Không thi cũng hồi hộp

Rồi thì kết quả cuộc thi Viết Kỷ Niệm 35 năm Người Việt đã có, sau khi tui về nhà được 1 ngày 🙂

Trong số 32 bài được chọn vào vòng chấm giải, từ 135 bài tham dự cuộc thi (không tính những bài vi phạm thể loại) có 4 bài của các còm sĩ.

Trong số 12 bài được chọn chấm chung kết có bài của thầy Lý và Tóc Huyền. (Thầy Lý làm một cú ngoạn mục luôn nha!)

Và nường Tóc Huyền có điểm trung bình sau người đoạt giải Ba một chút xíu, đành chấm nhận giải Khuyến Khích 🙂

Xin chúc mừng tất cả mọi người!

Giờ thì sếp tui đã công bố kết quả trên báo, nên tui có thể mạnh dạn kể chuyện hậu trường cuộc thi được rồi, ai có buồn vì không đoạt giải cũng buồn chút xíu thôi nha, nhất là sau khi nghe tui kể xong thì sẽ hết buồn luôn nè 🙂

Đầu tiên là chuyện đọc bài qua vòng sơ khảo. Những ngày đầu cuộc thi, quả thực là có hơi lo lo, vì thiên hạ… không thèm nộp bài, ai cũng ôm mộng, nuôi ý tưởng cho đến giờ chót. Thế cho nên, những ai nộp bài sớm nhất thì có cơ hội được đăng bài trên báo hết, dù có thể không được hay như ý. Nhưng càng gần đến ngày cuối thì mới cảm thấy sự khó khăn trong việc lựa chọn bài, vì nhiều bài hấp dẫn quá.

135 bài viết là 135 ý tình, phong cách. Có bài tui vừa đọc vừa cười. Có bài vừa đọc vừa đưa tay chùi nước mắt. Có bài đọc qua một lần, lại phải lật lại đọc lần nữa. Có bài viết rất hay nhưng lại vượt quá qui định về số chữ của bài thi. Có bài độc đáo khi chỉ có mỗi một dòng sau nhan đề “Một Tấc Lòng”, đó là “Suốt 35 năm nay, tôi vẫn đọc báo Người Việt.”

Mỗi bài một vẻ. Nhưng có thể nói, tui cảm thấy mình thật sự may mắn khi được đọc qua tất cả, để có thể hiểu hơn nữa về thân phận của người tị nạn, di dân, như mình. Đọc, mới ngộ ra thêm nữa những lẽ sống trong đời. Và đọc, để thấy cuộc đời và lòng người – không phân biệt sắc tộc, màu da – bao dung vô lượng.

Thời gian đọc bài để chọn lựa lâu hơn là tui nghĩ. Vì đây là cuộc thi. Mình không đùa được. Quả thực, trong số những bài đoạt giải, có bài tui đã từng loại ra, nhưng sau đó, tui lại phải đọc lại, và chọn nó. Thành ra, khi nhìn thấy những bài đó có mặt trong bảng vàng, tui thấy lòng nhẹ nhõm. Tương tự, kết quả các thứ hạng đầu cũng không làm tui ngạc nhiên. Và dĩ nhiên, những ai có mặt trong vòng chấm giải mà không may mắn, cũng khiến tui buồn lây.

Văn chương và cảm nhận, thật là khó. Đó chính là lý do vì sao sau vòng chấm đầu tiên, chánh chủ khảo – nhà báo Ngô Nhân Dụng (đến chiều nay tui mới biết đầy đủ thành phần ban giám khảo) yêu cầu chọn ra 12 bài điểm cao nhất để chấm lại thêm một lần nữa. Kết quả là điểm trung bình cộng của các vị giám khảo.

