũng không nghĩ bà cụ đáng thương hoàn toàn. Tất cả đều là thông tin.

Lỡ như những gì bà cụ nói không đúng, thì ai sẽ là người dẹp đi được “miệng đời” cho cô gái nuôi kia?

Cho nên, chờ đến ngày cô quay trở lại Mỹ, tui hy vọng sẽ có câu trả lời cho vụ này. Nhưng trước mắt, tìm giúp chỗ ở cho bà cụ 84 tuổi vẫn là chuyện phải làm.

Chuyện thứ hai: một ông bố nuôi chuẩn bị ra tòa vì tội cầm dao dọa con gái nuôi để đòi lại mười mấy cây vàng.

Nếu bà má kia nhận con nuôi từ thuở nó còn chưa biết lật, thì ông bố ngoài 70 này nhận một cô gái làm con nuôi khi cô đã gần 30 rồi.

Ông nói ông chỉ có một thân một mình, vợ con coi như đã không còn từ sau năm 1975. Thế nên khi gặp cô này ông quý, bố bố con con, ông muốn sau này khi ông qua đời, cô người đứng ra lo việc hỏa táng và mang tro cốt ông trở về xứ sở giao cho cháu ông.

Và vì tin như vậy, nên theo lời ông nói thì ông đã mang hết số vàng mà ông dành dụm đưa hết cho con gái nuôi, sau hơn một năm bố bố con con. Mà đã tin tưởng giao cho con gái nuôi thì ai lại còn tính chi chuyện bắt nó làm giấy tờ có nhận vàng, coi sao được!

Thế nhưng, vài tháng sau khi giao vàng rồi, ông nhận ra con gái nuôi trở mặt. Uất quá, ông đòi vàng lại. “Nhưng nó bảo: Vàng gì? Giấy tờ đâu?” Ơ hay, ông không chịu được, cầm dao dọa nó. Thế là ông vào tù.

Giờ thì ông đang chờ ngày ra tòa.

Cũng như câu chuyện trên, khi chưa nói chuyện được với cô con gái nuôi của ông thì những gì ông bố này kể cũng chỉ mới một chiều.

Chỉ biết là khi đọc những tờ giấy mà ông ký gửi vàng cho người quen rồi lấy lại để giao cho “con gái nuôi”, tui phải bật cười. Bởi vì, khi chưa có con gái nuôi, thì ông viết giấy gửi vàng và nhắn nhủ trong đó nếu ông có mệnh hệ nào thì số vàng đó sẽ được giao cho nhà thờ, sẽ cho ai đó làm từ thiện…. Đến lúc mới có con gái nuôi, thì giấy gửi vàng được đổi lại nếu ông có mệnh hệ nào thì toàn bộ vàng sẽ chuyển về cho con gái nuôi của ông. Và đến tờ giấy cuối cùng thì ông viết lấy lại hết số vàng để giao cho con gái nuôi.

“Giao cho con nuôi, nhưng phải là con gái, đúng không?” Tui cười hỏi ông. Ông làm thinh, rồi bảo “Tại tui tin cổ.”


Tối qua nghe chuyện nuôi nuôi này oải quá, nên thôi, tui cũng quyết định không nuôi… tóc nữa 🙂

toc moi