Buồn vui nghề báo

1.

Email:

“Em muốn chị viết về em một bài nói về CD của em. Thưa chị! Em không phải là ca sĩ. Em muốn biết em phải trả bao nhiêu! Em cám ơn chị nhiều lắm.”

Trả lời:

“Chị chưa bao giờ viết bài cho ai để lấy tiền hết em ơi.”

Email tiếp:

“Vậy em xin gửi cho chị cuốn CD, em nhờ chị giúp cho em nhé! Được không? Nếu được em xin phép đưa chị đi ăn.”

2.

Điện thoại.

“Tôi là một độc giả trung thành của báo NV từ bao nhiêu năm nay. Nhưng mà chuyện cô Kim Phạm gì đó đang xảy ra mà sao báo chí Việt Nam không viết gì hết vậy? Trời ơi, cô phải nói với ông chủ bút của cô, nói với các ông dân cử gì đó phải lên tiếng chứ! Sao mà hèn quá vậy? không ai dám nói gì hết! Thử nếu đụng phải tụi Mễ hay Mỹ đen coi, nó bạo động lên liền chứ đừng có tưởng… bla bla bla”

Thừa lúc bà thím vừa ngừng lấy hơi, nhảy vô hỏi liền:

“Dạ, vậy chứ cô đọc tin về Kim Phạm từ ở đâu vậy ạ?”

“Thì đọc trên báo Người Việt mới biết chứ đọc ở đâu!”

“Dạ, như vậy thì báo có đưa tin rồi. Chứ cô nói không viết nghĩa là sao ạ?”

“Tôi muốn là cô phải chuyển lời lại cho chủ bút của cô, phải lên tiếng, phải xách động lên, phải bạo động lên, phải biểu tình chứ! Chứ không làm gì hết là không được. Tôi chỉ nói vậy thôi.” Tắt máy cái rụp.

3.

Email:

“Chào Ngọc Lan,
Sao bài viết này không thấy cô đề cập đến người chồng của cô Annie Phạm? Mà nhắc đến người đưa tiễn đến lòng đất chỉ bằng 1/50 ngày làm lễ tại nhà thờ!

Tôi thấy trên cáo phó có ghi đến gia đình bên chồng đầy đủ mà sao ngày đưa tiễn không thấy tăm hơi gì?”

Trả lời:

“Lễ nhà thờ có 600 người dự, ngày  đưa hài cốt vào nghĩa trang chỉ có chừng 12 người, tức 1/50.
Bài viết không đề cập đến vị hôn thê và gia đình người này vì  họ không muốn.
Chúc mừng  năm mới.”

Email tiếp:

“Cám ơn Lan Ngọc đã hồi âm, hình như gia đình cô Annie không có thông báo ngày đưa hài cốt nên chắc ít người biết.

Xin hỏi Lan Ngọc có gia đình và chồng cô Annie tham dự không?
Đa tạ.”

Trả lời:

“Dạ có ạ 🙂 “

Le te đến nói với sếp: “Sao mà người ta đọc và hỏi gì kỹ dữ vậy?”

Sếp: “Ồ, họ đọc kỹ lắm đó! Họ chú ý đến cả từng chỗ chấm câu, xuống dòng luôn đó. và thuộc cả những đoạn trong đó nữa!”


Trước một vấn đề, một câu chuyện, độc giả thắc mắc điều gì thì phóng viên cũng thắc mắc y chang như vậy, thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều (vì tò mò là bản tính của con người mà, mà đã không ‘nhiều chuyện’ thì không đi làm báo :p )

Thế nhưng có những điều mình thắc mắc, mình cố tìm hiểu, nhưng đáp án không phải khi nào cũng bê lên mặt báo được, đặc biệt khi câu chuyện đó đang có liên quan đến pháp luật và người mình muốn nhắc đến không phải là người của công chúng (nếu là người của công chúng, mình có thể viết, có thể mô tả được hết những gì mình nhìn thấy ở họ tại nơi diễn ra sự kiện, cho dù họ có đồng ý hay không).

Hehehe, tự dưng viết đến đây, tui chợt nhận ra là trong tui có 2 thái độ tiếp nhận thông tin. Đó là khi đang làm việc, phỏng vấn, viết bài, thì tui cứ muốn đặt nhiều câu hỏi. Người ta trả lời xong, tui lại muốn dựa vào nội dung đó để hỏi tiếp, hỏi thêm, hỏi nữa, để có thể thu được càng nhiều thông tin càng tốt, mà đôi khi trong cả núi thông tin đó, tui chỉ dùng có một ít (Nhưng nếu không hỏi nhiều thì không lụm ra được 1 ít đó :p ).

Ngược lại, trong nói chuyện với bạn bè, người thân thì tui lại ít hỏi tới. Tui thường chấp nhận và đồng ý với câu trả lời của họ. Và tính này của tui có khi cũng bị trách, hehehe.

Tui nhớ có lần tui hỏi người bạn, “Ủa sao lâu quá không thấy đến đó?”

“Tại sao phải đến? Nơi người ta đến không có nghĩa là mình cũng phải đến” Bạn trả lời.

“Okey.” Tui nói sau khi nhận được lời đáp.

Lát sau, bạn bỗng dưng hỏi: “Ủa, sao không thắc mắc không hỏi tiếp là tại sao tui không đến?”

“Ớ, thì trả lời vậy tui nghe vậy. Sao lại bắt tui hỏi tiếp nữa? Nếu muốn giải thích thêm thì tự nói đi chứ!” hahahaha

Cũng hơi quái đản hén!

Nhưng thiệt tình là nếu khi đi làm mà không cần phải phỏng vấn, chỉ cần có mặt, quan sát thì tui cũng có thể ngồi hàng giờ liền mà không cần phải bắt chuyện với ai hết, bởi vì tui biết tui là đứa rất làm biếng nói chuyện. Ai không tin thì kệ 🙂