Chuyện thầy cô giáo cũ

Đọc bài “Ông thầy Mỹ” của Thiên An, tự dưng thấy lòng chùng chình, nhớ một thời, chuyện thầy cô mình và chuyện mình làm cô giáo.

Trong khi Thiên An cho rằng cô “ít có thầy cô nào thương” thì tôi ngược lại. Từ nhỏ xíu đi học, tôi đã được thầy cô chú ý. Có thể do những năm tháng đó đói khổ, đứa nào đứa nấy ốm nhom ốm nhách, mà tôi thì lại tròn quây, mũm mĩm nên nhìn… nổi bật lên liền 🙂

Tôi là đứa có rất nhiều kỷ niệm với thầy cô. Trước hết là với cô giáo dạy năm lớp 5, cô tên Nguyệt. Tôi nhớ hoài cái hôm cô chở tôi từ trường về nhà bằng xe đạp (khi ấy tôi đi học bằng xe bus hoặc xe lam),  để báo cho ba má tôi biết tin tôi đậu vào đội tuyển học sinh giỏi văn của thành phố. Vì là đứa học trò đầu tiên của quận 6 đoạt được giải này nên khi đi đó tôi “oai” lắm 🙂

Tôi nhớ sau tuần đầu tiên đi học nội trú để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, cuối tuần tôi được về nhà, lấy xe đạp, đạp lên trường thăm cô, thăm lớp. Và cô đưa cho tôi cây viết máy Hero – quà của cả lớp hùn lại mua tặng cho tôi.

Lên lớp 6, tôi có kỷ niệm với cô chủ nhiệm Thanh Mai, dạy Sử và thầy Bình dạy môn tiếng Anh.

Nếu cô Mai là người đầu tiên cho tôi biết Vũng Tàu là gì, thì thầy Bình là người cho tôi biết phở có mùi vị ra làm sao.

Tôi vẫn nhớ cô Mai đến nhà xin ba má cho cô dẫn tôi đi Vũng Tàu cùng thầy cô giáo trong trường, vì đó là phần thưởng cô dành cho tôi. Tôi nhớ tối hôm đó trời mưa, ba tôi chở tôi đến nhà cô ngủ để sáng mai đi sớm. Và tôi cũng nhớ ngày tôi đang học đại học năm thứ nhất, tôi nhận được tin cô mất vì bệnh dại khi bị con chó nuôi trong nhà cắn… Tôi nhớ vòng hoa cúc trắng mà các cô giáo đồng nghiệp mua cho cô – một người còn độc thân…

Tôi nhớ thầy Bình đến nhà xin ba má cho thầy dẫn tôi đi ăn phở, vì “nó không biết phở là gì.” Hehehe, cái này là nói chơi thôi, chứ tôi nhớ vì thầy có 5 người con trai, nên thầy thương tôi như một đứa con gái. Ngày đó, trong trường đám học trò không đứa nào là không biết thầy Bình. Vì nhìn thầy sang trọng, và lịch lãm lắm. Đã nói thời đó khốn khó, nhưng thầy lúc nào quần áo cũng rất tươm tất, chỉnh tề. Đặc biệt, khi đứng gần thầy có một mùi thơm thơm, mà sau này tôi nghe nói là mùi thuốc xì-gà. Có người bảo, thầy vẫn giữ được nét sang cả của ông thầy dạy tiếng Anh từ trước 75. Tuy nhiên, sau khi tôi học thầy Bình được vài năm thì thầy nghỉ dạy, ra ngoài buôn bán chờ đi xuất cảnh.

Lên trung học, tôi có kỷ niệm nhiều hơn với cô chủ nhiệm năm lớp 10, 11 – cô Hoàng Dung dạy Văn. Cô vừa là cô giáo, đồng thời là đồng nghiệp khi tôi trưởng thành.

Tôi vẫn nhớ  những buổi tối, tôi đạp xe lên nhà cô, hai cô trò ngồi ngoài sân vừa nhìn xe qua lại vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Ngày tôi vào đại học, có người yêu, tôi cũng dẫn đến gặp cô.

Sang Mỹ định cư, 3 lần trở về cũng là 3 lần tôi tá túc ở nhà cô, trên căn gác nhà gỗ, cũng là điểm hẹn để gặp lại bạn bè, học trò ngày xưa. Cô độc thân, tôi lại hưởng lợi vì có chốn dung thân 🙂

Tôi còn nhiều lắm kỷ niệm với nhiều thầy cô giáo khác. Không biết có phải khởi nguồn từ chỗ tôi được nhiều thầy cô thương nên tui cứ lừ lừ thi vào Sư Phạm, dù nhà tôi chẳng có một ai theo nghề này.

Đến khi chính tôi trở thành cô giáo, tôi cũng có nhiều kỷ niệm với học trò, dù rằng tôi chưa từng một ngày làm chủ nhiệm.

Một trong những kỷ niệm nhớ nhất là lần lúc 5 giờ sáng bị đứa học trò đang du học từ bên Úc gọi điện thoại dựng dậy để mà nghe nó kể chuyện người nó yêu “xù” nó. Nó khóc, đòi bỏ học chạy về để kêu ba má qua nhà nường kia nói chuyện. Chàng này không là học trò tôi dạy, nhưng nó lại rất thân với tôi. Tôi vẫn nhớ hoài câu nó nói, “Không thể nào kiếm được người khác giống như V đâu cô ơi. Bởi vì V là người duy nhất trước giờ được cả mẹ em và cô chấm.”

Nghe nó nói mà não lòng.

Vừa buông điện thoại của nó xuống thì lại nghe tiếng nàng V kêu cửa. V là học trò tôi dạy trước kia.

Rồi sau đó nữa thì là đến em gái của chàng kia cùng với mẹ nó cũng chạy sang.

May là hôm đó là ngày tôi không có giờ dạy. Tôi trở thành người nghe những tâm sự tứ bề.

Giờ thì đứa nào cũng đã có gia đình riêng, có con cái để mà chăm lo. Tôi chưa gặp lại chàng học trò kia, bởi nó đã chọn định cư luôn ở Úc. V thì lần nào tôi về Sài Gòn, nó cũng chở tôi đi nơi này nơi khác. Tình cô trò, nhưng đậm trong đó có tình bè bạn nhiều hơn.

Nếu hôm nay vẫn còn đeo đuổi nghề giáo, tôi cũng sẽ có thâm niên những 20 năm…

Tôi nhớ có lần một người bạn hỏi, “Từ nghề giáo chuyển sang nghề báo, có điều gì khác lắm không Lan?”

Khác nhiều, nhiều lắm…