Chuyện lắt nhắt

Hôm nay kể thì cũng hơi muộn muộn rồi, nhưng thôi cứ kể đại vì thấy nó vui. Đó là chuyện đi coi thi ca nhạc VStar.

1.

Chuyện thứ nhất:

Không biết ở đây có ai đã từng là người tham dự vào những cuộc thi thố kiểu như vậy chưa, hoặc có thể không phải là ca hát, mà thi nhiều thứ khác? và không biết có ai ở đây từng là phụ huynh đưa con em cháu chắt mình đi dự thi cái gì chưa?

Với tôi thì tâm trạng của một người từng là thí sinh dự thi kiểu vậy cũng có, mà là người đưa “gà nhà” mình đi thi cũng có. Kiểu nào thì cũng hồi hộp và tim cũng nhảy Lambada  như nhau 🙂

Đi coi thi tuyển chọn giọng ca VStar, ngoài chuyện nghe ban giám khảo nhận xét (ai coi tại rạp hay coi trên TV cũng đều biết) thì với tôi, việc chứng kiến cảm xúc của người thân của thí sinh và những chuyện chỉ có người có mặt tại chỗ mới thấy, là điều rất thú vị.

Tôi nhớ hoài hình ảnh người đàn ông da trắng (dĩ nhiên không phải người VN, ba của Thụy Yên?) đứng bật dậy, vỗ tay thật lớn, miệng la to “Yay! Yay! Yay!” khi nghe tên Thụy Yênđược vào thi vòng bán kết. Hay ngay khi tên của Thương Linh được xướng lên thì một người thanh niên ngồi cạnh tôi cũng nhảy lên, vỗ tay, hét lên “Thương Linh! I’m proud of you!” Sau đó, anh chàng ngồi xuống quay qua trái khoe với người ngồi cạnh, “She’s my sister.” Rồi lại quay sang phải nói bằng giọng xúc động, “Thương Linh là chị của em đó.” Mọi người cũng chúc mừng và vui theo niềm vui của anh chàng.

Mình chỉ là khán giả mà cũng muốn vỡ lồng ngực khi thấy cha mẹ, anh em của người chiến thắng hò reo. Và cũng muốn chảy nước mắt khi thấy có thí sinh ngậm ngùi vì không được tiếp tục hành trình của mình.

Vậy thì hãy thử đặt mình vào vị trí của người trong cuộc đi. Sẽ không bao giờ nhẹ nhàng như câu “Em đến với cuộc thi này chỉ để thử sức mình, muốn vượt qua chính mình nên thắng thua không nghĩ đến. Được vào đến đây là em vui lắm rồi…” Không có nhẹ như vậy đâu!

Ngoại trừ những người bị bắt buộc hay thi lấy có vì lý do này lý do khác, còn lại bất kỳ ai khi bước chân vào cuộc thi một cách nghiêm túc cũng đều muốn mình sẽ thắng, không giải này thì cũng giải kia. Chuyện thường tình thế thôi, đâu ai muốn làm kẻ chiến bại.

Thành ra đó là áp lực, với cả người thi lẫn người thân, đặc biệt khi cuộc thi càng nhiều người biết thì áp lực càng nặng nề và tàn nhẫn hơn.

Thế nên, tôi cảm thấy rất thông cảm cho những thí sinh không chịu nổi sức ép khi nghe những lời chê từ ban giám khảo, đặc biệt khi lời phê bình kiểu “từ nội dung đến hình thức không được gì hết. Hỏng hết hoàn toàn.” Bởi lẽ, tôi hay bạn có thể nghe xong rồi từ lỗ tai này qua lỗ tai kia lời đó bay mất tiêu. Nhưng bản thân người nhận lãnh lời phê bình thì không được như vậy. Nó sẽ là một ám ảnh. Nặng nhẹ thế nào, lâu mau sẽ quên tùy thuộc vào mức độ lời chê bai và bản lĩnh của người bị phê bình.

Đó là chưa kể cha mẹ hay anh chị em, vợ/chồng, con cái. Thần tượng của mình đó. Niềm hãnh diện của mình đó, giờ bỗng dưng bị người ta chê te tua tơi tả trước bàn dân thiên hạ như thế thì….

Ác mộng chứ chẳng chơi!

Cho nên, tốt nhất, đừng bao giờ ép ai đi thi thố cái gì hết, nhất là những cuộc thi xuất hiện trước công chúng. Còn lén lén thi trên online có rớt không ai biết thì ok 😉

2.

Chuyện thứ hai:

Điều tui khoái nhìn khi đi coi chương trình có quay hình trực tiếp là sự xuất hiện của những chuyên viên make-up xen vào khoảng giới thiệu các tiết mục thi.

