Đồng hồ và Lưu bút

1.

Thỉnh thoảng trong phòng biên tập, nhiều người nghe sếp Giao, sếp Thắng và hồi đó là sếp Hạo Nhiên khi phân công cho tui viết bài gì đó thì kèm theo lời dặn dò “Bài đó viết theo kiểu đồng hồ nghe” hay “Em viết bài này là một cái đồng hồ thiệt bự nghe” hoặc là có khi mọi người lại thấy mấy ông thần đó “dè bỉu” tui bằng cách mắng mỏ “Đồ đồng hồ!”

Vậy “đồng hồ” ở đây là cái gì mà mấy ông đó lại hay mang ra nói, và chỉ nói với tui thôi? Thậm chí ngay cả khi mở blog phóng viên, ông thần Thiện Giao đã khoái chí la lớn, “Tui đề nghị tên blog của cô giáo là Cái Đồng Hồ” rồi cười ha ha với sự phụ họa của lão Hạo Nhiên và Khôi Nguyên.

Đồng hồ là… đồng hồ.

Và nó là cái đồng hồ này nè!

Dong ho

Đầu đuôi ý nghĩa của chữ “đồng hồ” mà mấy ông kẹ đó hay nói, và đến giờ cũng chỉ có 3 ông đó và tui hiểu thôi, là như vầy:

Dạo trước tui có nhiều loạt bài khiến người ta đọc hay khóc vì cảm động (bởi vì câu chuyện đó cảm động, chứ không phải tại tui chế ra :p ). Mà phàm cái gì dễ khiến cho người ta hay xúc động, ủy mị thì nói theo kiểu dân gian là “sến” là “cải lương” (những chữ này ở đây không mang ý nghĩa xấu hay tiêu cực nghe – phải nói trước điều này vì  có mấy bố chơi trò chụp mũ, sợ quá!). Những dạng bài đó khi không gắn liền với tui, khiến tui trở thành người chuyên trị giải quyết những câu chuyện nhiều nước mắt đó, khi nó xảy ra.

Một hôm, đi Costco, gặp lúc họ bán đồng hồ treo tường, dạng có chuông đổ và nhạc cùng ánh sáng nhấp nháy mỗi khi báo giờ. Chưa hết, nó còn có hình cái tay lái tàu xoay từ từ, cái kèn và chùm chuông lúc lắc qua lại. Nhìn rất là vui mắt. Ngắm tới, ngắm lui, cuối cùng tui rinh cái đồng hồ đó về nhà. Rất chi là hí hửng. Ngày xưa nhìn nhà ai có đồng hồ quả lắc đong đưa là mình thấy mê. Giờ không phải là quả lắc mà nó chế ra nhiều hình thù đẹp hơn, mỗi giờ là một điệu nhạc khác nhau nữa, nên khoái là phải rồi.

Mang về treo ở nhà được vài hôm thì mấy ông thần kia tới chơi. Người đầu tiên nhìn thấy cái đồng hồ nằm ngạo nghễ trên tường là lão Hạo Nhiên. Ổng đến sát bên nhìn một lúc rồi hỏi, “Cô giáo mua cái đồng hồ này đó hả?” – Ừm. Mới mua. Đẹp không? Tui tự hào trả lời.

Tự dưng ổng phá lên cười, kêu “Chời ơi là chời!” Thế là Thiện Giao và Khôi Nguyên chạy đến xem cái gì, rồi cả đám cùng cười ré lên. Và không biết có hẹn trước không, cả 3 tên đều bảo, “Đồng hồ! Đúng là đồng hồ!”

Thế là từ đó chữ “đồng hồ” hay “đồ đồng hồ” được 3 ông đó gắn cho tui. Ai muốn hiểu sao cũng được 🙂

Vậy hén, nếu sau này mà bà con có đọc đâu đó trên blog, hay trên Facebook, hay tình cờ nghe mấy cha nội đó nói tui “đồ đồng hồ” thì hiểu rồi đó. Mà hiểu theo nghĩa nào thì tùy hỷ 🙂

2.

Tối qua, trong lúc nằm ngay đơ trên giường, tình cờ thấy nhỏ bạn thời trung học, hiện ở San Jose, post lên Facebook bút tích tui viết cho nàng trước khi nàng rời Việt Nam năm học lớp 12.

Tui đọc xong, cười một mình, và chợt nhớ ngay đến 3 chữ “Đồ đồng hồ” mà mấy ông sếp nện cho tui.

Đây, “đồng hồ” là một kiểu như vầy đây: (muốn xem rõ thì bấm vô hình cho nó bự ra)

luu but 1

Hehehe, cám ơn KC vẫn còn giữ lại “chứng tích” một thời của mình 🙂