Chiều này, chạy vô tòa soạn để làm nốt công việc sau cùng của cuộc thi, đó là cộng điểm, mà cảm thấy hồi hộp còn hơn mình đi thi. Tưởng chỉ có mình tui như vậy, ai dè nghe sếp Giao cũng nói y chang, “Mình không thi, chỉ cộng điểm thôi mà cũng run nữa!” hehehehe. Hồi hộp và run dùm cho hết thảy mọi người mà 🙂

Cầm 6 bảng điểm, của nhà báo Đỗ Quý Toàn, nhà báo Phạm Phú Minh, nhà văn Phạm Quốc Bảo, nhà văn Bùi Bích Hà, nhà thơ Trần Mộng Tú, và nhà thơ Du Tử Lê, cùng những nhận xét, ghi chú của họ mới thấy họ kỹ lưỡng như thế nào. Sau khi ra kết quả, báo cho sếp rồi. Lát sau sếp quay lại, thấy tui còn hí hoáy cộng lại lần nữa, sếp cười, “Sợ nhầm hả?” – Dạ. Lỡ lộn 1 điểm cũng đủ đảo ngược kết quả rồi 🙂

Như đã nói ở trên, cảm nhận văn chương là chuyện khó. Tác phẩm này có thể hay với tôi nhưng quá tệ theo cách đánh giá của bạn. Ngược lại, có truyện bạn trầm trồ xuýt xoa nhưng tôi lại thấy sao nó cứ thế nào. Cho nên, với các bài thi này cũng như thế.

Có bài giám khảo này cho điểm 10 tuyệt đối. Nhưng giám khảo kia chỉ đánh giá ở mức trung bình. Và ngược lại. Văn chương là như vậy, nên vì sao có bài được giải nhất theo giám khảo này, nhưng điểm chung cuộc lại không đạt được cả khuyến khích. Trong khi với bài “ngang ngang” thì lại có giải. Thành ra, chưa chắc những bài không có giải đã là những bài dở. Mà nên hiểu, trong mỗi cuộc thi ngoài yếu tố tài năng, còn phải tính đến yếu tố may mắn. Luôn luôn như thế.

Mình có ưng ý và hài lòng với những gì mình viết ra không? Nếu câu trả lời là có, vậy là đủ cho mình hài lòng. Vì, mình đã hết sức. Nếu câu trả lời là rằng vì thì là…. nên mới như vậy , tức mình đã chưa hết lòng vào cuộc chơi, thành ra nếu thua, hay có điều gì không như ý là… tại mình trước, hehehehe. Tui nghĩ như vậy.

Chủ bút cho tui cái quyền vinh dự được làm người trực tiếp gọi điện thoại báo tin cho những người thắng giải (với những ai có ghi số điện thoại) thành ra mình cũng được vui ké. Có tác giả ở South Carolina, khi tui gọi đến, mới biết chú đang bị đau cột sống, nằm trên giường bệnh, mà nghe báo tin, chú vui quá, giọng ríu lại, thấy thương gì đâu. Có chú bắt điện thoại nhưng cho biết tác giả bài thi là… vợ chú. Có người thì vừa nghe tui xưng tên đã hỏi ngay “Ổ, cô đi Philippines về rồi sao?” nghe vui hông 😉 Và cuối cùng, có một nường xứ Cao bồi đang tính đường xem có ở lại chờ đến ngày nhận giải xong thì mới cưỡi bò về lại Austin hay không 🙂

Một lần nữa, cám ơn tất cả mọi người đã tham gia và theo dõi cuội thi.

Kết quả thì chỉ có 8, nhưng tác phẩm chọn đăng thành sách thì gấp 7 lần hơn, vậy là vui rồi, heheheh (chứ như tui viết bao nhiêu bài rồi mà có bài nào được in vào sách đâu, cũng tủi lắm chứ bộ, kể khổ ở đây, biết đâu sếp đọc được sẽ lụm bài này đăng kèm theo quyển sách đó, tui sẽ giữ đời làm kỷ niệm, hehehhe 🙂


Update:

Sau khi post entry này rồi thì tui mới đọc bài nhận xét chung của giám khảo Phạm Phú Minh đăng trên báo Người Việt.

Và thật bất ngờ khi 4 trong 3 mẫu chuyện nhà báo Phạm Phú Minh mang ra để dẫn chứng cho sự sinh động, hấp dẫn của cuộc thi lại là của các còm sĩ mình, hahahaha, đó là bài của Hến, của Ốc và của Tóc Huyền. Vậy chứng tỏ là những bài đó mang dấu ấn thật đặc biệt, chỉ tiếc là “học tài thi phận”, thôi thì Hến cứ tiếp tục với “Bếp Nhà Tui”, Ốc cứ vui thú đi câu cuối tuần, còn nường Tóc Huyền thì sau khi lãnh giải nhớ cho tui ké tô bún mắm, hehehehe