Cứ hình dung vậy nè: ngay sát cánh gà, nơi đạo diễn quay phim hay những người trong ban tổ chức đứng lố nhố để quan sát sân khấu, khán giả thì 3 chuyên viên hóa trang cũng lom khom ở đó. Đến lúc cần phải dậm vá, tuốt lại mặt mũi tóc tai cho 3 giám khảo thì họ bắt đầu ngồi xổm trong tư thế sẵn sàng… chạy. Đợi đến lúc MC xuất hiện bên cánh trái sân khấu, tức là máy quay phim hướng qua đó, thì cứ như theo lệnh “action” của đạo diễn, 3 người chạy nhanh nhanh trong tư thế ngồi (để tránh máy quay) đến chỗ 3 giám khảo. Một người tuốt cho 1 người. Tay họ cầm cọ khảy thoăn thoắt trên mặt giám khảo, tay cầm lượt hay chai keo xịt tóc, chải chải, xịt xịt. Chưa đầy 1 phút là phải xong, họ quay lại và lại lom khom bò về phía cánh gà, né các máy quay phim.

Hehehehe, tui nhìn hình ảnh đó không biết bao nhiêu lần trong 1 đêm diễn, mà không có chán. Chỉ thấy vui, rất là tếu.

Phía trên sân khấu, ban nhạc cũng có những người chạy lên “dậm vá” như vậy 🙂

3.

Chuyện cuối cùng:

Liên quan đến khán giả. Hehehe

Hầu hết khán giả đều rất dễ thương khi đến xem cuộc thi. Bởi vì thấy thí sinh nào lên cũng được vỗ tay nhiệt tình hết, nhất là có những thí sinh ở VN sang thì dĩ nhiên họ không có nhiều đồng minh ở đây rồi, nhưng không vì vậy mà tiếng vỗ tay nhỏ hơn.

Tuy nhiên, bữa đi coi thi chung kết thì có 3 nường, đúng hơn là 2 thôi, vì người thứ ba thì không có gì đáng nói, làm tui cảm thấy rất chi là quái!

3 nàng đều ăn mặc rất là đẹp, váy ngắn có, dài có, bóp ví sang trọng, tóc tai chải bới thời trang, tuổi chừng ngoài 40.

Vừa đặt mông vô chỗ ngồi là 3 nàng làm liền việc phân phát mỗi người một ly cà phê, sinh tố gì đó, rồi đến việc tính toán thu tiền vé lẫn nhau. Cũng ok.

Xong, nàng ngồi bên cạnh tôi lôi điện thoại ra nói chuyện, dặn dò con cái ở nhà ăn uống ra sao, ba đón thế nào. Cũng ok.

Xong, bắt đầu lôi hạt dưa ra cắn tách – tách – tách. Đến đây thì không ok rồi. Hãy hình dung mình đang tập trung coi mà người ngồi cạnh cứ nhúc nhích, lạo xạo hoài thì có khó chịu không.

Chưa. Lúc người ta bắt đầu hát thì hai nường bắt đầu bình phẩm. Trời ạ. Miệng nói như két vậy thì tai đâu mà nghe để mà bình. Mà có phải bình bằng miệng không đâu, tay vừa cầm  hạt dưa đưa lên miệng cắn vừa chỉ chỏ về phía sân khấu để mà mở đài mới ghê.

Điều người ta cần nhất là vỗ tay khi nghe hát xong thì lại không thấy mấy nường làm. Mà làm sao vỗ cho được khi tay mắc cầm đống hạt dưa rồi.

Cứ vậy mà các nàng cứ lao xao chộn rộn suốt buổi. Thiệt chẳng ra làm sao. Chưa kể lúc đang xem lại vác cái phone ra để text để check cái gì không biết rồi thì nó reng inh ỏi. Mà cũng tội là nàng xài iPhone mà nàng không có biết nút tắt hay bấm silent ở đâu. Thế nên khi nghe nó reng lên giữa chốn im im thì nàng hơi quỷnh, càng lính quýnh. Nàng thả cái phone vô giỏ rồi nhét nó xuống ghế, như thể để đừng ai biết “thủ phạm”. Vài ba đỗi như vậy thì nàng kế bên kêu đưa để tắt dùm cho. Thiệt là tội.

Nhưng có lẽ đẹp mắt nhất là khi vừa giãn tuồng thì 3 nàng đứng lên xách đít đi liền, 3 cái ly chu mỏ uống suốt buổi thì để lại nơi ghế, ai dẹp thì dẹp. Ui trời. Công nhận “sốc hàng” dễ sợ!