Một miếng tàu hủ một tuần

1.

Tôi chưa từng gặp bạn ngoài đời, cũng chưa từng nói chuyện với bạn qua điện thoại. Tôi chỉ biết bạn, một cách tình cờ, trên Facebook, vào dịp Tết năm ngoái, khi thấy bạn post hình gói bánh tét.

Bạn gói bánh tét nhiều lắm, một cách bất thường, nhưng không để bán, mà để mang đi tặng. Cho những người nghèo, để họ có cái ăn Tết.

Tôi cảm kích việc làm của bạn, và của những người chung quanh bạn.

Đến tối qua, trong lúc ngồi ở tòa soạn cùng vài đồng nghiệp chuẩn bị cho số báo ra ngày hôm sau, tôi lang thang vào Facebook, đọc thấy lời rủ rê của bạn, mà bần thần.

Dịp Vu Lan, bạn đi xuống thăm một ngôi chùa ở tuốt Cai Lậy-Tiền Giang, lại nằm xa nơi phố thị. Tên chùa là Kim Phước.

Chùa nuôi khoảng 100 người già cô đơn và trẻ mồ côi. Chùa nghèo, lại cưu mang từng ấy người, nên thức ăn hàng ngày của họ không có gì hơn là rau củ bố thí từ những người bán ở chợ không hết thì họ mang lên chùa cho.

Hai ngày ở chùa, bạn thèm miếng tàu hủ chiên, thèm miếng chao mà không có, bạn chợt nhớ đến thời sinh viên. Thời điểm năm 85-86, mỗi năm chỉ đến dịp 2/9 và 9/1 thì trong phần ăn của sinh viên ký túc xá mới có thêm được lát thịt và miếng trứng vịt. Những ngày đó, đi học mà cứ nôn nao đến giờ về để được ăn cơm có thịt, có trứng.

Bạn tính: mỗi miếng tàu hủ giá 2,500 đ X 100 miếng = 250,000 đ. Nếu có bốn người, mỗi người  hùn vô mỗi tháng 250,000 đ (tức khoảng $12) thì mỗi tuần các em bé và cụ già ở đó được ăn tàu hủ 1 lần. Bạn muốn làm điều này trong 1 năm, rồi sau đó tính tiếp. Bạn sẽ mang tiền đến gửi cho lò tàu hủ gần chùa, để mỗi Chủ Nhật họ tự động mang 100 miếng tàu hủ đến, để thêm chất đạm cho những con người cùng khổ.

Nghe mà bần thần là vậy.

Tôi nhắn vào message cho bạn, “Cho mình hùn $100”.

Hiện giờ thì kết quả đã vượt quá mục tiêu lúc đầu bạn đề ra rồi. Tức là người già và em bé đang nương tựa tại ngôi chùa đó sẽ được ăn 1.5  miếng tàu hủ mỗi tuần trong vòng 1 năm, như một phần thức ăn xa xỉ mà trước giờ họ không dám mơ tới.

Có muốn được ăn 2 miếng/tuần hay được ăn thêm 1 năm nữa, thì phải chờ những ngày mai…

Đó mới chỉ là tàu hủ. Muốn có thêm lát thịt mỗi tuần, hãy còn là giấc mơ xa lắm

2.

Cũng trong lúc ngồi chuẩn bị bài vở, tôi đọc mẫu tin VN “Hơn 100 học sinh bị ép rời lớp vì thiếu đồng phục.” Lại thấy bâng khuâng nhiều nỗi niềm.

Mỗi năm đến ngày tựu trường ở VN, là mỗi năm có thêm biết bao câu chuyện đau lòng. Đau lòng đến vô lý. Như câu chuyện trên. Các em bị đuổi về chỉ vì mặc quần tây đen đến trường, trong khi đồng phục quy định phải là quần màu xanh đen.

Đen hay xanh đen có làm cho đứa học trò học giỏi lên không, chưa biết. Đen hay xanh đen có làm cho trường lớp nề nếp lên không, chưa biết. Chỉ biết chắc chắn một điều, có những người cha người mẹ lại tất bật kiếm tiền, hay vay mượn để mua chiếc quần khác cho con mình được đến lớp.

Mỗi năm đến ngày tựu trường ở VN, là mỗi năm có thêm biết bao câu chuyện đau lòng. Chuyện từ những khoản tiền phải đóng, dù là trường công. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mắt một đồng nghiệp tôi đỏ hoe, mắt  người mẹ của một đứa học trò cũng đỏ hoe, sau buổi hai người nói chuyện với nhau.

Hỏi ra mới biết, đứa học trò thiếu tiền học phí mấy tháng rồi. Cô giáo mời mẹ em lên. Mẹ em nghèo. Cô giáo cũng không khá. Nhưng cô hứa nếu mẹ vẫn cho em đến lớp, đừng bắt em nghỉ, cô sẽ đóng thay phần tiền đó, rồi mẹ em sẽ “trả góp” cho cô từ từ.

Tôi đưa tiền cho đồng nghiệp, “Để chị giúp em một tay.”

Hôm sau đứa học trò lên tìm tôi, “Em cám ơn cô. Mẹ em nói sẽ để dành tiền gánh nước mướn trả lại cho cô.” Tôi nghẹn ứ ngang họng. “Thôi, đừng nghĩ đến chuyện đó em.”

Tôi chưa từng làm cô giáo chủ nhiệm, nên điều tôi làm không có nghĩa lý gì so với nhiều đồng nghiệp của mình.

Ngày mai con tôi trở lại trường, như nhiều đứa trẻ nơi đây.

Cũng như nhiều bậc cha mẹ, tôi không phải băn khoăn, lo lắng về chuyện quần áo, sách vở, tiền trường tiền lớp cho con tôi. Và hơn hết, tôi sẽ không bao giờ phải chứng kiến cảnh một đứa học trò nào tức tưởi chạy về nhà vì mẹ nó chưa có tiền mua cho nó cái quần cái áo theo quy định của trường hay phải đi về nhà trên đôi chân không, xách trên tay đôi dép đã bị thầy hiệu trưởng cắt đứt quai vì ba nó chưa có tiền cho nó mua giày bata, như qui định.