Hậu Lễ Tạ Ơn

Hôm nay là ngày đi trả đồ đã mua sắm trong ngày Black Friday phải không bà con?

heheheheh

Năm nào tui cũng đi Black Friday với các anh chị ruột lẫn chị dâu, anh rể, con cái cháu chưa có chắt. Đi như đi chơi. Những năm trước thì đi mua sắm nhiều, năm nay bớt rồi, bởi vì hứng mua sắm vẫn còn đầy tràn nhưng mà tiền cứ vỗ cánh bay đi theo mọi thứ chuyện thành ra… nhìn người ta mua cho vui:)

Với mọi người thì sao không biết, riêng tui thì tui đi và nhìn cảnh người ta ăn mặc đẹp, nắm tay nhau đi vào các trung tâm mua sắm đông như trẩy hội vào dịp after Thanksgiving hay after Christmas cũng giống như tui nhìn hình ảnh bà con gốc Việt kéo nhau vào các hội chợ Tết, chợ hoa vậy. Đó là văn hóa. Và bao giờ cũng vậy, mình chỉ cảm nhận được mọi chuyện khi tự bản thân mình có dự phần trong đó.

Vài năm trở lại đây, việc mua sắm trên online thịnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngay tại mỗi tiệm – dù trong cùng hệ thống – đều có những ưu đãi, giảm giá riêng của mình. Đó cũng là lý do vì sao người ta đến tiệm mua…

À, có thêm kinh nghiệm này nói với những ai thích đi shopping: năm ngoái hình như tui có kể chuyện mua đồ ở Bath&Body Works. Nếu có 1 nhân viên nào đó đã nói cho mình biết giá mặt hàng đó như thế nào thì nhớ check lại lúc tính tiền. Tức là họ nói rằng cái đó “sale” nhưng khi tính tiền thì vẫn giá nguyên. Mình phải nhắc. Họ sẽ tính theo giá mình nói.

Hôm Black Friday tui cũng gặp trường hợp tương tự. Những túi quà trong V.S để giá $39.50. Tui đang lò dò kiếm màu mà người ta nhờ tui mua thì một cô bán hàng nói “Hôm nay giá chỉ còn $25 một túi.” Tui gật đầu. Lát sau một cô khác đi ngang  hỏi cần giúp gì, tui nói muốn cái túi màu hồng. Cổ tìm cho tui và bảo giá $39.50. “Không, cô kia nói $25.” – “Để tôi đi hỏi lại.” Sau đó cổ xác nhận là $25 và xin lỗi vì nhầm.

Chưa hết, đến lúc tính tiền thì máy cũng hiện lên giá $39.50. Tui nhắc lại giá mới thì cô tính tiền vui vẻ đồng ý ngay và sửa lại.

Đó, nhớ nha bà con.

Giờ đến chuyện xếp hàng. Ai từng đi mua đồ trong những ngày này đều biết đến chuyện xếp hàng. Thế cho nên vì sao người ta thích đi đông, bởi vừa vào đến nơi thì có người trong nhóm nhảy vô xếp hàng chờ tính tiền ngay trong lúc các đồng minh đi lựa đồ. Hehehe, mà chỉ có những lúc như thế mới thấy sự hiện diện của các đấng ông chồng hay bồ bịch là quả thật cần thiết cho đời 🙂

Người ta xếp hàng đông lắm và dài lắm. Ngoằn ngoèo như rồng như rắn. Ai cũng như ai. Người ta bỏ thời gian thì mình cũng phải như vậy. Luật chơi thì phải theo. Thế cho nên chuyện cụ Ốc kể một bà da vàng nào đó chen ngang vô trước mặt ổng đứng, bị người ta phản đối quá trời là phải. Thử hỏi cứ 1 người chen vô được thì người khác cũng chen vô được, bao giờ mới đến người đứng sau rời khỏi tiệm. Nếu chỉ là xếp hàng chờ tính tiền trong Costco hay Walmart thì là chuyện khác (mà cũng đừng tự tiện nhường chỗ ngay trước mình nha, phải hỏi những người đứng sau có đồng ý không, còn không thì nhường chỗ của mình cho người ta thì mình đi ra cuối hàng mà đứng), còn trong những lúc đông ơi là đông như thế này, xếp hàng có khi cả mấy tiếng mà chen ngang vô là điều tối kỵ, nên nhiều người bị quýnh là như vậy.

Mà bà này thuộc loại vô văn hóa hạng nặng luôn, vì theo lời cụ Ốc, khi bị người ta la bả lại còn lớn tiếng nói lại là bả đã đứng trước mặt ông Ốc từ lâu rồi. Ui trời ơi. Nghe mà nóng máu. Lại gặp thêm cái chàng Ốc nhà mình nữa, ga-lăng không đúng chỗ, chỉ tổ làm cho chúng ghét thêm cái giống dân gì quái lạ.

Hahahaha, sau vụ này, chắc cụ Ốc gặp chuyện tương tự không dám mang ra kể. Tự dưng bị “chửi” 🙂

Chuyện sau cùng trước khi chuẩn bị cho Christmas: ăn gà tây là văn hóa ngày Thanksgiving của người Mỹ, nhưng tại sao chưa nghe người Việt Nam nào khen gà tay ngon hết vậy? Tại thịt nó dở thật? Tại không hợp khẩu vị? Hay tại mình không biết làm đúng cách? Và tại sao trong khi biết rằng nhiều người Việt không thích gà tây nhưng các ông chủ vẫn cứ tặng các công nhân của mình gà tây mỗi năm?